Với vẻ ngoài khá phong trần, Phạm Đức Huy là một trong những ngôi sao thu hút sự chú ý của đội tuyển Việt Nam. Trên sân cỏ, chàng tiền vệ người Hải Dương là một chiến binh “mẫn cán”, lăn xả và luôn máu lửa mỗi lần xung trận. Trong cuộc sống, Huy là người vô cùng tình cảm và những câu chuyện về anh khiến chúng tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác…
Huy được người hâm mộ gọi với biệt danh “Hoàng tử bánh gấu”. Huy không chối bỏ cái danh hiệu đấy vì bởi lẽ Huy nghiện bánh gấu thật. “Huy chỉ mong đến Tết sớm, vì Tết là mẹ sẽ mua bánh gấu cho ăn. Chỉ cần ăn bánh gấu là Huy cũng sẵn sàng bỏ cơm luôn”, cô Nhâm, mẹ Huy vui vẻ chia sẻ.
Huy cũng có một biệt danh khác rất đáng yêu là cu Tụt”. Đến bây giờ Huy vẫn được mẹ gọi như thế. “Ngày bé Huy nó mũm mĩm, tay chân nhìn thích lắm. Thấy Huy thế tôi liền đặt biệt danh cho cháu là “cu Tụt””, cô Nhâm nói.
Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ nhất của Huy, mẹ Nhâm bỗng lại rơm rớm nước mắt. Đó là chuyện Đức Huy nén nỗi đau bác ruột qua đời để thi đấu trong trận bán kết gặp U23 Qatar. Đây câu chuyện buồn không thể nào quên. Khi Đức Huy cùng đồng đội thi đấu tại vòng chung kết U23 châu Á, gia đình lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Tuy nhiên, niềm vui ấy của gia đình chưa được trọn vẹn sau trận Việt Nam thắng đội Iraq ở tứ kết thì bác ruột của Đức Huy đột ngột qua đời trong vụ tai nạn giao thông ở TP. Hồ Chí Minh.
“Lúc nhận tin dữ, cả gia đình ai cũng bàng hoàng, thương tiếc và nén nỗi đau để vào Nam lo liệu công việc, đồng thời chuyển di quan của anh tôi về quê làm lễ tang. Tuy nhiên, lúc này cả gia đình thống nhất không ai cho Huy biết để tránh ảnh hưởng tâm lý, sợ Huy bị sốc, vì tình cảm của Huy dành cho bác rất lớn”, mẹ Đức Huy kể lại.
Tuy nhiên, trước khi thi đấu với đội Qatar một ngày, tình cờ Huy đọc được thông tin trên mạng xã hội về việc bác ruột qua đời. Lúc này, Huy gọi cho bạn gái đang ở TP. HCM đến nhà bác mình để bảo mẹ không phải giấu nữa, vì Huy đã biết rồi.
Lúc đấy mẹ cũng động viên Huy, bảo Huy hãy nén nỗi đau lại, bình tâm để thi đấu thật tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Chính trận bán kết đó, cầu thủ mang áo số 8 đã khiến nhiều người ngả mũ cảm phục khi gạt nỗi đau mất người thân để cống hiến hết mình cho đội tuyển.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, bà Phạm Thị Đỉnh, bà nội Huy bộc bạch, Huy là người cháu vô cùng tâm lí, luôn sống hết mình cho người thân. “Cháu hay gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của bà, bà mà ho một tiếng là nó lại bắt bà phải đi khám rồi uống thuốc. Nó còn dặn bà phải sống thật lâu để theo dõi nó thi đấu thật nhiều nữa”, bà Đỉnh kể.
Đức Huy sinh ra ở vùng đất khá nổi tiếng về đào tạo bóng đá trẻ: tỉnh Hải Dương. Nhà Huy có hai anh, do là út nên Huy được bố mẹ có phần cưng chiều hơn anh. Ngôi nhà nhỏ, có sân vườn rộng, là nơi tình yêu bóng đá của Huy phải đối mặt với những phản đối gay gắt từ người mẹ.
Theo lời kể của mẹ Huy, cô Trần Thị Nhâm, từ hồi còn bé xíu, Huy đã mê mẩn trái bóng nhựa. Huy đam mê bóng đá, ăn hay ngủ là cứ ôm khư khư quả bóng trong tay. Tuy nhiên, ngày đó, người duy nhất không cho Huy đi đá bóng cũng chính là mẹ.
Năm Huy lên 7 tuổi, mẹ đi lao động bên Nga, vốn là người sống tình cảm nên có những việc Huy làm ngày bé khiến người thân nhớ mãi. “Có những đêm 1h sáng theo giờ Việt Nam, Huy gọi điện bảo nhớ mẹ lắm, mẹ về đi đừng đi nữa. Kể từ lúc xa mẹ, đêm nào Huy cũng nhớ mẹ khóc ướt đẫm hết cả gối”, mẹ Đức Huy bồi hồi kể lại.
Những ngày xa mẹ, chú Phạm Đức Đông, bố của Huy phải đảm nhiệm cùng lúc hai vai trò, vừa là cha, vừa là mẹ. Nhắc đến cậu con trai, nhớ lại chuyện xưa, mỉm cười rồi chú nói: “Hồi nhỏ Huy cũng nghịch lắm, nhưng Huy nghịch tôi cũng không dám quát vì sợ con buồn. Cũng sợ con “mách mẹ” nữa”.
“Gia đình chẳng có ai theo nghiệp bóng đá, nhà làm kinh doanh, Huy thông minh, giỏi tính toán chúng tôi cũng định hướng sau này cho cháu nối nghề. Nhưng người tính không bằng trời tính, Huy nó đam mê bóng đá. Cháu đi thi lần nào có giải lần đó. Dù giải đá không lớn nhưng hầu hết đều là giải nhất. Mấy lần Huy đi thi cả hai bố con đều không cho mẹ cháu biết”, chú Đông bồi hồi nhớ lại.
Năm Huy 10 tuổi, mẹ của Huy về nước sau thời gian lao động ở nước ngoài. Thời điểm đó cũng là lúc tài năng của Huy ngày càng phát lộ. Chuyện bắt đầu từ khi Huy đá giải hè ở huyện Thanh Miện (Hải Dương), khi đó Huy mới học lớp 5. Đội được giải nhất, Huy nhận được chú ý nhất vì phong cách chơi bóng ấn tượng. Sau đó Đức Huy được mời để đào tạo tại Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh Hải Dương. Oái oăm là thời điểm đó, Huy nhận phải sự phản đối gay gắt của mẹ.
Mẹ không muốn cho Huy theo nghiệp quần đùi, áo số, hơn nữa, Huy được đánh giá là thông minh và học rất giỏi, năm học nào Huy cũng có giấy khen học sinh giỏi. Nếu đi đá bóng, Huy sẽ lỡ mất những giải thi Học sinh giỏi ở trường. Vừa sợ con đi đá bóng sẽ vất vả, mẹ Huy lại càng thêm sợ phải xa cậu con trai bé nhỏ mới đoàn tụ sau thời gian xa cách.
“Lúc đấy Huy nó tha thiết xin mẹ cho đi lên tỉnh đá. Tôi nhất quyết không đồng ý. Tôi có bảo, con mà đi đá bóng thì ai chăm lo cho con, ai giặt đồ, nấu cơm ngon cho con ăn. Rồi bao nhiêu giải thi Học sinh giỏi con định bỏ lỡ à? Lúc đấy, Huy mới chỉ 10 tuổi, nó nói một câu khiến tôi cả đời cũng không thể quên được: “Mẹ yên tâm đi, sau này con thi Đại học con sẽ thi đỗ cả hai trường để mẹ tự hào”. Lúc đấy, ôm con khóc, nghe con nói thế tôi cũng chỉ biết gật đầu, mẹ Đức Huy bồi hồi nhớ lại.
Dần dần, mẹ Đức Huy cũng hiểu và thêm tin ở quyết định của con. Từ đó mẹ Huy bắt đầu theo sát con đường thể thao và ủng hộ Huy hết mực. Huy nói, nhờ có mẹ ủng hộ mà mỗi khi đi đá bóng Huy thấy tự tin hơn rất nhiều. Huy cũng nói với mẹ sẽ cố gắng thi đấu thật tốt để mẹ không phải thất vọng ở quyết định của anh.
Nổi lên từ Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc 2006, Đức Huy thu hút sự chú ý của các tuyển trạch viên nhờ lối chơi mạnh mẽ, nhưng không kém phần kỹ thuật. Cuối cùng, đội trẻ Hà Nội là nơi giành được chữ ký của cầu thủ.
Đức Huy là dạng cầu thủ đa năng, có thể chơi ở nhiều vị trí trên sân. Tại mùa giải vừa qua, phần lớn thời gian Đức Huy thi đấu vị trí hậu vệ cánh trái. Ở đội tuyển U19 vài năm trước, HLV Guillaume Graechen xếp anh đá tiền vệ trái. Thế nhưng, tiền vệ trung tâm anh chơi rất hay. Minh chứng là màn trình diễn tại vòng chung kết U23 châu Á 2018, giải đấu để đời và cũng thay đổi cuộc đời nhiều cầu thủ, trong đó có Đức Huy.
Nếu phải chọn ra một nhân vật đứng sau lưng giúp Lương Xuân Trường tỏa sáng tại giải U23 châu Á, người đó phải là Phạm Đức Huy. Những gì Đức Huy làm được trên đất Trung Quốc khiến cho nhiều người kinh ngạc. Tiền vệ này đá cặp cùng Xuân Trường nhưng nhiệm vụ của anh là bịt những lỗ hổng sau lưng khi đồng đội băng lên tấn công. Âm thầm nhưng bền bỉ, Đức Huy chính là một tấm khiên trước hàng phòng ngự 3 trung vệ tại giải đấu U23 châu Á.
Còn nhớ, tại trận bán kết lượt đi AFF 2018 vừa rồi, Đức Huy thể hiện sự cần cù đến khó tin trong trận thắng Philippines. Ở tình huống đó, một cầu thủ của Việt Nam bị phạm lỗi. Mặc dù trọng tài Ibrahim Al-Jassim đã thổi còi dừng trận đấu, song số 29 Patrick Alcala vẫn tiếp tục đi bóng. Trong khi tất cả cầu thủ Việt Nam, thậm chí cả thủ thành Văn Lâm cũng dừng lại thì Đức Huy vẫn quyết liệt đeo bám đối phương. Với tình huống vô cùng tỉnh táo của mình, Đức Huy không chỉ nhận được sự khen ngợi từ đồng đội Đình Trọng, mà còn nhận được những tiếng vỗ tay từ các CĐV Việt Nam trên sân Panaad.
Bóng đá là môn thể thao tập thể. Trong một tập thể sẽ có những ngôi sao được nhắc đến với những bàn thắng, những pha tỉa bóng, kiến tạo đẹp mắt. Đức Huy không ghi bàn, cũng chả mấy khi kiến tạo. Nhưng anh là mẫu cầu thủ mà khi chơi tốt, sẽ khiến mọi người cùng chơi tốt. Huy luôn sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ của những ngôi sao ghi bàn bất cứ khi nào cần thiết, bởi anh là một mắt xích không thể thiếu của đội bóng.