Khi nữ Thủ tướng làm mẹ
img
img

Dòng tweet đầu tiên và đầy âu yếm mà nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern dành cho cô con gái chào đời vào ngày 21/6 đã khiến nhiều người dân New Zealand như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Làn sóng “cuồng Jacinda” (cụm từ để chỉ trào lưu yêu mến nữ lãnh đạo của người dân nước này) thêm một lần dâng trào trong sự phấn khích hiếm thấy. Sự xuất hiện của một em bé như thể một sự kiện trọng đại của đất nước.

Việc nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sinh con không chỉ tạo ra một làn sóng trong nước mà còn là “sự lạ” với thế giới bởi trong suốt 30 năm qua, bà là nữ lãnh đạo thế giới đầu tiên sinh con khi đang tại nhiệm. Trước bà, chỉ có một người phụ nữ duy nhất trên thế giới đi ngược lại với lựa chọn thông thường của giới tinh hoa thế giới đó là cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto.

Thực hiện thiên chức làm mẹ là điều hiển nhiên với bất cứ người phụ nữ nào, tuy nhiên với một nữ lãnh đạo tại nhiệm của một đất nước như bà Jacinda Ardern, đó là hành trình đầy thử thách.

img

Khi tranh cử Thủ tướng New Zealand (tháng 10/2017), bà Jacinda Ardern mới 37 tuổi. Làm lãnh đạo ở độ tuổi này có lẽ cả bà Jacinda Ardern lẫn cử tri New Zealand đều nghĩ đến khả năng một ngày bà sẽ phải làm mẹ khi đang gánh vác trọng trách - điều thậm chí được xem là kiêng kỵ với giới lãnh đạo thế giới. Chính vì thế nên trong hàng loạt những chất vấn của cử tri với ứng viên của đảng Lao động khi đó đã có câu hỏi về kế hoạch lập gia đình và sinh con của nữ ứng viên, rằng họ có quyền được biết về điều này trước khi họ bỏ phiếu. Tuy nhiên, ngay từ khi đó, bà Ardern đã khẳng khái cho rằng câu hỏi này là “không thể chấp nhận được” và trong quan điểm của bà, việc mang thai và nuôi con không nên và không thể là điều gây trở ngại cho phụ nữ tại nơi làm việc. Nữ chính trị gia này khi đó đã gây ấn tượng mạnh về một thái độ rõ ràng rằng không bao giờ nên cản trở thiên chức thiêng liêng và cao quý nhất của một người phụ nữ là làm mẹ, dù có là một nguyên thủ đi chăng nữa.

img

Và chỉ ít tháng sau khi nhậm chức, bà Jacinda Ardern đã không ngần ngại thông báo việc bà mang thai. “Tôi không phải là người phụ nữ đầu tiên làm nhiều việc một lúc. Trước tôi có những phụ nữ đã làm được rất tốt. Tôi hết sức nghiêm túc về vai trò Thủ tướng và sẽ cùng Phó Thủ tướng trao đổi công việc trong thời gian tôi tạm nghỉ”, bà Jacinda Ardern khẳng định.

Những tháng ngày mang thai cho thấy mọi sự chẳng hề dễ dàng với bà Jacinda Ardern khi phải đồng thời thực hiện thiên chức làm mẹ và lãnh đạo đất nước. Nữ lãnh đạo trẻ phải trải qua cảm giác mệt mỏi, ốm nghén trong thời gian dài. “Thời kỳ mang thai khiến bạn cảm thấy như thể bị ốm trong một thời gian dài. Tôi đã bị ốm nghén 16 tuần mà không ai biết điều đó. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người phải vật lộn với những thứ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của họ mà bạn bè không bao giờ biết đến và tôi thực sự là một trong số họ”, bà Jacinda Ardern chia sẻ.

img

Dù trở nên “bận rộn kinh khủng” nhưng trong suốt giai đoạn mang bầu, bà Ardern vẫn cố gắng lái xe và nấu ăn hay đơn giản là đến cửa hàng bách hóa gần nhà để mua quần bầu. “Có lúc tôi đang ở giữa khu mua đồ mà có người đàn ông lớn tuổi muốn chụp chung một bức ảnh, điều đó hơi tế nhị chút nhưng đó là những việc rất bình thường, bởi tôi phải tương tác với mọi người”, nữ Thủ tướng kể.

Bận rộn với những chuyến công du, kế hoạch, hội họp, thời gian dành cho việc tìm hiểu cách chăm con là quá ít với một nguyên thủ quốc gia. Vì lẽ đó nên bà Jacinda Ardern phải tận dụng mọi cơ hội có thể trong những chuyến công tác để… học cách làm mẹ. Hồi cuối tháng 3/2018, trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà đã xin tham vấn ý kiến về việc làm thế nào để cân bằng giữa việc làm cha mẹ với công việc lãnh đạo đất nước.

img

“Ông ấy nói về những điều bạn có thể làm. Chỉ cần cố gắng hết sức và với cương vị đó, ai cũng luôn có cảm giác có lỗi với gia đình nhưng buộc phải chấp nhận rằng: Chúng ta vẫn đang làm hết sức mình”, bà Jacinda Ardern thổ lộ.

Dẫu vậy, với một người đứng đầu đất nước, áp lực lớn nhất có lẽ vẫn là làm sao để giải quyết được khối công việc khổng lồ khi mà cơ thể đang đòi hỏi được nghỉ ngơi. Bà Arden đã có lần thừa nhận rằng bà cảm thấy bị rối trí và quá tải với công việc. Nhưng lý trí mạnh mẽ luôn giúp nữ lãnh đạo tìm ra lối thoát cho mình. Bà Jacinda Ardern đã hội ý rất kỹ cùng người giúp việc cho bà là ông Winston Peters, Phó Thủ tướng. Ông Peters cũng là Thủ tướng tạm quyền trong thời gian bà nghỉ thai sản. Tuy ở nhà nhưng bà thường xuyên liên lạc với ông Peters và tham vấn về các quyết sách lớn.

img

Nhưng có lẽ người giúp sức lớn nhất để nữ Thủ tướng có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ có lẽ phải kể đến chính là người bạn trai, cha của bé Neve Te Aroha Ardern Gayford, ông Clarke Gayford.

img

img

Bà Jacinda Ardern là nữ lãnh đạo trẻ nhất trên thế giới khi tiếp quản chức Thủ tướng New Zealand lúc mới 37 tuổi. Có điều ít người biết rằng trước khi trở thành nhà lãnh đạo đầy quyền lực, bà Jacinda Ardern từng có một cuộc sống rất khác trong vai trò một DJ chơi nhạc. "Trong nhiều năm, Ardern đã chơi DJ trong thời gian rảnh", biên tập âm thanh Isabell Truman của hãng thu âm Marie Claire, đồng thời là một trong những người bạn thân của bà cho biết.

img

Ngay từ nhỏ bà Jacinda Ardern đã thể hiện là một người rất cá tính. Gia đình bà vốn theo đạo Thiên Chúa nhưng bà đã từ bỏ đức tin vào năm 20 tuổi do thấy bất bình với quan điểm chống hôn nhân đồng tính.

Bà Jacinda Ardern thể hiện khả năng thiên phú về chính trị ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những năm trung học, bà từng khơi mào chiến dịch vận động nhà trường cho phép nữ học sinh mặc quần dài thay vì chỉ được mặc váy. Bà tham gia đảng Lao động khi mới 17 tuổi và không ngại tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Dù sinh ra trong gia đình khá bình thường, bố là nhân viên cảnh sát, mẹ làm tạp vụ trong trường học, nhưng bà Jacinda Ardern lập kỳ tích khiến bạn bè cùng trang lứa phải nể phục sau khi tốt nghiệp đại học: Giúp việc trong phòng nghiên cứu của Thủ tướng New Zealand thời đó.

Những nấc thang trong con đường chính trị đưa bà Jacinda Ardern ngày một xa hơn trên chính trường New Zealand. Gần 10 năm sau chiến thắng chức Chủ tịch đảng Lao động năm 2008, bà nhậm chức Thủ tướng đất nước năm 2017.

img

Bà Jacinda Ardern giành được lòng dân nhờ hàng hàng loạt các cải cách về giáo dục, môi trường, y tế… và bà đã phá vỡ định kiến về tỷ lệ lạm phát mục tiêu, một trong những thành công sáng giá của New Zealand dưới thời bà.

Là một người đàn bà thép trên chính trường nhưng khi về với cuộc sống đời thường, bà Jacinda Ardern là một phụ nữ đằm thắm, chu đáo.

“Jacinda là người hay nghĩ cho người khác nên có lần cô ấy thức dậy lúc nửa đêm. Cô ấy dậy ngâm quả hạnh nhân vào lúc 2h sáng, chỉ để làm cho tôi món sữa hạnh nhân vào lúc bình minh. Đó là ly sữa ngon nhất tôi từng uống, dù tôi ghét sữa hạnh nhân”, người bạn đời của bà, ông Clarke Gayford xúc động khi nói về chuyện tình cảm của hai người với tờ NZ Herald.

img

Bà Jacinda Ardern và ông Clarke Gayford hẹn hò từ năm 2013. Câu chuyện tình của họ bắt đầu từ việc ông Gayford đến tìm một nghị sĩ địa phương để đề đạt băn khoăn về một dự luật gây tranh cãi nhưng không nhận được phản hồi. Thấy bà Jacinda Ardern ngồi ở phía đối diện, ông đã viết thư cho bà. Và trong cuộc gặp đầu tiên tại một quán cà phê, hai người nhận ra họ có rất nhiều điểm chung, đặc biệt phải kể đến là sở thích âm nhạc. Tình yêu của họ nảy nở từ chính những điểm chung bình dị ấy.

“Cô ấy chắc chắn là điều tuyệt vời nhất đến với tôi. Tôi đã không hiểu thế nào là làm việc chăm chỉ cho đến khi chứng kiến những gì cô ấy làm hàng ngày. Cô ấy trả lời phỏng vấn đài phát thanh từ lúc 5h40 sáng và có 3 cuộc họp vào lúc tôi vẫn cuộn chăn ngủ. Khi trẻ hơn, tôi đã có chút khát vọng về sự nghiệp chính trị, nhưng đối mặt với thực tế công việc cũng như cả sự hy sinh cá nhân của cô ấy, tôi nghĩ điều đó không dành cho mình”, ông Gayford tâm sự trong một bài phỏng vấn cuối năm 2016.

img
img

Nếu bà Jacinda Ardern nổi bật về cá tính mạnh và ý chí hơn người thì ông Clarke Gayford cũng gây ấn tượng mạnh với công chúng New Zealand về một đức hy sinh và tình yêu đẹp dành cho tổ ấm của mình. Ngay từ khi bà Jacinda Ardern mang bầu, ông Clarke Gayford đã xác định phải gác lại sự nghiệp dẫn chương trình truyền hình để ở nhà làm một bảo mẫu, chăm vợ chăm con.

img

Nếu như việc bà Jacinda Ardern chấp nhận những dị nghị từ dư luận để trở thành nguyên thủ hiếm hoi có con ngay khi đang tại nhiệm là một nỗ lực lớn dành cho gia đình nhỏ của mình thì việc ông Clarke Gayford gác lại sự nghiệp để ở nhà làm bảo mẫu. Nuôi dạy chăm sóc con, chăm lo đến bữa ăn gia đình và chấp nhận một người bạn đời quá mức bận rộn và quyền uy là một sự hy sinh không phải ai cũng làm được.

"Clarke và tôi may mắn ở chỗ anh ấy có thể ở nhà chăm con. Trong khi rất nhiều ông bố, bà mẹ đang vật lộn để phân chia việc chăm sóc con cái, thì chúng tôi cho rằng mình rất may mắn", bà Jacinda Ardern từng cảm động chia sẻ với báo giới về người đàn ông của đời mình.

Một mái ấm hạnh phúc luôn cần đến những sự hy sinh hết mình từ cả người cha lẫn người mẹ. Nhưng từ góc độ của người trong cuộc, cái mà người ngoài coi là sự hy sinh thực sự lại là điều hạnh phúc. Như chia sẻ của ông Clarke Gayford, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là “ở bên cạnh ủng hộ Jacinda, đảm bảo rằng cô ấy không bỏ bữa và luôn ngủ đủ giấc”.

Câu chuyện ông Clarke Gayford hàng ngày tranh thủ đến văn phòng Thủ tướng để gặp vợ trong khoảng 15 phút, cùng vợ ăn trưa, trò chuyện, nhắc vợ dùng thuốc bổ và quyết định nghỉ việc để làm một ông bố “bỉm sữa” toàn thời gian của ông đã trở thành nguồn cảm hứng về một tình yêu đẹp với dư luận New Zealand cũng như thế giới. Và hình ảnh nữ Thủ tướng mạnh mẽ, quyết liệt bảo vệ thiên chức làm mẹ của mình thực sự là câu chuyện truyền lửa cho nhiều người.

img

Tình yêu và bản lĩnh của họ đã dệt nên một câu chuyện tình đáng ngưỡng mộ và đầy cảm hứng, một mối tình 5 năm mà không cần đến một đám cưới song hạnh phúc đong đầy.