Năm 2020, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục lên tới 1.300 tỷ đồng, tương đương với 42,2% vốn điều lệ. 6 tháng đầu năm 2021, VNR tiếp tục lỗ gần 300 tỷ đồng. Trong quý III, sản lượng, doanh thu ngày càng sụt giảm nghiêm trọng khi tàu khách phải chạy cầm chừng và tạm dừng hoạt động hoàn toàn từ 25/8 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Hàng nghìn công nhân đường sắt phải hoãn huỷ hợp đồng, nhân sự khối gián tiếp từ cấp lãnh đạo tổng công ty, trưởng phòng, phó phòng... đều phải cắt giảm giờ làm, làm luân phiên, giảm thu nhập...
Đứng trước những khó khăn kép được Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh gọi là "chưa từng có trong lịch sử kể từ ngày thành lập", ngành đường sắt xác định vẫn còn dư địa để phát triển. Để có sức đi đường dài, trong khi chờ đợi những gói hỗ trợ của Nhà nước, những khó khăn của cơ chế chính sách được tháo gỡ, bản thân Tổng công ty đã phải tìm mọi cách trụ vững trước "cơn bão" dịch Covid-19, chờ cơ hội phục hồi.
Người Đưa Tin (NĐT): Nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối diện với rất nhiều hệ luỵ từ đại dịch Covid-19. Trong đó, ngành vận tải nói chung và vận tải đường sắt nói riêng là một trong những lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất. Từ góc nhìn của những người trong cuộc, xin ông cho biết những đánh giá về sức khoẻ của ngành đường sắt hiện nay?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Đối với ngành đường sắt, đây là giai đoạn khó khăn nhất ngành phải trải qua kể từ khi ra đời đến nay. Trước đó, chưa bao giờ chúng ta phải dừng khai thác toàn bộ tàu khách. Tuy nhiên, diễn biến của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư cùng với việc rất nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội đã dẫn đến tất cả các đoàn tàu chở khách phải tạm dừng hoạt động và phải cắt giảm các tàu hàng chuyên tuyến.
Những khó khăn trên dẫn đến toàn bộ hoạt động của ngành đường sắt phải có những thay đổi rất lớn để đối diện với những diễn biến phức tạp của đại dịch cũng như để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
NĐT: Một vấn đề khó khăn lâu nay mà ngành phải đối mặt đó là chế độ lương thưởng, thu nhập cho nhân viên đường sắt... Với ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình diễn ra thế nào? Tổng công ty đã có những chính sách, hoạt động hỗ trợ ra sao?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2021, toàn Tổng công ty Đường sắt có 3.429 lao động phải tạm hoãn hợp đồng và nghỉ luân phiên, trong đó nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5-13 ngày công là 1.329 người lao động và số lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động là khoảng 2.100 người/tháng. Như vậy, có thể thấy ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống người lao động là nghiêm trọng bởi chúng tôi không có dòng tiền hoạt động và cũng không thể trả lương cho lực lượng lao động không có việc làm do tàu dừng chạy
Trước bối cảnh đó, chúng tôi cũng đã sử dụng tất cả những giải pháp từ nội lực của doanh nghiệp cũng như là huy động các nguồn lực xã hội khác qua các kênh chính quyền, công đoàn để thực hiện các chế độ cho người lao động thuộc diện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương. Chúng tôi cũng đã huy động các nguồn lực xã hội để thành lập “Quỹ thiện nguyện đường sắt” và Chương trình "Cặp lá yêu thương" để hỗ trợ kịp thời người lao động gặp khó khăn đặc biệt là trong giai đoạn 4 tháng dịch cao điểm vừa qua trên tinh thần "không để lại ai ở lại phía sau".
Tổng công ty xác định huy động tất cả nguồn lực có thể có để hỗ trợ người lao động kể cả những người khó khăn nhất đều có thể duy trì cuộc sống và sau khi kiểm soát được dịch bệnh thì những người lao động có thể tiếp tục cùng đồng hành, gắn bó với ngành đường sắt.
NĐT: Đại dịch Covid-19 được xem là một thử thách mới, chưa từng có đối với nền kinh tế, đòi hỏi sự thích ứng, thích nghi rất lớn của các doanh nghiệp. Đối với ngành đường sắt, VNR đã làm gì để vượt qua đại dịch?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Từ đầu năm 2020 đến nay, với tác động của 4 đợt dịch đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư làm đứt gãy hoạt động vận chuyển hành khách, doanh nghiệp đã buộc phải thích ứng với tình huống là giảm doanh thu. Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của ngành đường sắt chỉ bằng chưa đầy 50% so với năm 2019 và cũng không đạt được kế hoạch đề ra vì khi chúng tôi lập kế hoạch cũng không lường trước được dịch bệnh sẽ bùng phát với quy mô diện rộng và ảnh hưởng lớn đến như vậy.
Do vậy, điều đầu tiên chúng tôi làm là tiết giảm tất cả các chi phí trên nguyên tắc thay đổi tư duy với mục tiêu giữ được dòng tiền cho hoạt động SXKD tối thiểu, đảm bảo doanh nghiệp có thể trụ vững được qua giai đoạn dịch. Thay vì lập kế hoạch chi đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm, hàng quý, hàng tháng, hàng tuần thì đến giai đoạn này chúng tôi phải chi dựa trên hiệu quả của chi phí. Tức là mỗi một đồng chi ra thì phải tính toán hiệu quả phục vụ sản xuất trực tiếp, gián tiếp như thế nào.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang đàm phán với các tổ chức tín dụng để có thể giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm lãi suất. Đồng thời, đàm phán với khách hàng xin giãn thời gian thanh toán đối với các chi phí nhiên liệu, vật tư, phụ tùng... Chúng tôi cũng phát động cán bộ nhân viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo tạm thời cho vay lương, chưa lĩnh lương ở trong giai đoạn khó khăn này. Từ cấp lãnh đạo Tổng công ty đến các phòng ban, người lao động, đều chi trả lương theo thực hiện công việc, giảm lương, giảm thu nhập để cùng chung tay trong giai đoạn khó khăn.
Tổng công ty cũng tăng cường đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa để bù đắp một phần nào đấy cho vận chuyển hành khách. Khai thác có hiệu quả hàng liên vận quốc tế, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, mở các tuyến hàng tàu nhanh.
NĐT: Trong năm nay, sau chuyến đi thử nghiệm từ Hà Nội đi Trịnh Châu (Trung Quốc) hồi tháng 4, ngành đường sắt đã có những chuyến tàu đầu tiên vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu, cho thấy những nỗ lực rất lớn của ngành đường sắt trong việc tiếp cận các thị trường mới. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch mở rộng thị trường của ngành đường sắt? Chiến lược lâu dài của ngành thời gian tới là gì?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Ngay từ trước đại dịch diễn ra, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã xác định dư địa cho vận tải hành khách của ngành đường sắt sẽ ngày càng giảm đi bởi không thể cạnh tranh được với những phương thức vận tải khác như đường bộ, hàng không, hàng hải. Phân khúc hành khách có thể lựa chọn và còn dư địa chỉ là một phần khách du lịch trên một số tuyến, đoạn cố định.
Do vậy, về định hướng trong thời gian tới, Tổng công ty tập trung chuyển sang vận tải hàng hóa, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa. Như trong thời gian dịch bệnh vừa qua, chúng tôi vẫn duy trì và phát triển tốt tuyến liên vận quốc tế như tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để bù đắp lại phần thiếu hụt của vận tải hành khách. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tận dụng việc giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển từ Việt Nam đi châu Âu tăng cao cùng với thời gian ưu việt của vận tải đường sắt là điều kiện thuận lợi để ngành đường sắt mở ra những tuyến mới.
Thứ hai, chúng tôi cũng đang tập trung vào việc xây dựng đề án để quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để trình Chính phủ và Bộ GTVT nhằm tháo gỡ các nút thắt cho vận tải đường sắt đồng thời tạo ra những cơ chế để có thể khuyến khích đầu tư xây dựng, mở rộng toàn bộ hệ thống kho bãi, các trung tâm hậu cần phục vụ logistics, đầu nối đường sắt đến cảng biển- khu công nghiệp, kết nối với các loại hình vận tải khác từ đó làm giảm chi phí logistics cũng như tăng chất lượng dịch vụ, tạo ra thặng dư thương mại trong việc khai thác hạ tầng.
NĐT: Dịch Covid-19 đang đặt ra những vấn đề mới trong quản trị doanh nghiệp, đòi hỏi một sự đổi mới từ tư duy, nhận thức đến hành vi cụ thể của các doanh nghiệp. Theo ông, với một ngành có tuổi đời như đường sắt thì nhu cầu đổi mới thể hiện như thế nào? Và cụ thể đối với VNR, doanh nghiệp đã làm được gì?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Đối với ngành đường sắt hay bất kỳ một ngành nào khác và cũng không phải là chỉ đến giai đoạn này, sự đổi mới, sắp xếp lại trong quản trị luôn luôn là việc làm hằng ngày, hằng kỳ của doanh nghiệp để thích ứng được với thị trường dựa trên nền tảng, nguồn lực có sẵn cũng như điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp.
Đặc biệt bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã càng thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trong tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất để nâng cao hiệu quả vận hành của doanh nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động. Đó là yêu cầu bắt buộc của mỗi một doanh nghiệp và đường sắt cũng không đứng ngoài yêu cầu đó.
Đối với VNR, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thời gian vừa qua, chúng tôi đã xây dựng các hệ thống phần mềm quản trị như phần mềm bán vé, hệ thống quản lý vận tải hàng hóa, phần mềm quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành chạy tàu nhằm giảm phụ thuộc vào người lao động, giảm chi phí nhân công đồng thời tăng cường đảm bảo an toàn hơn trong quá trình vận hành. Tổng công ty đã phê duyệt đề án về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn trong việc đổi mới.
Tuy nhiên, đối với đường sắt thì có một điều khó, rất khó, đó chính là hạ tầng nào thì đi với công nghệ đấy. Điều này khác với loại hình vận tải, ví dụ trên cùng một tuyến đường bộ có thể có đồng thời những xe từ những năm 1900s đến tận 2021 tức là có nhiều nền tảng công nghệ của phương tiện trên cùng một nền tảng công nghệ của hạ tầng. Nhưng đối với đường sắt, công nghệ hạ tầng nào thì công nghệ phương tiện đấy, công nghệ điều hành chạy tàu đấy. Chúng ta không thể đặt tàu điện khí hóa trên nền tảng hạ tầng công nghệ diesel mà chúng ta đang sử dụng.
NĐT: Là người đứng đầu ngành đường sắt – một ngành vốn đã gặp nhiều thách thức trước đó, ông nhận thấy thời gian qua đâu là khó khăn lớn nhất của ngành?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Khó khăn lớn nhất của ngành đó là câu chuyện về kết cấu hạ tầng đường sắt. Sau 35 năm đổi mới, đối với các ngành vận tải khác phát triển đều rất tốt với nền tảng hạ tầng, phương tiện vận tải và chất lượng dịch vụ đều đang tiệm cận với mức của thế giới. Tuy nhiên, đối với đường sắt, chúng tôi đang vẫn quản lý một nền tảng hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu và không cùng một mặt bằng so với các ngành vận tải khác.
Đây là hạ tầng của Nhà nước và được giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam quản lý vận hành khai thác, chứ không phải hạ tầng thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu đã đầu tư hạ tầng đường sắt thì phải đầu tư trên những tuyến rất dài để đảm bảo tính đồng bộ với kinh phí rất lớn.
Với nền tảng hạ tầng như vậy, việc đổi mới, phát triển là điều bất khả thi. Muốn đường sắt đổi mới toàn diện, có thể theo kịp sự phát triển và cạnh tranh công bằng với các phương thức vận tải khác, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải đổi mới công nghệ của hạ tầng. Còn hiện nay, chúng tôi chỉ có thể nỗ lực khai thác tối đa năng lực của hạ tầng với mức cao nhất chỉ đạt 21 đôi tàu/ngày đêm và không thể tăng lên nữa nếu không cải tạo, nâng cấp hạ tầng hoặc đầu tư những tuyến mới. Đây chính là điểm nghẽn, là khó khăn nhất đối với ngành.
NĐT: Là một người quản lý, theo ông đâu là điều giúp doanh nghiệp có thể vượt qua những thời diểm khó khăn và điều gì là cốt lõi nhất mà người lãnh đạo doanh nghiệp cần hướng đến?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Tôi nghĩ rằng dù là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, điều đầu tiên đó là sự nỗ lực của cả tập thể, đó là sự đoàn kết, nhất trí trong một tổ chức. Bởi chính sự đoàn kết nhất trí đó sẽ tạo nên sức mạnh để có thể vượt qua những khó khăn. Đơn cử như ngành đường sắt, trong suốt giai đoạn khó khăn hai năm vừa rồi thì thành công việc duy trì hoạt động chính là nhờ sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể cán bộ lãnh đạo cũng như sự đồng lòng, chia sẻ của người lao động đối với doanh nghiệp. Đó là liều thuốc tinh thần cực kỳ lớn đối với doanh nghiệp và người lãnh đạo để có thể trụ vững được qua những giai đoạn khó khăn nhất.
NĐT: Vậy, đối với ban lãnh đạo VNR, sự đồng hành cùng với khó khăn của doanh nghiệp và người lao động được thể hiện như thế nào?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Sự chia sẻ ở đây là tất cả không trừ bất kỳ một ai kể cả lãnh đạo. Như chúng tôi cũng có nhiều hình thức khác nhau, nhiều người vẫn đi làm đầy đủ nhưng không nhận lương, hay chỉ nhận một nửa lương thôi. Có người đồng ý không nhận lương ngay để cho công ty vay lương đến năm sau. Chúng tôi cũng chấp nhận chia sẻ cùng doanh nghiệp và người lao động với quan niệm phải căn cứ vào công việc thực tế chứ không phải căn cứ vào vị trí, chức vụ của từng đồng chí để có sự chia sẻ cần thiết.
Bên cạnh đó, là tinh thần chia sẻ giữa các khối, các đơn vị và lãnh đạo đối với từng trường hợp khó khăn, với từng nhóm, lĩnh vực trên nguyên tắc Không để ai lại phía sau.
NĐT: Thời gian vừa qua, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã triển khai nhiều hoạt động, gói hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với ngành đường sắt, sự hỗ trợ đó được triển khai như thế nào và có tác động ra sao?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Về cơ bản, tôi cho rằng Chính phủ đã rất kịp thời để đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách và đã từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động. Hiện, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Tổng công ty đã tích cực hoàn thiện hồ sơ để được hưởng ưu đãi, nhưng đến nay chỉ được hưởng rất ít do không đáp ứng được các tiêu chí đề ra như gói hỗ trợ cho những người lao động bị mất việc làm do bệnh dịch và gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để có thể tái phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn... Chúng tôi cũng đang kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi một số điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận.
Trước đó, Tổng công ty cũng đã được hỗ trợ giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đề xuất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho vay không lãi suất 800 tỷ đồng bù đắp một phần dòng tiền thiếu hụt do kết quả kinh doanh thua lỗ rất nặng trong giai đoạn 2020-2021. Đề xuất này hiện nay đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt.
NĐT: Ông có kiến nghị gì về chính sách để cải thiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp và cơ hội phục hồi sau dịch?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Ngoài việc điều chỉnh những điều kiện để các doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng được nhận những ưu đãi từ Chính phủ trong ngắn hạn như đã và đang được thực hiện để giải cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản trước mắt thì việc giải quyết những vướng mắc về chính sách ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh về lâu dài mới là chìa khóa để doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và phát triển. Hệ lụy của dịch không thể khắc phục được ngay trong thời gian ngắn, cộng hưởng với những bất cập trong cơ chế chính sách nhiều năm nay sẽ làm doanh nghiệp khó có cơ hội phục hồi.
Đối với Tổng Công ty thì hàng loạt những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp về đầu tư từ ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, sự không thống nhất trong thi hành Luật Đường sắt… cần phải được tháo gỡ để Tổng công ty từng bước vượt qua khó khăn và có được cơ hội phát triển.
NĐT: Hiện nay Chính phủ đã chuyển trạng thái từ mục tiêu “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Bộ GTVT từng bước tổ chức lại hoạt động vận tải của 05 lĩnh vực trong đó có vận tải đường sắt. Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã xây dựng kế hoạch như thế nào để sẵn sàng quay trở lại “đường đua” trong bối cảnh mới?
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh: Sau một thời gian dài ngừng hoạt động, Tổng công ty thực sự mong muốn được quay trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh thường ngày. Tổng công ty đang chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu đi lại của hành khách để từng bước khôi phục kế hoạch chạy tàu Thống nhất và tăng sản lượng doanh thu, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đối với kết quả SXKD. Trước mắt chúng tôi xác định mở lại một số tuyến nhu cầu đi lại của người dân đang lớn như tuyến Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Quảng Bình, Tp. Hồ Chí Minh – Nha Trang. Kế hoạch chạy tàu Tết Nguyên đán 2022 đã được xây dựng và sẽ triển khai đến các Công ty cổ phần vận tải để chủ động xây dựng và thực hiện phương án bán vé tàu Tết kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã trực tiếp chỉ đạo, Quyết định ban hành Quy định tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (Quyết định số 1782/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2021). Đây là sự chỉ đạo rất kịp thời, nhằm từng bước khôi phục lại vận tải hành khách nội địa bằng đường sắt, đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết của nhân dân.
NĐT: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Người Đưa Tin.
NGUOIDUATIN.VN |