img

Gái theo chồng, “thèm” cảm giác được đón Giao thừa nhà ngoại!

Chí Công

Mười mấy năm làm dâu là bằng đó cái Tết tôi đón Giao thừa ở nhà chồng. Thực lòng, tôi vẫn luôn mong nhớ cái cảm giác được đón Tết bên ngoại!

Tôi lấy chồng đã hơn chục năm, cả hai cùng công tác tại Hà Nội. Bố mẹ đẻ tôi ở ngoại thành, còn bố mẹ chồng thì ở cách xa hơn 100km. Tuy vậy, cứ mỗi dịp đón năm mới là cả gia đình tôi lại khăn gói về nhà nội ăn Tết.

Mười mấy năm đi lấy chồng là bằng đó cái Tết tôi đón Giao thừa ở nhà nội. Những năm đầu tiên, cứ đến đêm 30, lúc đón chờ khoảnh khắc Giao thừa là tôi lại rưng rưng nước mắt vì nhớ bố mẹ đẻ. Dù vậy, tôi cũng chỉ dám tìm một góc kín đáo, khóc một mình, rồi lại nhanh chóng lau nước mắt, coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi sợ người khác nhìn thấy sẽ ảnh hưởng đến không khí ngày Tết.

Mặc dù chồng tôi không phải là người khó tính, nhưng tôi vẫn không nói với chồng về tâm trạng của mình. Trước khi đi lấy chồng, bà ngoại và mẹ tôi cũng dặn “lấy chồng là phải theo nhà chồng”. Tôi mang tâm lý đó nên cứ Tết là theo chồng về quê đón Giao thừa, ăn Tết bên nội. Cho đến khoảng mồng 2 hoặc mồng 3 thì về ngoại chúc Tết, rồi 2 ngày sau quay trở lại trung tâm thành phố để làm việc.

Thực lòng mà nói, hơn chục năm đón Giao thừa bên nội, tôi vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm đón Tết xưa bên người đã sinh thành ra mình. Vào khoảnh khắc đó, tôi nhớ bố mẹ vô cùng. Hơn chục năm qua, tôi vẫn luôn thèm cái cảm giác được đón Tết bên ngoại!

Tôi biết, dù bố mẹ tôi không nói ra nhưng trong thâm tâm, họ cũng luôn mong được sum vầy, quay quần bên con cháu trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời - chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

img

Mười mấy năm đi lấy chồng, tôi vẫn luôn mong được đón Giao thừa nhà ngoại! (Ảnh minh họa: TNO).

Tôi nhớ như in những cái Tết ở bên bố mẹ khi tôi chưa lấy chồng. Đêm Giao thừa, chị em tôi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, phụ giúp bố mẹ chuẩn bị đồ lễ… Cả gia đình hân hoan, vui vẻ, đầy ắp tiếng cười. Mẹ thường thủ thỉ dạy tôi, sau này về nhà chồng phải biết làm thế này, thế kia, nhìn mẹ làm mà bắt bước…

Mỗi khi chuẩn bị đón năm mới, nhớ lại những khoảnh khắc xưa, biết bố mẹ đang mong chờ, tôi lại càng “thèm” được về bên ngoại ăn Tết.

Tôi nghĩ rằng, có lẽ đó không chỉ là ước nguyện của riêng tôi, mà còn là tâm tư của rất nhiều người đi làm dâu. Ngay như cô bạn đồng nghiệp của tôi, khi mới nghe thông báo lịch nghỉ Tết ở cơ quan, cô ấy đã chia sẻ rằng: “Năm nay, anh trai em đi xuất khẩu lao động, không về Việt Nam ăn Tết được, ở nhà chỉ còn mình em nên bố mẹ trông ngóng từng ngày. Mấy năm qua, em đi lấy chồng, toàn đón Giao thừa nhà chồng. Nhưng năm nay em quyết rồi, em bàn với chồng là sẽ cho con về ngoại ăn Tết. Dẫu sao thì chồng em cũng có anh trai, năm nay để bố mẹ chồng đón Tết với anh trai, chị dâu và các cháu. Còn nhà em về ngoại đón Tết! Em thèm cảm giác đó lâu lắm rồi!”.

Tôi cũng nghĩ rằng, việc về nhà chồng hay nhà vợ ăn Tết là trách nhiệm của cả hai bên, chứ không riêng gì phụ nữ phải chịu thiệt thòi. Bố mẹ nào cũng mong nhớ con, cũng muốn được quây quầy bên con cháu. Bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ thì cũng cần được quan tâm như nhau. Vì vậy, năm nay tôi đã mạnh dạn bàn với chồng rằng, cũng nên chia đều khoảng thời gian nghỉ Tết cho hai bên nội, ngoại – nếu năm nay ăn Tết bên nội thì sang năm ăn Tết bên ngoại – chồng tôi đã vui vẻ đồng ý!

C.C

img