Cuộc sống của 550 giáo viên bỗng dưng mất việc
Năm học mới bắt đầu cũng là lúc hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị buộc chấm dứt hợp đồng. Không còn cơ hội được đứng trên bục giảng, các thầy cô buộc phải oằn lưng kiếm sống bằng các nghề lao động tay chân.
Vợ chồng giáo viên tổng thu nhập 2 triệu/tháng
Chúng tôi gặp lại cô Hồ Thị Dung, giáo viên hợp đồng dạy bộ môn Ngữ văn, trường THCS Vụ Bổn (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) khi cô đang cặm cụi sửa soạn gánh cháo, chuẩn bị mang đi bán. Cô Dung là một trong số 23 giáo viên hợp đồng của trường – những người sẽ bị mất việc trong tháng 10 tới. Cô và các đồng nghiệp chỉ còn vỏn vẹn 2 tháng được đứng trên bục giảng. “Bao nhiêu cố gắng của tôi trong thời gian qua giờ đổ sông, đổ biển. Đến tháng 10 mới chính thức nghỉ, nhưng cứ nghĩ đến việc xa trường, xa học sinh là lòng tôi lại xót xa. Tám năm đằng đẵng, tôi cống hiến cho trường, cho huyện biết bao thành tích, thế mà giờ đây...”, cô Dung bỏ lửng câu nói.
Cô Dung tâm sự, gần 2 năm qua, do không có kinh phí nên trường chỉ đồng ý trả cho cô mức lương 1 triệu đồng/tháng. Lương không đủ chi tiêu nên hằng ngày cô phải dạy từ 4h sáng nấu cháo rồi gánh đi bán để kiếm thêm thu nhập. Bán hết cháo, cô lại mang cặp sách đến trường dạy học. Riêng chồng cô phải đi tỉnh khác làm thuê để có tiền gửi về nuôi 3 con nhỏ.
“Một số giáo viên dạy hợp đồng ở trường tôi đã bỏ nghề đi làm các công việc chân tay như: Bốc vác, phụ hồ, làm thuê… Tôi nghe bên trường cho biết, huyện sẽ bồi thường hợp đồng cho các giáo viên chúng tôi một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa biết mức bồi thường như thế nào”, cô Dung chia sẻ.
Không riêng gì cô Dung, vợ chồng cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên dạy hợp đồng trường THCS Vụ Bổn - cũng lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Cô Nga cho hay: “Vợ chồng tôi dạy ở trường gần 8 năm. Trong năm 2017, trường chỉ trả cho mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng cộng thêm hai con nhỏ mà tổng thu nhập chỉ vỏn vẹn 2 triệu/tháng thì làm sao sống nổi? Do đó, chồng tôi phải nghỉ việc qua tỉnh Gia Lai làm thuê để lo cho gia đình. Giờ chúng tôi đã ngoài 30 tuổi, cơ hội việc làm hạn chế vô cùng, rồi còn vướng bận con nhỏ, đâu thể cả 2 cùng đi làm ăn xa…”.
Một trường hợp khác là thầy Võ Văn Tuấn, giáo viên bộ môn Toán trường THCS Ea Uy. Thầy Tuấn cùng với vợ và em gái đều nằm trong danh sách bị chấm dứt hợp đồng. Đây là cú sốc lớn đối với cả gia đình thầy Tuấn. Để kiếm thêm thu nhập, thầy đã dùng số tiền dành dụm bao năm qua mua vài sào đất trống để trồng cà phê. Thời gian rảnh, thầy đi làm MC đám cưới và nhiều nghề lao động chân tay để kiếm sống...
Ly thân vì khó khăn kinh tế
“Giờ có phản ứng cũng vậy, chúng tôi tự biết số phận của mình nên hầu hết đã tự kiếm công việc chân tay khác để mưu sinh. Huyện hứa sẽ giải quyết vụ việc một cách nhân văn, nhưng tất cả chúng tôi đều chưa thấy động thái gì cả. Chúng tôi chỉ biết tin là sẽ chính thức cắt hợp đồng trong tháng 10 sắp tới. Hy vọng rằng tất cả giáo viên sẽ được bồi thường một cách thỏa đáng”, một giáo viên hợp đồng ở trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk) bộc bạch.
Ngồi nhìn chiếc máy hàn xì nằm trơ trọi ở góc hiên, thầy Nguyễn Ánh Dương, giáo viên dạy hợp đồng trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk) thở dài: “Hơn 1 tháng nay mưa liên tục, tôi chỉ ngồi nhà ngó ra, chẳng khách nào tới tiệm đặt hàng. Cha mẹ nuôi ăn học bao nhiêu năm ra trường tưởng được làm thầy giáo ngờ đâu giờ lại phải làm thuê đủ nghề để kiếm miếng cơm. Vì ước mơ được gắn bó với nghề giáo nên tôi đã bỏ qua biết bao cơ hội việc làm ở nơi khác để về cống hiến cho huyện nhà. Không ngờ, giờ hàng trăm giáo viên chúng tôi phải khốn đốn như thế này đây”.
“Đa số các giáo viên giờ đã tự kiếm công việc khác làm. Một số người xuống TP.HCM vô các xưởng may mặc làm công nhân. Nhiều người xin đi lái xe, phụ hồ các kiểu. Hiện tôi và một số giáo viên hợp đồng gửi đơn đến tòa án để khiếu nại đơn vị ký hợp đồng với chúng tôi nên vẫn ở lại để theo vụ kiện”, anh Dương cho biết thêm.
Cũng theo thầy Dương, vì công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên vợ chồng anh thường xuyên lục đục dẫn đến ly hôn. Từ ngày nghỉ dạy ở trường, anh Dương vay vốn về mở trang trại nuôi heo nhưng thua lỗ nặng. Số tiền vốn ít ỏi còn lại anh đầu tư máy móc làm nghề thợ sắt nhưng vẫn không ổn định.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên Tin học, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đã “kinh qua” đủ nghề từ lái xe, phụ hồ, bốc vác... Sau khi mở quán nhậu nhưng thất bại, thầy Tuấn Anh đã xin làm phụ bếp cho một nhà hàng ở TP.Đà Nẵng. Thầy Tuấn Anh cũng chia sẻ về dự định cưới vợ nhưng vì cuộc sống còn quá khó khăn nên dự định đến nay vẫn chỉ là dự định.
Những chữ ký vô tâm
Việc huyện Krông Pắk và các trường học trên địa bàn ký hợp đồng với các giáo viên với nội dung “đợi thi tuyển viên chức” ngay từ đầu là không đúng quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, anh Dương cùng 5 giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai khởi kiện phía sử dụng lao động lên TAND huyện Krông Pắk.
Còn theo cô Hồ Thị Dung, cô được huyện ký Quyết định hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế vào năm 2010. Tại điều 2 trong Quyết định hợp đồng của cô có ghi rõ: “Giao cho Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm ký hợp đồng, bố trí giảng dạy theo chuyên môn kể từ ngày nhận công tác tại đơn vị (chờ trúng tuyển, nếu trúng tuyển thì tuyển dụng mới, nếu không trúng tuyển thì chấm dứt hợp đồng)”. Thế nhưng 8 năm qua tại huyện này không tổ chức một cuộc thi tuyển công chức nào. Và cho đến vừa qua, khi có thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với tất cả giáo viên thì huyện này mới tổ chức kỳ thi tuyển công chức vào ngày 22/4 để lấy 83 chỉ tiêu biên chế. Tuy nhiên, trong đó có 208 giáo viên không được tham dự kì thi do… không có vị trí xét tuyển.
“Tôi và hơn 200 giáo viên còn lại không được thi tuyển vì …không có vị trí xét tuyển. Nhiều thầy cô công tác tại trường đã gần 10 năm nay thế nhưng đến nay đùng một cái lại mất việc. Đến cơ hội cuối cùng là kỳ thi công chức huyện vẫn không cho chúng tôi tham gia thì thật là bất công. Không hiểu như thế nào toàn huyện chỉ có 83 chỉ tiêu biên chế mà các lãnh đạo lại vô tư ký bừa hợp đồng cho hàng trăm giáo viên để giờ chúng tôi phải ra nông nỗi như thế này”, chị Dung bức xúc nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lữ Đình Tính, Chánh án TAND huyện Krông Pắk xác nhận: “Đơn vị đã nhận đơn khởi kiện của nhóm 5 giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và đang thụ lý hồ sơ, giải quyết theo quy định”. Để xảy ra sự việc trên, trước đó, từ năm 2011-2016, hai đời Chủ tịch huyện Krông Pắk đã vô tư đặt bút ký cho hàng trăm giáo viên vào hợp đồng dạy các trường trên địa bàn. Trong đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (nhiệm kỳ năm 2011 – 2015) đã ký hơn 400 hợp đồng lao động cho các giáo viên .
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết: “Chậm nhất đến tháng 10/2018, huyện phải buộc thôi việc với 550 giáo viên hợp đồng dôi dư. Huyện sẽ hỗ trợ các giáo viên, theo phương án của tỉnh và phòng Tài chính của huyện sẽ tham mưu vì ngân sách hỗ trợ này thuộc địa phương. Chúng tôi rất thương các em nhưng không còn cách nào khác. Việc chấm dứt hợp đồng là thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND huyện cũng đã có thông báo gửi về các trường để các giáo viên biết”.