img
Hương Lan – Nguyễn Hường

Hiện nay, công an các địa phương đang cho công dân kê khai “Phiếu thu thập thông tin dân cư” (DC01) để phục vụ công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý bằng số hóa. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) là bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng mã số định danh cá nhân. Điều này đang được dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn những thắc mắc liên quan đến vấn đề bỏ sổ hộ khẩu và kê khai DC01 như thế nào cho đúng.


Xóa bỏ 39 thủ tục hành chính, người dân hết bị sổ hộ khẩu “hành”?

PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã liên hệ với cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 bộ Công an) để giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề trên.

Theo đó, đại diện C06 cho biết: Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thay đổi hình thức quản lý sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân. Đối với Nhà nước, sẽ góp phần đảm bảo quản lý công dân chặt chẽ hơn, thực chất hơn, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.

Xóa bỏ 39 thủ tục hành chính, người dân hết bị sổ hộ khẩu “hành”?

Bỏ sổ hộ khẩu, sẽ giảm bớt thủ tục phiền hà cho người dân (Ảnh: D.M)

Cũng theo vị cán bộ trên, theo rà soát, thống kê hiện nay có 39 thủ tục hành chính mà người dân bắt buộc phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc bản sao mới có thể giải quyết theo quy định của pháp luật. Do đó, sau khi tất cả công dân có mã số định danh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn chỉnh và kết nối với các bộ, ngành thì sẽ xóa bỏ tất cả các thủ tục hành chính nói trên. Hơn nữa, trên thực tế hiện nay, có một số cán bộ khi tiếp công dân đã cố tình gây phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng vặt… Vì vậy, khi dữ liệu công dân được số hóa, minh bạch, công khai sẽ hạn chế tối đa tình trạng này.

Trả lời câu hỏi đối với việc nhiều người dân đang hiểu rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy tức là bỏ công tác quản lý cư trú, bỏ quản lý theo hộ, vị đại diện C06 giải thích: Hiểu như vậy là chưa đúng, việc quản lý cư trú vẫn phải đảm bảo, chỉ thay từ hình thức quản lý thủ công bằng quản lý điện tử. Khi có thay đổi về nơi tạm trú, thường trú, người dân sẽ kê khai thông tin để cơ quan chức năng cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyển hồ sơ vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu, lưu theo quy định.


img

Xóa bỏ 39 thủ tục hành chính, người dân hết bị sổ hộ khẩu “hành”?

Liên quan đến những thắc mắc của người dân xung quanh việc kê khai “Phiếu thu thập thông tin dân cư” (DC01), đại diện C06 giải thích: Về nguyên tắc, công dân sẽ kê khai ở nơi có hộ khẩu thường trú. Ngoài ra, người dân cũng có thể kê khai ở nơi tạm trú, công an cơ sở sẽ thu phiếu DC01, nhưng không nhập dữ liệu mà gửi phiếu đó về nơi công dân có hộ khẩu thường trú. Khi đó, công an nơi thường trú sẽ đối chiếu thông tin và xác nhận, rồi chuyển phiếu DC01 đến cán bộ nhập liệu để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo thẩm quyền.

Còn đối với những trường hợp đang sử dụng cả 3 loại giấy tờ (giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và CMND/CCCD) đều không có ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì công an địa phương sẽ hướng dẫn công dân đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của công dân để giải quyết bổ sung ngày, tháng sinh. Sau khi công dân đã thực hiện việc bổ sung ngày, tháng sinh thì công an khu vực hoặc công an viên mới tiến hành thu thập thông tin dân cư và hướng dẫn công dân hoàn thiện thủ tục đề nghị bổ sung ngày, tháng sinh vào sổ hộ khẩu và CCCD.

Xóa bỏ 39 thủ tục hành chính, người dân hết bị sổ hộ khẩu “hành”?

“Hiện nay sổ hộ khẩu là cơ sở pháp lý quan trọng được sử dụng khi người dân đến UBND xã để xin xác nhận thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước... Nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả UBND xã, cơ quan Nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị toàn bộ hệ thống máy tính, trang thiết bị để có thể truy cập, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xác nhận thay vì việc chỉ kiểm tra sổ hộ khẩu như hiện nay”.

ĐBQH Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định

Đối với người dân có đăng ký thường trú nhưng đi vắng khỏi nơi thường trú mà chưa đăng ký tạm trú ở nơi khác thì thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm khai hộ. Người khai hộ phải ký, ghi rõ là “Người khai hộ”, chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin khai phiếu.

Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt như người không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; người khuyết tật; trẻ em dưới 14 tuổi; người không biết chữ, không biết tiếng Việt thì yêu cầu người đại diện theo pháp luật hoặc người kê khai hộ kê khai thông tin, ký xác nhận, ghi rõ mối quan hệ với người được thu thập thông tin.

Trường hợp vắng mặt cả hộ hoặc người trong hộ không xác định được công dân đang cư trú tại đâu thì không tiến hành thu thập thông tin về công dân.

Xóa bỏ 39 thủ tục hành chính, người dân hết bị sổ hộ khẩu “hành”?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nhìn nhận: “Với việc thay đổi hình thức quản lý cư trú bằng số hóa, bỏ sổ hộ khẩu thì khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu mà sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Khi đi giải quyết các thủ tục hành chính, người dân không phải nộp các bản sao giấy tờ có chứng thực, rút ngắn được thời gian giải quyết và thời gian đi lại, giảm chi phí… Hơn nữa, trước đây đã có trường hợp 1 người nhưng có tới 2 sổ hộ khẩu, gây khó khăn cho công tác quản lý. Sau này, khi dữ liệu công dân được số hóa, kết nối liên thông, minh bạch sẽ không để xảy ra những trường hợp tương tự, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội”.


Xóa bỏ 39 thủ tục hành chính, người dân hết bị sổ hộ khẩu “hành”?

Theo ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Khi chuyển đổi hình thức quản lý từ hộ khẩu sang mã số định danh, chúng ta đã có lộ trình và thời gian chuyển tiếp. Trong thời gian chuyển tiếp đó, vẫn sử dụng giấy tờ, tài liệu liên quan đến sổ hộ khẩu, dần dần mới thay đổi sổ hộ khẩu bằng mã số định danh.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng quản lý cư trú vẫn được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên những gì liên quan đến hộ khẩu cũng không thay đổi. Các quy định về đất đai, y tế, giáo dục có liên quan đến sổ hộ khẩu hoàn toàn không bị xáo trộn khi sử dụng phương pháp quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Việc làm này còn tạo điều kiện cho công dân trong các giao dịch, đăng ký sử dụng dễ dàng hơn.

Chính sách quản lý bằng mã số định danh giúp cho công tác quản lý Nhà nước đạt hiệu quả cao hơn. Tất cả công dân khi sinh ra đã có mã số định danh và gắn với toàn bộ cuộc đời của họ, từ khi đi học, đi làm, kết hôn… Quản lý bằng mã số định danh giúp cho công dân và Nhà nước đều thực hiện được các giao dịch một cách đơn giản, không phải mang theo sổ hộ khẩu, kê khai phức tạp. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian của công dân, xóa bỏ thủ tục hành chính phiền hà “hành” dân. Câu cửa miệng người dân hay nói thủ tục hành chính là … “hành là chính” hết cửa tồn tại.

Khi tất cả mọi người đều nhận thức được tính ưu việt của việc quản lý bằng mã số định danh thì việc triển khai sẽ nhanh và đảm bảo lộ trình đưa ra.


H.L – N.H

img