Phong cách chơi bóng mạnh mẽ, máu lửa trên sân, trái ngược hoàn toàn với gương mặt hiền hiền dễ mến ngoài đời. Trần Đình Trọng là ngôi sao nở muộn hiếm có trên bầu trời bóng đá Việt Nam. Và khi xuất hiện, chàng “ỉn” lại gây ấn tượng mạnh mẽ với phong cách có “1 - 0- 2”.
Trần Đình Trọng sinh ngày 25/04/1997 tại Gia Lâm, Hà Nội. Ở tuổi 21, Trọng chính là một trong những trụ cột của đội tuyển Việt Nam. Nhắc đến Trọng, không một ai trong xã Đa Tốn (Gia Lâm – Hà Nội) không biết đến cậu nhóc năm xưa một tay ôm bóng, một tay kéo quần chạy khắp xóm làng.
Cô Nguyễn Thu Hương - mẹ của Đình Trọng chia sẻ về niềm đam mê bóng của cậu con trai. Không giống như những đứa trẻ khác, nếu đam mê bóng sẽ tìm mọi cách để đi đá thì với Trọng , hình ảnh trái bóng tròn luôn xuất hiện trong những bài tập làm văn hồi cấp I. Bài tập làm văn dù là với đề tài nào thì kiểu gì cũng có hình ảnh trái bóng tròn trong bài làm.
Cô Thu Hương lấy dẫn chứng: “Có một lần đọc bài văn của Trọng viết về ông nội mà cả nhà phải bật cười thành tiếng. Trọng đưa cả câu chuyện được giao nhiệm vụ đi mua thuốc cho ông, nhưng lúc qua sân đình của xóm, thấy lũ trẻ đang chơi bóng, được rủ thế là tham gia ngay. Vì Trọng cứ thấy bóng là không rời được. Mải chơi, đến mãi một lúc sau mới sực nhớ ra là phải đi mua thuốc cho ông. Lúc đấy, cậu ta mới ba chân bốn cẳng chạy đi mua”.
Dừng lại một lúc, cô Hương nói tiếp: “Thật ra, chẳng ai trách nó cả, bởi con nít mà mải chơi là điều dễ hiểu. Nhưng dù vậy, sau này, mỗi khi nhắc lại Trọng vẫn thấy hành động lúc đấy của mình là sai, và cảm thấy rất có lỗi với ông. Trọng cũng tâm sự với mẹ rằng, lúc đấy nếu lỡ vì sự ham vui của bản thân mà gây ra hậu quả đáng tiếc nào thì nó sẽ ân hận cả đời”.
Thuở nhỏ, khi còn là cậu bé bụ bẫm, Đình Trọng được thầy giáo đặt biệt danh cho là “cu ỉn”. Lớn lên một chút, Trọng vẫn mũm mĩm và không nhiều người liên tưởng Trọng “ỉn” sẽ là cầu thủ đá bóng, chơi ở vị trí tranh chấp khốc liệt như trung vệ. Thế nhưng như nghiệp chọn người, trái bóng dần cứ quấn chặt lấy chân Đình Trọng. Cứ thế, một cách nhẹ nhàng Trọng đến với những trận đấu cấp xã, cấp huyện rồi sau đó vào đội tuyển trẻ và đầu quân cho lò Hà Nội.
Nhắc về kỷ niệm đặc biệt và không thể quên của hai mẹ con, cô Hương lại nghẹn ngào: “Khi Trọng 10 tuổi thường được gọi đi thi đấu trên huyện nhà. Cứ mỗi lần đi thi, chỉ có hai mẹ con đèo nhau đi về trong ngày. Tôi vẫn nhớ như in cái buổi chiều hôm ấy, khi hai mẹ con đang trên đường về, bỗng con trai vòng tay ôm mẹ từ sau lưng rồi thủ thỉ “Mẹ ơi, ước gì con được vào đội tuyển quốc gia. Chỉ cần được vào thôi, con sẽ cố gắng tập luyện để được chọn thi đấu. Con nhìn các anh đá mà con thèm”. Lúc đấy, nghe cháu nói, tôi rưng rưng nước mắt. Rồi cái ngày được gọi lên đội tuyển, gọi về cho mẹ, qua điện thoại tôi chỉ nghe tiếng cháu cười hạnh phúc lắm”.
Để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, Trọng phải thuyết phục bố mình - chú Trần Đình Hùng. Trước đây, chú Hùng không muốn con trai dành cả tuổi thanh xuân để chạy theo trái bóng. Bởi chú nghĩ, nghề bóng nay đây mai đó và chấn thương là điều không thể tránh khỏi. Một chấn thương có thể tước đi cả sự nghiệp và cả tương lai của một cầu thủ. Chú Hùng là người hiểu rất rõ câu cửa miệng của các cầu thủ: “Đời cầu thủ ngắn, ngắn lắm lắm”.
Nhưng cho đến một ngày, đó có thể gọi là “buổi chiều định mệnh” của hai bố con. Lần đầu tiên trong cuộc đời, người cha già đứng theo dõi con thi đấu. Cậu bé mũm mĩm với cách rê bóng và chơi bóng khác biệt khiến chính bố mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhìn con chơi bóng, ông bố khó tính đã lặng lẽ gật đầu.
“Bố Trọng khó tính, trước đây không muốn cho Trọng chơi bóng, cũng chỉ muốn cho hai mẹ con đưa nhau đi nốt mùa giải ở huyện nhà rồi thôi. Nhưng sau cái buổi chiều đó, bố của Trọng thay đổi 180 độ. Đầu tư bóng bánh cho con trai, đầu tư quần áo đẹp rồi “giành” luôn cả phần đưa con đi thi đấu ở các giải khác.
Nhìn chồng rồi cô Hương mỉm cười, nói tiếp câu chuyện: “Cũng từ đấy mà hai bố con bám nhau suốt, Trọng mỗi khi về nhà là mua quà cho bố. Chẳng to tát gì nhưng Trọng tặng cái gì là bố Trọng lại nâng niu, cất vào tủ kính trưng bày. Tính cách trầm ngâm, âm thầm, lặng lẽ của Trọng giống hệt bố”.
Chìm khuất như chính cá tính lặng lẽ của mình, cùng với những cái tên trẻ khác, Trọng lùi một bước, chấp nhận xuống chơi ở đội hạng nhất và sau đó theo Sài Gòn FC vào Nam. Nhưng chính quá trình không được chú ý đó đã giúp anh phát triển tự nhiên nhất, để rồi trở thành niềm tự hào của Sài Gòn FC, mang đến “màn lội ngược dòng ngoạn mục” khi được phát hiện tại U23 Việt Nam rồi mới quay lại U20 Việt Nam và chơi chói sáng tại World Cup U20 ở Hàn Quốc.
Tại AFF Suzuki Cup 2018, Trần Đình Trọng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngự, là chốt chặn vô cùng quan trọng giúp tuyển Việt Nam tiến vào bán kết.
Cần mẫn với vị trí hàng thủ để đồng đội mình yên tâm tấn công, Đình Trọng có thể không tỏa sáng với những bàn thắng nhưng sẽ luôn được nhớ tới như một "lá chắn thép" của đội tuyển Việt Nam.
Nhắc đến hình ảnh chàng trung vệ luôn xuất hiện trên sân cỏ với hình ảnh sơ vin gọn gàng,cô Hương lại bật cười: “Từ hồi còn bé xíu, bố mẹ hay mua cho Trọng bộ quần áo thể thao để mặc đi đá bóng với các anh lớn ngoài sân đình. Được bộ quần áo mới, Trọng “ỉn” mặc vào rồi cứ bảo sơ vin vào cho đẹp. Lúc đấy Trọng mũm mĩm lắm, cứ ôm quả bóng bên hông rồi chạy, trông buồn cười lắm”.
“Mấy lần mọi người hỏi tôi là sao Trọng cứ sơ vin thế, lúc đấy tôi cũng không để ý và cũng không biết lý do vì sao. Có lần con trai về thăm nhà, tôi gặng hỏi thì Trọng có bảo sơ vin để đá bóng tự tin hơn thôi, nếu khi ra sân mà không sơ vin thì đá không tự tin nổi, cảm giác cứ lo lo. Rồi nó cũng bảo con không sợ đối thủ mạnh, con chỉ sợ quần áo thi đấu không sơ vin được thôi”, cô Hương vừa kể vừa cười.
Chỉn chu trang phục nhưng Trọng lại có tiếng bám người “dai còn hơn đỉa”, khiến đối thủ rất khó chịu. Chiều cao 1,74m không đem đến lợi thế, nhưng Đình Trọng lại rất hiệu quả trong những pha tranh chấp tay đôi. Trọng vào bóng mạnh mẽ, nhưng rất già dặn. Chơi tốt ở cả 2 vai trò là trung vệ và hậu vệ biên. Cách chơi của Trọng rất kỹ và cẩn trọng dù chỉ trong một đường mở ra biên đơn giản. Nó đúng với triết lý là hậu vệ trước tiên không được phép phạm sai lầm.
Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh quyết liệt trên sân cỏ. Đình Trọng ngoài đời là chàng trai trầm tính, hiền lành và có phần hơi lãng đãng.
Sinh ra trong gia đình có hai anh em, Đình Trọng và em trai vô cùng thân thiết. Một phần, hai anh em ở với nhau không nhiều, chỉ có dịp thì mới được đi chơi cùng nhau. Từ nhỏ đến lớn, Trọng chưa một lần to tiếng với cậu em trai nghịch ngợm của mình.
“Khác với nhiều cặp anh em trai khác, Trọng và Bình từ nhỏ đến lớn chưa đánh nhau một lần, thậm chí cãi nhau cũng chưa. Tính cách của hai đứa trái ngược hoàn toàn, Trọng thì hiền lành, trầm tính và không giỏi ăn nói, còn em nó thì hoàn toàn khác, rất quảng giao, đối đáp, nói chuyện với mọi người hơn hẳn anh”, cô Hương chia sẻ.
Không chỉ thế, Đình Trọng là một ông anh trai cực kỳ tâm lý, dù đi thi đấu ở đâu cũng nhớ mua quà về cho Bình, cậu nhóc này muốn gì, cần gì đều được đáp ứng. Đặc biệt, dù là trước đây hay bây giờ chỉ cần về nhà, chàng trung vệ bất kể đi đâu, với ai thì cũng phải đưa em trai đi cùng.
Dù chiều em là thế, Đình Trọng vẫn thể hiện là một ông anh trai nghiêm khắc. Mỗi khi có dịp về nhà hay thấy em trai làm gì chưa đúng, Trọng đều sẽ nhắc nhở, khuyên bảo em cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Chính sự nỗ lực, cố gắng của Đình Trọng trên sân cỏ lẫn ngoài cuộc sống đã trở thành tấm gương cho em trai noi theo. Trọng cũng định hướng cho cậu em trai theo nghiệp bóng đá khi biết em trai cũng đam mê bộ môn thể thao vua này.
Đình Trọng là niềm hi vọng, là niềm tự hào của cả dòng họ. Từng là cậu bé đi nhặt bóng ở sân vận động Hàng Đẫy, Trọng từng mơ ước tên của mình nằm trong danh sách của đội tuyển quốc gia. Những tưởng ước mơ chỉ là mơ ước, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ trong tập luyện và thi đấu để chứng minh năng lực bản thân. Ngay ở thời điểm hiện tại, trong sơ đồ chiến thuật của HLV Park Hang - seo, Trần Đình Trọng là một cái tên vô cùng quan trọng.