Ông Nguyễn Đức Tài sinh năm 1969, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM ngành Tài chính-Kế toán và lấy bằng Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Học viện Quản Trị CFVG.
Ông từng nắm giữ các vị trí chủ chốt của Công ty như Tài chính kế toán, Kinh doanh tiếp thị, Cung ứng hậu cần, Mở rộng mạng lưới cửa hàng, Quản lý điều hành chung.
Từ năm 2007 đến tháng 5/2014, ông là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và Tổng Giám đốc tại CTCP Thế giới Di động (một công ty con quan trọng của MWG).
Từ tháng 5/2014 đến tháng 3/2019, ông Tài kiêm nhiệm cả hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của MWG.
Tháng 3/2019, ông Nguyễn Đức Tài từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc của Thế giới Di động.
Ông Nguyễn Đức Tài lớn lên trong nghèo khó tại TP.HCM, nơi mẹ ông thường bán xôi và bánh tráng cuốn dạo. Những năm tháng khó khăn đã khiến ông nung nấu mục tiêu: Có được cuộc sống tốt hơn so với bố mẹ mình.
Vào đầu những năm 2000, ông Nguyễn Đức Tài hiện đảm nhận vị trí Trưởng phòng của hãng di động Sfone vốn là mạng điện thoại đầu tiên do tư nhân thực hiện. Vốn dùng điện thoại từ năm 1994, lại trong môi trường Sfone, ông Tài nhìn thấy tiềm năng thị trường di động rộng lớn nhưng chưa thể phát triển do yếu tố độc quyền.
Năm 2009, khi chàng thanh niên Nguyễn Đức Tài nói về giấc mơ cách mạng hóa ngành công nghiệp điện thoại di động Việt Nam, nhiều người đã không thèm để tâm, thậm chí cười nhạo.
Nhưng với tinh thần “nghĩ lớn và làm lớn”, từ trăn trở “không lẽ làm thuê suốt đời”, ông cùng 4 người bạn cùng nhau sáng lập nên doanh nghiệp nhỏ mà có lẽ chính họ cũng không thể ngờ sau này lại trở thành số 1 trên thị trường.
Theo đó, năm 2004, một công ty chuyên về kinh doanh điện thoại ra đời với 3 cửa hàng nhỏ nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, Lê Lai, Cách mạng tháng Tám tại TP.HCM đồng thời ra mắt website www.thegioimobi.com. Hơn nửa năm sau, ban giám đốc công ty quyết định khai trương siêu thị đầu tiên tại 89A, Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM với tên gọi ban đầu www.thegioididong.com khác biệt về quy mô so với các mô hình cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ khác lúc bấy giờ.
Ngày nay với mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh. Ngoài ra, MWG còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ thiết bị di động Bigphone tại Campuchia.
Hiện, công ty cổ phần Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài đã trở thành nhà bán lẻ điện thoại dẫn đầu Việt Nam và là một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, với giá trị thị trường đạt khoảng 1,7 tỷ USD.
Cổ phiếu của Thế giới Di động đã tăng giá 6 lần kể từ khi lên sàn năm 2014. Trong 10 hãng phân tích có theo dõi Thế giới Di động, 9 hãng nói đây là cổ phiếu nên mua vào. Thế giới Di động cũng là công ty Việt Nam duy nhất trong danh sách 50 công ty niêm yết lớn nhất châu Á của Forbes năm 2017.
Chưa dừng ở đó, đến năm 2018, doanh thu thuần của MWG lại tăng tiếp 30,4% lên mức 86.516 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 29% là điểm tích cực giúp tỷ lệ lợi nhuận biên của MWG đạt mức tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sự cải thiện hiệu quả này giúp MWG ghi nhận mức lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 35% lên mức 3.774 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông MWG đạt mức 2.880 tỷ đồng, tăng gần 31%.
“Giờ giấc mơ của tôi là có 20 tỷ doanh thu mỗi năm vào năm 2022”, ông Tài chia sẻ.
Giữa năm 2017, trong toạ đàm “Đối thoại Doanh nghiệp Tỉ đô”, ông Nguyễn Đức Tài khi được hỏi có thể ví Thế giới Di động như con vật nào. Sau một hồi suy nghĩ, sáng lập và Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động cho rằng có thể ví tập đoàn bán lẻ này như con báo gấm.
“Đây là con vật mà khi cần tăng tốc thì sẽ đạt tốc độ 180 km/h trong 15 giây đầu tiên, rồi sau đó… đuối (cười). Báo gấm cũng có khả năng leo cây và bơi dưới nước. Khả năng tăng tốc và thích nghi với môi trường tương đối nhanh”, ông Tài khi đó trả lời.
Thực tế ông đã chứng minh được điều này, với tốc độ mở chuỗi và địa bàn ấn tượng chỉ trong một thời gian ngắn. Doanh thu, lợi nhuận cũng bắt kịp được tốc độ mở chuỗi khi đều đặn tăng trưởng.
Để đạt được mức tăng trưởng trung bình hơn 50% mỗi năm, Thế giới Di động cũng đã thị uy, càn quét và “tận diệt” những đối thủ nhỏ lẻ với số lượng cửa hàng khủng. Gia tốc mở chuỗi đạt đỉnh vào năm 2016, khi chỉ trong 4 tháng của năm này, doanh nghiệp đã mở thêm 154 cửa hàng thegioididong.com.
Tốc độ mở thêm cửa hàng này thậm chí còn vượt cả 6 tháng đầu năm trước đó (chỉ gần 100 siêu thị).
Hơn một thập kỷ khuynh đảo thị trường bán lẻ di động, điện tử Việt Nam Thế giới Di động vươn mình trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực. Có thể thấy, chiến lược phát triển chuỗi siêu thị “nhiều, nhanh nhưng nhỏ” của Thế giới Di động đem lại những kết quả khả quan.
Thậm chí trước thời điểm doanh nghiệp bắt đầu đóng các của hàng đầu tiên trong đà tăng trưởng, thì mức độ gia tăng chuỗi cũng rất ấn tượng. Trong 11 tháng của năm 2017, Thế giới Di động đã mở thêm 668 siêu thị mới, với 117 siêu thị thegioididong.com, 351 siêu thị Điện Máy Xanh và 200 siêu thị Bách hóa Xanh. Kết quả này đưa tổng số siêu thị đang hoạt động của công ty lên 1.923 siêu thị, tăng hơn 50% so với thời điểm đầu năm.
Sang đến năm 2018, con số tổng cửa hàng đã lên đến 2.160 cửa hàng.
Trong Đại hội cổ đông thường niên Thế giới Di động năm 2019, khi được hỏi về khả năng tăng trưởng của Thế giới Di động trong bối cảnh ngành điện thoại tại Việt Nam chậm lại, ông Tài nói lại hai triết lý vốn được các lãnh đạo Thế giới Di động hay nói: để tăng doanh số, bán những thứ chưa từng bán, phục vụ nhóm khách hàng chưa từng phục vụ. Và lần đầu tiên, ông Tài nói về việc không loại trừ khả năng giành lấy thị phần của đối thủ.
“Khách ở mấy chuỗi tôi không tiện nêu tên đang dần bớt đi. Nhiều bên khác phải đóng cửa. Các bạn thử hỏi xem khách hàng của những chỗ đó sẽ mua hàng ở đâu?”, ông Tài nói.
Sau một thời gian Bắc tiến, để giữ ngôi vương, Thế giới Di động đã mua lại Trần Anh, chuỗi điện máy tiếng tăm nhất Hà Nội và các tỉnh lân cận, để mở rộng thị trường. Toàn bộ các cửa hàng Trần Anh nay được áp dụng cách quản lý tương tự Điện máy Xanh, và ông Tài nhắc lại nhiều lần ở các sự kiện khác nhau về việc đã không còn tên Trần Anh trong trí nhớ của ông, vì chuỗi này đã nhập vào Điện máy Xanh.
Kết quả, chuỗi điện máy hiện nay đang nắm khoảng 35% thị phần các chuỗi cả nước.
Trước đó, trước tốc độ phát triển thần tốc để đạt gần 2.000 cửa hàng như hiện nay, chuỗi Thế giới Di động rõ ràng khiến rất nhiều đối thủ lao đao, phải bán mình hoặc đóng cửa.
Để có được Thế giới Di động thành công như hiện nay, ông Tài rất nhiều lần nhấn mạnh vai trò của đội ngũ, bởi theo ông chỉ cần một đội ngũ đâu ra đó, tất cả sẽ làm được. Đội ngũ này sẽ là tạo ra vốn, tạo ra tất cả chứ không phải vốn là thứ tạo nên đội ngũ . “5 người này không ai trùng lắp lên ai, bù cho nhau nhiều hơn là trùng lắp”, Chủ tịch Thế giới Di động từng chia sẻ về những thành viên sáng lập.
Thế nhưng làm sao doanh nhân này có thể quy tụ xung quanh mình những người giỏi như vậy ngay khi khởi nghiệp?
Đầu tiên là quan điểm trọng người tài. Tất nhiên ngay trong giai đoạn khởi nghiệp, cần vốn, ông Tài cũng thẳng thắn chia sẻ cần ưu tiên lựa chọn điều mình cần nhất trong ngắn hạn. Ông ví von giống như đang khát nước thì dù đưa mâm cơm ra cũng không thể ăn được. Tuy có thể chọn người có tiền vào đội ngũ nhưng vị này cũng đặt ra giới hạn là cổ đông, sẽ chia lợi nhuận nhưng khi tìm được người giỏi cần tránh ra cho họ làm việc.
Thứ hai là truyền tầm nhìn, niềm tin cho cộng sự của mình. Niềm tin đó đầu tiên phải xuất phát từ niềm tin của chính mình về tương lai. Với người khác ông Tài cho rằng cần đưa họ tương lai của công ty, công ty sẽ đi đâu về đâu, họ sẽ là gì trong bức tranh của tương lai, họ phải tin vào điều hoành tráng, vĩ đại của tương lai.
“Trong ngày vui đại thắng đó em sẽ là người bưng bê bàn cho anh nhậu thì đó là chuyện lớn rồi. Em phải là người ngồi ở bàn VIP trịnh trọng nhất để cùng nâng rượu chiến thắng với anh thì nó mới chạy được”, Chủ tịch Thế giới Di động hài hước chia sẻ cách thu hút người tài của mình.
Minh họa cho điều này chính là câu chuyện ông “dụ” một trong 5 người sáng lập đầu tiên- ông Trần Huy Thanh Tùng. Khi ấy, Tùng vốn đang làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản và ông Tài phải mất 6 tháng để thuyết phục về Thế giới Di động.
“Ông có 2 sự lựa chọn. Thứ nhất ông tiếp tục ngồi làm thuê cho Nhật. Bây giờ ông tính mỗi năm tăng lương 20% ông cộng lại hết trong 3 năm. Thu nhập ông bao nhiêu cho tôi con số đó. Tôi cam kết với ông một cái duy nhất thôi, nếu cuộc chơi này thất bại, anh em mình trắng tay, anh em mình đi bụi đời. Còn nếu cuộc chơi này thành công thì tôi bảo đảm với anh tương lai huy hoàng và con số anh cộng lại ngày hôm nay nếu tiếp tục đi làm thuê chỉ là hạt đậu phộng trong kho tàng”, ông Tài chia sẻ câu chốt quyết định khiến người ông thuyết phục đặt niềm tin và gia nhập vào Thế giới Di động.
Là người xông xáo, nhanh nhẹn, vị doanh nhân này không chỉ giỏi kinh doanh mà còn khéo léo sắp xếp thời gian cho gia đình. Ông Tài thường dành thời gian cuối tuần cho các hoạt động thư giãn và nghỉ ngơi, đi bơi hay đạp xe cùng con.
“Tôi cùng thường dành thời gian đi du lịch nước trong nước ngoài để xem thiên nhiên, con người ra sao. Tôi đi rất nhiều dịp trong năm”, ông Tài chia sẻ về sở thích du lịch của mình.
Trong những dịp này, nhà sáng lập Thế giới Di động cũng không ngại thử thách bản thân bằng những trò chơi mạo hiểm như nhảy dù. “Tuy nhiên tôi cố gắng tách biệt công việc và giải trí”, ông Tài chia sẻ cách để cân bằng cuộc sống và công việc.
Ngoài ra trong thời gian rỗi ông thích đọc sách, đặc biệt là sách dạy về giá trị sống, dạy làm người.
“Nếu như 3 năm, 5 năm trước đây ai đó có cơ hội nói chuyện với anh Tài sẽ thấy anh này dữ dằn. Nói chuyện chỉ có thắng hoặc thua, đúng hoặc sai. Sau 1 thời gian đọc nhiều, chiêm nghiệm nhiều tôi thấy cuộc đời không chỉ có đúng sai.
Đúng sai không có ý nghĩa nhiều vấn đề mình đem lại cho người khác là gì, mình đóng góp được gì. Điều đó mới là giá trị hạnh phúc đích thực”, ông Tài nói về sự thay đổi của chính bản thân mình như đọc sách.
Ông nhận định khi giàu lên, người ta sẽ bớt bị cám dỗ về vật chất. Thời điểm khởi nghiệp, ông có 30.000 USD và hiện chỉ riêng cổ phần tại TGDĐ của ông đã có trị giá 53 triệu USD, theo định giá của Bloomberg.
Nhà đầu tư Chris Freund từ quỹ Mekong Capital, một trong những đơn vị đầu tiên đầu tư vào Thế giới Di động, miêu tả ông Tài là người “rất bình dân”, và đề cập rằng trong một chuyến công tác nước ngoài, ông Tài đã dùng chung phòng với 3 nhân viên.
Với ông chủ thường xuất hiện trong chiếc áo phông quen thuộc, ông nói rằng việc mặc áo phông đơn giản là để tiết kiệm thời gian.
“Nghĩ về việc mặc gì hôm nay rất mệt. Tôi muốn dành thời gian đó để nghĩ về việc làm sao phát triển công ty hơn”, ông chủ Thế giới Di động nói.