Ngày 7/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95 về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Đến nay, sau thời gian soạn thảo, góp ý, Bộ GD&ĐT cho biết cùng với việc đăng tải hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến, ngành giáo dục cũng đã gửi văn bản tới các bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, 63 tỉnh/thành phố để xin ý kiến góp ý.
Tính đến ngày 30/6/2024, Bộ GD&ĐT nhận được góp ý của 60 tỉnh/thành phố; 14 bộ, ngành và 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ với sự tham gia của hơn 800.000 nhà giáo.
Trong tháng 5 - 6/2024, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 9 cuộc tọa đàm/hội thảo tham vấn chuyên môn sâu về một số nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo.
Ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và nhà giáo cơ bản thống nhất đối với cấu trúc dự thảo và có các góp ý cụ thể đối với các điều/khoản trong dự thảo Luật.
Việc Luật Nhà giáo được đưa ra thảo luận, theo ông Hồ Như Hiển – Giáo viên Lịch sử Trường THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hoá) điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với công tác giáo dục đào tạo và người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
“Là một giáo viên, tôi hoàn toàn ủng hộ dự án Luật Nhà giáo sớm được thông qua và thực hiện. Kỳ vọng sẽ đem đến cho nhà giáo nhiều quyền lợi về tuyển dụng, thu hút, thu nhập, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng. Có chính sách để thu hút người tài năng, có tâm huyết và cơ sở pháp lý để sa thải những người yếu kém về chuyên môn, không tâm huyết với sự nghiệp giáo dục”, ông Hồ Như Hiển nói.
Các chính sách đề xuất trong dự thảo Luật, ông Hiển đánh giá đã đáp ứng tương đối các vấn đề liên quan mật thiết đến nhà giáo, trong đó, chế độ làm việc và đãi ngộ của nhà giáo là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Ông cho biết, giáo viên mong muốn sống được bằng nghề và có đủ thu nhập để tập trung toàn tâm toàn ý cho phát triển sự nghiệp, hơn nữa còn tạo ra động lực phát triển cho nghề giáo, từ khâu đào tạo đến tuyển dụng, bồi dưỡng.
Về chính sách định danh Nhà giáo, ông Hồ Như Hiển bày tỏ “không đồng ý” và mong muốn khi đưa ra trình Quốc hội cần xem xét kỹ lưỡng chính sách này, bởi nó không cần thiết và làm phát sinh nhiều thủ tục.
Ở chiều ngược lại, người giáo viên này cũng hiểu được rằng, việc luật hóa chính là cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo nhưng cũng là căn cứ pháp lý để quy định nghĩa vụ. Nhà giáo có trách nhiệm trong việc đáp ứng trước hết các tiêu chí của nhà giáo được quy định trong luật, không ngừng học tập, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Ông Hồ Như Hiển chia sẻ: “Nếu không đạt yêu cầu, cơ quan quản lý có căn cứ để chấm dứt lao động, điều đó chỉ có lợi chứ không có hại cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, bản thân Luật Nhà giáo phải thật sự phù hợp thực tiễn, đi lên từ cơ sở, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của nhà giáo và xã hội”.
Bà Phạm Thị Liên - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang nhìn nhận, Luật Nhà giáo là một thay đổi quan trọng mang tính lịch sử đối với ngành giáo dục Việt Nam.
“Tôi kỳ vọng sẽ có những quy định rõ ràng và công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo cũng như việc đảm bảo ổn định việc làm, điều kiện làm việc chế độ đãi ngộ xứng đáng với những công sức thầy cô đã bỏ ra đối với ngành. Điều này là động lực giúp giáo viên cảm thấy được trân trọng và tiếp tục phấn đấu”, bà Phạm Thị Liên chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện nay, giáo viên ở trên khắp vùng miền cả nước đều đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong đổi mới Chương trình GDPT 2018. Điều này đặt ra bài toán cần có một hành lang pháp lý tạo cơ hội cho nhà giáo được thường xuyên được học tập, trau dồi kiến thức mới thích ứng được sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện nay.
“Trong hơn hơn 20 năm giảng dạy, tôi đã trải qua 4 lần thay sách giáo khoa. Những cách tiếp cận kiến thức mới mang tính chất thời đại và áp dụng công nghệ vào giảng dạy là yêu cầu cấp bách hiện nay với mỗi người giáo viên. Tôi mong muốn luật mới sẽ quan tâm hơn tới với đầu tư cho việc bồi dưỡng, đào tạo, làm sao đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của học sinh”, cô Liên gửi gắm vào bộ luật sắp ban hành.
“Luật Nhà giáo là “luật đối tượng”, mà xây dựng luật đối tượng thì vô cùng khó” - đây là đánh giá của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV khi trao đổi với Người Đưa Tin.
Bà Nga nhìn nhận, Luật Nhà giáo được điều chỉnh bởi một hệ thống luật pháp khác. Cụ thể ở đây, nhà giáo là viên chức nên chịu tác động của Luật Viên chức. Những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, đến việc làm thì được điều chỉnh bởi Luật Lao động. Luật Bảo hiểm xã hội hay Luật Thi đua khen thưởng,… cũng đều là những bộ luật liên quan.
“Đã có quá nhiều nội dung đề cập quy định về nhà giáo cho nên khi xây dựng rất dễ sa vào việc nhắc lại một cách không cần thiết những quy định đã có - điều tối kỵ trong công tác lập pháp. Nhưng ngược lại, nếu “né” tất cả, thì lại chỉ quy định lý thuyết chung chung, không điều chỉnh cụ thể. Trong dự thảo tôi vẫn thấy một số quy định đã có trong các luật khác, điều này đặt ra thách thức rất lới với Ban soạn thảo”, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.
Dù khó nhưng bà Nga khẳng định rất cần thiết phải xây dựng luật bởi vì “vẫn có nhiều khoảng trống nhất định”.
Cùng với đó, người thầy có địa vị rất thiêng liêng trong suy nghĩ của toàn dân tộc, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo. Tuy nhiên thời gian gần đây, dường như địa vị đấy đã có những lúc, những nơi bị lung lay bởi một vài sự việc. Chính vì vậy yêu cầu bức thiết phải luật hoá vị trí, vai trò và nghĩa vụ của nhà giáo.
“Tiêu chuẩn nhà giáo” và “chế độ tiền lương” là hai nội dung mà bà Nguyễn Thị Việt Nga còn nhiều băn khoăn, lo lắng.
Theo dự thảo Luật đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bộ GD&ĐT cho biết các chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29 "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ".
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù.
Đối với nội dung này, bà Nga nhất trí cho rằng cần phải có ưu đãi nhất định do đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo. Mặc dù vậy, nếu như nói đến vất vả hay đặc thù nghề nghiệp thì ngành nghề nào cũng có không chỉ riêng nhà giáo.
“Khó có thể nói rằng là ngành nào vất vả nhất, đặc biệt đối với khối lao động trí óc đặc thù. Nếu ưu tiên giáo viên xếp lương cao nhất thì còn các nghề khác, ai cũng xếp cao nhất thì ai cao nhì? Điều này nếu quy định sẽ mang đến rất là nhiều rắc rối”, bà Nga nói.
Đưa ra đề xuất, vị đại biểu bày tỏ nên thống nhất nên có ưu đãi nhất định cho giáo viên, nhưng ưu tiên bằng cách nào thì cần phải tính toán.
“Hiện nay chúng ta đang tính thâm niên, phụ cấp nghề nghiệp, nếu như tổng thu nhập của giáo viên vẫn thấp và cần phải tăng lên nhằm xứng đáng với đặc thù nghề nghiệp thì tại sao không tính tăng ưu đãi thay vì chỉ nghĩ đến tiền lương?”, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu.
Về quy định liên quan đến chứng nhận nhà giáo, nữ đại biểu cho rằng chứng chỉ hành nghề nếu không đánh giá cẩn thận sẽ đi ngược lại với tất cả những nỗ lực khi xây dựng Luật Nhà giáo. Có nghĩa không phải là để tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên mà lại làm khó, gây thủ tục hành chính phiền toái.
Với quy trình hiện nay, muốn trở thành giáo viên cần phải được đào tạo trong khối các trường đại học sư phạm hoặc các chuyên ngành tương đương kèm theo chứng chỉ nghiệp vụ. Sau khi có bằng phải trải qua kỳ thi sát hạch viên chức để chính thức có biên chế và giảng dạy.
“Nếu bây giờ yêu cầu giáo bên phải có chứng chỉ hành nghề. Có nghĩa là sau khi được đào tạo sư phạm 4 năm, trải qua rất nhiều khâu và thủ tục khác vẫn chưa được trở thành giáo viên. Như vậy, một mặt là phủ nhận bằng đại học sư phạm, cùng với đó là thêm thủ hành chính phức tạp, điều này là hết sức vô lý”, bà Nga băn khoăn.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng không thể so sánh giáo viên với các ngành khác hiện nay và không phải ngành nào cũng cần có thẻ hành nghề.
Tại các cuộc hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo thời gian gần đây, tiếp thu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh mục đích của Luật để đổi mới quản lý Nhà nước đối với nhà giáo, chuyển từ hướng quản lý hành chính, mệnh lệnh sang quản lý bằng chất lượng, tiêu chuẩn.
Bộ trưởng cũng cho rằng, với nhà giáo, quyền và nghĩa vụ phải song hành; giữa tôn vinh rất cao và đòi hỏi nghiêm ngặt là không tách biệt, do đó yêu cầu cũng sẽ cao hơn với nhà giáo, từ đó dần nâng cao chất lượng đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Sơn cũng lưu ý, với một việc lớn như xây dựng Luật Nhà giáo, thời gian rất gấp, yêu cầu chất lượng cao, mục tiêu kỳ vọng Luật sẽ điều chỉnh được nhiều nội dung, yêu cầu thì rất cần tập trung cao độ để có sản phẩm phù hợp nhất, đáp ứng kỳ vọng đây sẽ là cơ sở pháp lý để phát triển lực lượng nhà giáo.
Lãnh đạo ngành giáo dục nhận thấy nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.
“Nếu được thông qua, đây là cơ hội để chúng ta điều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý nhà nước về nhà giáo. Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực”, Bộ trưởng đánh giá.