Vào thời điểm nhiều nơi nước đã rút, mặt đất đã có thể "gặp gỡ" mặt trời thì ở đâu đó giữa Hà Nội, có một vùng đất nằm bên ven đê Bùi, mực nước cao vẫn đang cuốn trôi những sinh hoạt thường ngày. Những người dân nơi đây buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới: Lênh đênh thuyền bè xuôi ngược.
Đón chúng tôi vào những ngày nước dâng đỉnh điểm, bác nông dân nghèo với đôi mắt lam lũ nói giọng địa phương: “Chúng bay biết ngồi thuyền thúng không? Lên đây, đừng sợ sụt nước, có bác lội đẩy đi nề”.
Ngôi nhà nhỏ của bác Dũng nằm trên đường lũ xiết ám mùi nồng của rong rêu, khung cửa song gỉ bụi sét lờ mờ bóng ổ điện cũ mèm suýt chạm mực nước đục. Chiếc xe máy cà tàng nhuốm nhem màu bùn đất vứt chỏng chơ trên hiên nhà. Nước ngập quá bắp chân. Ở phía góc sân còn nguyên tụ rác ứ đọng bên cạnh đống rơm chưa kịp đốt.
Bác Dũng chậm rãi rít một hơi thuốc lào, khói thuốc mịt mờ như chính không gian ẩm thấp thiếu ánh mặt trời sau ngày dài mưa trút. Bác lặng cầm chiếc cốc nhựa cũ hứng từng giọt nước đọng trên bể gác mái, chắc có lẽ đấy là nguồn nước sạch nhất kể từ ngày đê lụt. “Khổ lắm mà cũng vui ghê chúng bay, cứ 9 tháng lại 2 trận lụt, nước dâng quá mái chuồng lợn, ấy vậy mà cũng được 12, 13 hôm chứ ít đâu chứ” – Bác Dũng chậm rãi nói. Chúng tôi nhìn người đàn ông bạc đầu chạm tuổi lục tuần mà xót xa. Nhà có bốn người, hai đứa con đi học đại học. Người cha nhớ con mà chẳng dám gọi con về nhà. Bởi về rồi biết đi vào đường nào, ngủ ở đâu? Bác cũng chẳng muốn lũ trẻ nhìn thấy cảnh hai ông bà già lọ mọ đêm hôm, tay cầm cái phích tay cầm gói mì gượng cười chào đón. Thôi thì cứ bảo chúng nó yên tâm học hành, chuyện ở nhà có bố mẹ gánh lo.
Con nước cứ dềnh mãi lên chẳng chịu rút như hờn như giận, chốc chốc lại lấm tấm bèo tây, chẳng ai nói với ai một lời, cứ thế cho đến ngày mai.
Một buổi sáng huyên náo. Từng người ngồi trên chiếc ghe nhỏ í ới gọi nhau như phiên chợ nổi miền Tây: “Bác hôm nay lấy mấy thùng mì?”, “Hai thùng bay ơi, nay còn thêm bình nước”. “Thuyền đẹp bác ha”, “Tau mua tận triệu 7 lận đấy”, chuyện đàn lợn con gà, chuyện mấy đứa trẻ nô nhau cười giòn tan vội vã. Thanh âm trầm bổng cứ thế réo rắt trên dòng nước lũ. Đằng sau nụ cười câu nói là cả một nỗi niềm xa xăm, lũ đến rồi cũng đi rồi mà sao trời chẳng thương cho dân trở lại cuộc sống hàng ngày, cứ lênh đênh “màn trời chiếu đất” đến khi nào mới dứt.
Chiếc thuyền thúng cập bến chợ “Rialto” đầu làng, bác Dũng xắn ống quần trên gối để lộ nước da tái nhợt vì ngâm nước, lội bì bõm vác trên vai hai thùng nước, lạch bạch để vào phía mạn thuyền, tay trái giữ khư khư túi gạo được phát cẩn thận giắt vào cạp quần như sợ trượt. Bác cười tươi đậm chất địa phương: “Đấy, ngày nào cũng vầy, thành quen đấy, ngày 2 lần lấy nước và mì tôm tiếp tế. Ăn mì tôm nhiều thành quen có khi quên cả vị gạo cũng nên”. Chẳng biết từ khi nào mà những bữa cơm hàng ngày trở nên khó khăn đến thế. Nhìn xa xăm, những cánh đồng lúa xanh non giờ trắng xoá bạc một màu nước đục. Nghe đâu bà con vừa cấy mạ vụ mùa thì lũ kéo về chẳng báo trước...
Cùng bác ngồi trên chiếc “Gondola” thuyền thúng còn đầy nhựa đường đen, tôi mới thấy trân trọng những hạnh phúc nhỏ bé, chỉ cần bình yên lặng lẽ là quá đủ cho cuộc sống vạn biến xoay vần.
Trời sang trưa mà chẳng đủ chút nắng xua tan mùi tanh nồng từ phía chân trời. Ngó vào căn bếp, bóng điện tờ mờ hắt sáng lên chiếc nồi nhỏ, vài quả trứng để từ lâu, một hai cọng hành mua vội ở khu chợ tạm, nắm gạo nhỏ nấu qua loa ấy là xong bữa cơm đôi bạn già. Vẫn đủ dư vị ngọt bùi, cay đắng.
Sau bao gian khó, đôi bạn ấy vẫn gắn bó với nhau, vẫn nhìn nhau bằng con mắt xanh đầy trìu mến.
Lóng ngóng bật chiếc bếp điện sau một tuần chìm vào tăm tối, bác Dũng đưa chúng tôi chén nước chè xanh, thứ nước hiếm hoi ở vùng cô lập, hơi ấm mùi hương đưa tôi lại buổi sáng long đong cùng bà con xóm lụt, nhớ cảnh đón đưa mà thương quá, thương những đứa nhỏ xíu ngồi còn chưa vững mà phải chịu cảnh tối tăm bẩn thỉu, thương bà cụ già nghiêng đầu vuốt ve con lợn béo mầm rét run vì lạnh.
Ráng chiều đỏ rực sau ngọn tre, bờ xa ngút tầm mắt chỉ thấy mênh mông sóng nước, tiếng chim gù nhà ai réo liên hồi, mấy con gà trơ trọi lang thang trên mái nhà quẹt mỏ vào lớp xi măng mái ốp-nan của căn nhà cấp 4 ngập sâu trong nước. Nền gạch trơ trọi bợt lớp vôi lủn mủn mảnh vỡ, chốc chốc lại thấy bóng cá trắng nằm ngửa trương phềnh dạt tận góc sân.
Bác Dũng trầm ngâm: “Đã lâu lắm rồi mới có trận lụt khủng khiếp đến vậy, nghĩ đến giờ vẫn thấy hoang mang, bỗng chốc tài sản tiêu tán cả. Có nhà mấy sào nuôi trồng hải sản giờ mất trắng cháu ạ, nợ ngân hàng rồi thế chấp. Nhưng sợ nhất là ô nhiễm môi trường, cháu mới về nên không biết, rác thải chui tận gậm giường, xác chết động vật, vòng hoa tang cứ dạt cả vào sân”.
Nghe đến vậy, tất cả chúng tôi đều mường tượng ra khung cảnh tan hoang như thời khai sử, mọi thứ như mới bắt đầu. Người lớn đã vậy, còn trẻ nhỏ? Những đứa trẻ trong thôn hồn nhiên đến lạ, dường như chúng thích nghi khá sớm với hoàn cảnh kể cả những lúc ngặt nghèo. Khoảng trời nhỏ bé trong sân với chúng như cả thế giới, nô đùa dưới làn nước đục ngầu, vô tư vơ tay với lấy những đồ chơi bị lũ cuốn. Ai biết đâu tiếng cười khanh khách của con trẻ như vết dao cứa vào lòng bố mẹ.
Lại lênh đênh trên dòng nước, nhìn ngắm ánh đỏ hồng pha sắc xanh xám cuối ngày, chúng tôi mơ màng như lạc vào mảnh đất Burano huyền diệu với những chiếc ban công sặc sỡ sắc màu, những ô cửa nhảy múa trên nhạc nền bản O sole mio huyền thoại.
Phút huyễn tưởng ngắt cơn bởi âm thanh thường nhật, những con người phố “Burano” của chúng tôi, sao họ đáng yêu lạc quan đến vậy?