Những ngày đầu tháng 8, tôi cảm nhận một không khí như chùng xuống tại Thủ đô. Thủ đô Hà Nội, “trái tim” của đất nước bỗng chốc rung lên loạn nhịp sau một vụ việc chấn động.
Có lẽ, ở một địa phương nào đó khác, khi hay tin về một cậu bé học sinh lớp 1 bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của trường dẫn đến tử vong, người ta cũng “sốc”, cũng buồn, cũng thương xót, nhưng vì tôi chưa đặt chân đến đó nên tôi chỉ có thể cảm nhận rõ rệt từng “cái run” của Hà Nội.
Đã vài ngày trôi qua, tôi vẫn nghe lao xao tiếng thở dài đồng cảm trong câu chuyện ở một quán cóc ven đường, hay bắt gặp những lời thuật lại đầy xót xa giữa hai vợ chồng ông chủ một quán cơm, với cậu con trai cũng trạc tuổi cậu bé kia. Ngay cả ngoài chợ, giữa phố, trong một trường học hay thậm chí trong một công ty nào đó, tôi cũng có thể nghe được về câu chuyện buồn ngày 6/8.
Ở bất cứ nơi đâu, bước chân tôi đi qua đều nghe văng vẳng những lời thương tiếc dành cho cậu bé, những mệnh đề “Giá như…” được nhắc đến nhiều hơn mức tưởng tượng.
Cậu bạn của tôi, vốn là một chàng trai trong ngành kỹ thuật, luôn mạnh mẽ và lý trí, cũng phải chuếnh choáng khi đọc được tin tức này: “Sáng nay tớ đã không ăn nổi bữa sáng, chỉ vì nghĩ về cháu bé. Vừa thương, lại vừa nghĩ đến con mình sau này, phải làm sau để bảo vệ con an toàn?...”, cậu ấy nói với tôi.
Suốt mấy ngày, trên mạng xã hội Facebook ngập tràn những lời chia sẻ, những dòng thơ tiễn biệt cậu học trò nhỏ, cậu học trò còn chưa biết đến buổi học thứ hai trong đời, cậu học trò còn chưa kịp ghi dấu nhiều kỷ niệm với bạn bè, cậu học trò chưa biết đến một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa ở bậc học phổ thông… đã về với thiên đường.
Chẳng riêng người lớn, nhiều học trò đang ngày ngày cắp sách đến trường cũng dành cho cậu bé lớp 1 kia thật nhiều tình cảm. Ai đã đọc được những dòng thủ thỉ của cậu bé lớp 7 “gửi em bé mến thương”, chắc chắn không thể quên một câu hỏi từ trái tim khiến không ít người phải rơm rớm: “…Nơi thiên đường kia liệu có tiếng trống trường nào thúc giục? Đón bước em về. Em bé mến thương ơi”.
"Thương…
Buổi học thứ hai con chưa từng biết tới
Nắng hập xuống và tuổi thơ con nằm lại
Mùa hè bật sáng nhưng nụ cười vụt tắt
Người lớn đi đâu?
Người lớn làm gì?
Lại có thể bỏ quên một mầm xanh non nớt
Một niềm yêu
Một thanh xuân của mẹ…
Kìa, nhìn xem, hỡi cậu bé thiên thần
Hãy đến bên cuộc sống mới, thiên đường
Nơi tia nắng vốn dịu êm, nền nã
Ôm ấp, chở che cho lộc biếc vươn chào!”
Một buổi sáng sau ba ngày cậu bé rời bỏ cuộc sống, một nhóm phụ huynh bày di ảnh, hoa trắng và nến trước cổng trường để tưởng niệm. Có lẽ đó là tình cảm, là lời vỗ về sau cuối đối với cậu bé, nhưng lại trở thành một hành động “vô duyên”, và có chút phản cảm. Những nhành hoa, ngọn nến đó có thể đến với tâm hồn cậu bé trong lễ tưởng niệm mà bố mẹ và nhà trường, cũng như các phụ huynh và học sinh tổ chức theo kế hoạch, tại sao lại xuất hiện nơi đây?
Mặc dù có thể buồn thương, có thể chia sẻ với câu chuyện đáng tiếc của cậu bé lớp 1, nhưng những học sinh khác đang theo học tại trường cũng cần trở lại nhịp sống trước đó, cần một môi trường văn minh để phát triển ổn định và tối ưu.
Hành động được gọi là tưởng niệm của nhóm phụ huynh không được sự đồng ý của gia đình nạn nhân (theo chia sẻ của một phụ huynh tại trường, mẹ cậu bé đã yêu cầu thu dọn di ảnh, hoa và nến nhưng vẫn bất chấp), là nhằm mục đích nào khác? Đó sẽ không còn là tình cảm đáng trân quý dành cho cậu bé. Nếu thực sự yêu quý và tiếc nuối một thiên thần đã ra đột ngột về với thiên đường, thì người lớn hãy để trong lòng, đừng gây ảnh hưởng tới những mầm non khác. “Đó thực sự là một sự bất nhân!”, một phụ huynh trong trường đã phải thốt lên như vậy.
Những gương mặt ngây thơ kia sẽ ra sao, nếu ngày ngày phải sống cùng nỗi ám ảnh về câu chuyện của cậu bé lớp 1, ngày ngày chứng kiến cổng trường mình trở thành một tượng đài tự phát? Tâm hồn và lý trí non nớt của những cô cậu “tuổi ô-mai” sẽ ra sao khi có quá nhiều ánh mắt dõi theo, rất dễ bị tổn thương!
Gia đình cậu bé cũng cần được nghỉ ngơi sau cơn ác mộng, những suy đoán, bình luận tràn lan cũng chỉ làm khoáy sâu thêm nỗi đau, mọi sự thật hãy để cơ quan chức năng giải đáp.
Đâu đó, vẫn có những người nhớ đến cậu bé đáng yêu, vẫn cầu chúc cho cậu bé có thể mỉm cười sau cánh cửa thiên đường thật hạnh phúc, nhưng thực sự chỉ cần là một hơi thở, một nhịp đập tinh tế của trái tim. Đừng “bốc đồng” bộc lộ niềm thương tiếc mà làm tổn thương thêm nhiều mầm xanh khác.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.