Đó là những bản nhạc da diết, nhớ thương. Có người Việt ở nước ngoài tâm sự, khi nghe nhạc Phú Quang đã bật khóc, họ nhớ về Hà Nội, về những ký ức thời xưa cũ với phố cổ rêu phong, người dân bình dị, hiền hoà.
Nhiều năm về trước, người dân phố cổ Hà Nội vẫn nhớ một nhạc sĩ cứ chiều chiều lại đi bộ quanh các con phố cổ để ngắm người xe qua lại. Thi thoảng, ông còn dừng lại ở một vài quán trà đá ven đường để uống nước hay hút điếu thuốc và nói chuyện với mọi người xung quanh. Với ông, Hà Nội là thiêng liêng nên khi viết về nơi này, ông luôn dành cho mình những cảm xúc rất thật. “Tôi yêu Hà Nội bằng một tình yêu của cậu bé mới lớn, nhìn đời lúc nào cũng đẹp. Hà Nội của tôi đẹp lắm, để rồi có đi đâu, ở đâu thì tôi vẫn hướng về nơi này. Tôi không phủ nhận mình yêu Hà Nội một cách cực đoan, nhưng sự cực đoan này đáng yêu và ai cũng tha thứ” – Ông từng tâm sự với Người Đưa Tin.
Hà Nội của Phú Quang, trong âm nhạc Phú Quang là chuông chùa Hồ Tây, là sương mù Quảng Bá, là hoa sữa, hoa sấu, cùng lắm là tiếng tàu điện leng keng. Hà Nội của Phú Quang ngơ ngác, mờ ảo, thoang thoảng, phất phơ. Ông chọn những hình ảnh đẹp nhất của Thủ đô để yêu. Phú Quang không thích nhìn Hà Nội ở những chiều kẹt xe, hay ồn ào những âm thanh ngoài chợ mà với ông, tình yêu cũng phải đẹp, đẹp đến mơ màng.
Từ lâu, người yêu nhạc tin rằng Phú Quang tự khắc họa đời mình qua Em ơi, Hà Nội phố: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường”. Phú Quang nói chuyện duyên dáng, cư xử lịch thiệp. Ông thích một mình cà phê để tìm cảm hứng sáng tác. Tay cầm điếu xì gà, mắt mơ màng đọc thơ trong quán nhỏ, ông thỉnh thoảng được người hâm mộ đến tâm tình, xin chữ ký, nhưng ông rất vui vẻ. Ở tuổi cổ lai hy, Phú Quang hay đùa rằng ông vẫn có phụ nữ thần tượng, một phần cũng nhờ mác “trai phố cổ”. Thế nhưng, ông lại là người nghiêm túc trong chuyện tình cảm, chỉ có hết duyên với người này thì ông mới có người khác. Chính người vợ hiện tại của ông – bà Trịnh Anh Thư cũng công nhận điều này.
Là một nhạc sĩ tài năng, nhưng Phú Quang lại rất giản dị và không màng đến chuyện tiền bạc. Có hơn 600 bài hát, nhiều bản tình ca đã làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng từ NSND Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa đến Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tấn Minh, Minh Chuyên và sau này với các thế hệ ca sĩ trẻ nữa nhưng mỗi năm ông chỉ làm 1 đến 2 show diễn mà đa phần là do… người khác gợi ý. Ông bảo: “Quan tâm đến chuyện tiền bạc làm gì. Mình là nhạc sĩ thì chỉ chuyên tâm sáng tác thôi. Có người nói Phú Quang dại, ừ thì tôi dại. Dại mới nhiều người thương mình”.
Thế nhưng, ở mỗi show diễn nhạc sĩ Phú Quang lại rất khắt khe trong âm nhạc. Ông ghét ai hát sai lời, nhạc của mình, cũng không thích nghệ sĩ nữ mặc hở hang hát nhạc ông. Tính thẳng thắn nên Phú Quang chẳng ngại mếch lòng ai, từng mắng Thanh Lam, Thu Phương vì tự ý sửa nốt, “phiêu” quá đà.
Phú Quang cũng ít khi nổi giận và nếu giận ai, ông cũng thường “xí xoá” ngay. Có lần ông cũng mắng ca sĩ Ngọc Anh 3A vì ca sĩ này “hét” giá cát- xê 10.000 USD trong đêm nhạc của ông, nhưng sau khi Ngọc Anh xin lỗi, ông lại dành cho cô những câu nói trìu mến: “Chuyện cũng có gì đâu, tôi quên rồi. Tôi là người đầu tiên phát hiện ra giọng hát của Ngọc Anh. Khi đó, cô ấy là một ca sĩ trẻ, chưa có tên tuổi gì. Ngọc Anh có giọng hát rất tốt, có thể nói rằng, rất hợp với nhạc Phú Quang. Phải nói thật là, Ngọc Anh sang Mỹ cũng là nhờ Phú Quang, lần đầu tôi đưa Ngọc Anh sang Mỹ, bầu show bên đó hỏi tôi: Ngọc Anh là ai vậy? Tôi nói, chị cứ nghe đi, nó được lắm... Khi kết thúc chương trình, chị ấy quay lại nói với tôi: Hình như ai mà được Phú Quang chọn đều tốt cả... Ý là chị bầu show khen giọng của Ngọc Anh rất ổn”.
Phú Quang chia sẻ, ông học những nốt nhạc đầu tiên từ anh trai - nhạc sĩ Phú Ân, cũng là người kèm cặp ông thi vào ngành kèn cor, trường Âm nhạc Việt Nam. Anh ông có thiên phú âm nhạc nhưng không chăm chỉ, cần cù như em. Trường không khuyến khích sinh viên học hai ngành, ông tự mày mò học sáng tác, cách hòa thanh, lén nghe những bài giảng của nhạc sĩ Hồng Đăng. Những tác phẩm đầu tiên của Phú Quang đều là nhạc không lời. “Hồi đó, tôi không thích sự gò bó trong khuôn khổ một bài ca mà kiêu ngạo nghĩ rằng chỉ có nhạc không lời mới cho mình vẫy vùng thỏa sức... Sau này tôi mới nhận ra đó cũng là một sai lầm khi ta còn trẻ”, ông cho hay.
Đánh giá về những sáng tác của Phú Quang, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội nhạc sĩ Hà Nội cho Người Đưa Tin biết: “Tôi và anh Phú Quang cùng sinh hoạt ở Hội nhạc sĩ Hà Nội nên có nhiều thời gian làm việc với nhau. Những sáng tác của anh Quang đều là những bài hát trữ tình, đều là những bài hát sang trọng, có bài buồn nhưng đó là những nỗi buồn sang trọng, lịch sự. Âm nhạc của anh ấy khác những bài hát Bolero, đó là không có những bài não tình, ướt át. Anh ấy là người phổ thơ thành nhạc nhiều bài thành công, làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ. Về Hà Nội, anh Phú Quang có những bài hay như bài Em ơi, Hà Nội phố, Đêm ả đảo, Chiều phủ Tây hồ…
Nhạc của Phú Quang được dân thành thị, doanh nhân, trí thức rất thích nhưng ai nghe cũng được, cũng hợp tai, vì âm nhạc gắn kết được tâm hồn. Giống như nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phú Quang có sự xúc động, truyền cảm nên có nhiều người đồng cảm với anh ấy”.
Từng thanh danh với những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang, ca sĩ Tấn Minh chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy biết ơn cuộc đời đã tôi gặp được chú Phú Quang, những bài hát tôi thăng hoa trên sân khấu, đều có bóng dáng của chú. Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Khúc mùa thu, Một dại khờ một tôi hay Lãng đãng chiều đông Hà Nội... đều là những ca khúc có giá trị nghệ thuật, gắn với đời sống, gắn bó với tôi. Suốt 15 năm, tôi hạnh phúc khi luôn được sát cánh cùng chú trong hầu hết chương trình và chia sẻ về nghệ thuật. Tôi cũng từng tâm sự với chú về nghề nghiệp của mình và chú dành cho tôi nhiều lời khuyên bổ ích đến nay vẫn còn giá trị”.
Minh Chuyên là ca sĩ gắn bó với âm nhạc Phú Quang, từng được ví von là “nàng thơ mới” của nhạc sĩ sau Ngọc Anh 3A, cô tâm sự: “Khi chú điều trị ở bệnh viện, tôi có ra Hà Nội, định vào thăm chú nhưng do dịch nên bệnh viện không cho người vào thăm. Định bụng hết dịch sẽ thực hiện điều này nhưng chú đã ra đi, tôi buồn và sốc. Âm nhạc của chú Phú Quang là thiên đường của nghệ sĩ, tôi đến với âm nhạc của chú một cách tự nhiên. Tôi cũng không bao giờ phủ nhận những điều chú mang lại cho mình là sự thành công. Ai cũng biết đến Minh Chuyên từng gắn bó với âm nhạc Phú Quang, và hiện tại tôi vẫn hát nhạc của chú”.
Nhạc sĩ của Hà Nội có một thời gian sống tại TP.HCM, hỏi ông, vì sao ông lại quyết định rời ra Hà Nội – nơi mà ông yêu hơn máu thịt của mình? Ông cho hay: “Hồi đó, cô con gái đầu của tôi ba tuổi rồi, nhưng cháu cứ bị viêm phế quản. Và rất là buồn là cứ mỗi bữa ăn xong, nó chỉ cần ho vài ba tiếng thôi là lại nôn ọe ra hết toàn bộ thức ăn đấy. Cũng bởi thế nên con tôi là một đứa bé rất dễ thương, nhưng gầy ơi là gầy. Hồi đó tôi ở trong căn nhà nhỏ ở ngõ Văn Hương – Hà Nội, ngõ lầy lội bùn, đặc biệt khi mưa dầm gió bấc. Sau ngày đi làm về nhìn con, mình cố nựng nịu cho con ăn được mấy thìa cơm thì cháu lại nôn ọe ra hết. Mình lúc đấy rất là xót xa. tôi quyết định vào đó để con có sức khoẻ hơn vì trong Nam thời tiết nóng ấm quanh năm”.
Nhưng sau đó, ông lại cùng gia đình về Hà Nội vì “nhớ không chịu được”. Nhạc sĩ Phú Quang cho hay, ông luôn coi các con là bạn và không áp đặt con mình. “Dù là người khó tính trong âm nhạc, nhưng tôi lại thoải mái với các con. Cũng như những người cha khác, tôi hạnh phúc khi nhìn các con lớn khôn, trưởng thành và tự lập. Tôi dạy các con qua các bản nhạc, đó là luôn giữ vững sự lạc quan, nhân văn, các con không cần thiết phải nổi tiếng nhưng phải trở thành những người tử tế” – Ông bộc bạch.
Nghệ sĩ Trinh Hương – con gái nhạc sĩ Phú Quang cũng cho hay, ông là một người điềm đạm yêu thương con cái: “Bố yêu thương chúng tôi theo cách riêng của mình. Bố ốm tôi buồn lắm. Hơn 1 năm qua, tôi vẫn vẫn đều đặn vào viện thăm bố. Khi dịch bệnh căng thẳng, tôi chỉ vào thăm bố được 2-3 buổi/tuần. Khoảng 1 tuần trước khi ông qua đời, thời tiết Hà Nội thay đổi, bệnh tình của ông trở nặng thêm. Tôi cứ nghĩ ông quen với không khí lạnh thì sẽ bớt bệnh nhưng ông lại không qua khỏi được”.
Những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Phú Quang vẫn miệt mài sáng tác, chỉ khi bệnh trở nặng ông mới để gia đình đưa vào bệnh viện điều trị. Bà Trịnh Anh Thư chia sẻ, từ tháng 5/2020, chồng bà phải đặt ống thở nên không thể nói chuyện nhưng nhận thức hoàn toàn bình thường. Mọi sự giao tiếp giữa ông với gia đình chỉ thông qua ánh mắt. “Khi tôi nói về âm nhạc, nhắc về chuyện các ca khúc, anh ấy có chớp mắt và gần như khóc. Với anh Phú Quang, âm nhạc là tất cả. Dù chuẩn bị tinh thần nhưng gia đình không nghĩ anh ấy ra đi sớm như vậy. Ở đâu đó, anh ấy chắc sẽ vẫn sáng tác và hát về Hà Nội như những hình ảnh quen thuộc trong các show diễn của anh ấy” – Bà nghẹn ngào.
Một người Hà Nội đã rời cõi tạm. Cả Hà Nội buồn. Hà Nội may mắn vì có Phú Quang và Phú Quang đúng là một người Hà Nội đúng chất. Khán giả sẽ nhớ mãi một người đàn ông hào sảng, nói chuyện có duyên với dáng người hơi gù ngồi đệm đàn cho các bài hát của mình. Và ông lại ngân lên những giai điệu của bài Nỗi nhớ mùa đông: “Làm sao về được mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gẫy/Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về”…
Mùa đông Hà Nội vắng Phú Quang – mùa đi cùng Phú Quang!
NGUOIDUATIN.VN |