img

Gần 25.000 người Nghệ An mất nước sinh hoạt sau sự cố vỡ đập

Anh Ngọc

Sự cố vỡ đập Bara Đô Lương, tỉnh Nghệ An dẫn đến việc nước máy bị mất. Hệ lụy khiến gần 8.000 hộ dân, với gần 25.000 người ở Đô Lương không có nước sạch để dùng. Thậm chí, hàng chục nghìn ha lúa vụ hè thu đã cấy cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn 1 ngày không có nước sinh hoạt

Sáng 8/6, ông Nguyễn Hào, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, hiện đang ở hiện trường chỉ đạo các đơn vị và lực lượng tiến hành khắc phục sự cố vỡ đập Bara Đô Lương, thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Vụ việc nghiêm trọng này xảy ra vào 1h ngày 7/6. Thời điểm trên, từng đoạn bê tông bị nước xô đổ, sau đó hàng chục mét tiếp tục bị cuốn. Đến sáng cùng ngày, khoang số 10, 11 tại đập Bara Đô Lương nằm trên sông Lam bị gãy sập hoàn toàn, ước tính khoảng 40m.

Do mức nước bị tụt xuống quá thấp đã làm cho hệ thống bơm nước từ kênh Đào của Trạm cấp nước Đô Lương, ở xã Đông Sơn, huyện Đô Lương không thể hoạt động.

img

Về việc này, ông Võ Đăng Dũng, Trạm trưởng Trạm cấp nước Đô Lương xác nhận: “Nước không thể bơm được từ 4h30 ngày 7/6, vì việc trên hơn 7.800 hộ dân ở 7 xã và thị trấn Đô Lương dùng nước từ trạm đã không có nước sinh hoạt”.

Ngoài ra, sự cố nghiêm trọng gây nên hiện tượng tụt mực nước đầu kênh dẫn dòng và không đủ lượng nước theo yêu cầu chảy vào kênh chính, dẫn đến nước vào hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An bị thiếu hụt từ 50-70%, gây khô hạn vùng Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu, với tổng diện tích khoảng 20.000 ha lúa đã gieo cấy bị ảnh hưởng.

img

Ngay sau đó, Trạm cấp nước Đô Lương đã buộc phải lắp đặt thêm một trạm bơm dã chiến để hút nước từ kênh Đào lên. Công nhân đang nỗ lực lắp đặt thêm hệ thống vòi dẫn.

Được biết, đập Bara Đô Lương tại hai xã Tràng Sơn và Đặng Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) do Pháp xây dựng từ năm 1930 đến năm 1937, phục vụ tưới tiêu cho các vùng đồng bằng Nghệ An. Công trình có 12 khoang tràn, mỗi khoang rộng 23m và một cửa xả cát rộng 21m.

Yêu cầu khắc phục cung ứng nước sinh hoạt

Ngay khi xảy ra sự cố nói trên, chiều 7/6, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã có mặt để trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả sự cố.

img

Theo báo cáo ban đầu, khoang số 10 bị sập hoàn toàn. Khoang số 11 bị sập khoảng 5m. Trong đó, khoang số 11 đang được chuẩn bị sửa chữa.

Nhận định ban đầu, đây là 2 khoang đã bị thủng nhiều chỗ, bê tông bị lão hóa, không đảm bảo cường độ và quá trình khai thác hơn 80 năm, các hàng cừ chống thấm bị đứt gãy sẽ kéo theo cát móng chân công trình về hạ lưu làm rỗng chân, dẫn đến sự cố gãy sụp khoang tràn số 10 và 11.

Theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Thủy lợi Nghệ An, vỡ thân đập cũ không ảnh hưởng tới hạ du sông Lam do mùa này mực nước đang rất thấp. Tuy nhiên, hiện có khoảng 10.000 ha lúa vụ hè thu đã cấy, một số khác chuẩn bị gieo cấy nên cần phải khắc phục sớm.

img

Kiểm tra thực tế tại công trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện ngay các biện pháp kỹ thuật như hợp long sớm, đóng cọc, chậm nhất đến ngày 11/6 phải đảm bảo mực nước cho hệ thống thủy lợi Đô Lương ở cao trình trên +10 m để vừa đảm bảo an toàn vừa đáp ứng nhu cầu tưới.

img

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý, đơn vị thi công phải triển khai ngay các biện pháp an toàn lao động xung quanh khu vực xảy ra sự cố. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khắc phục càng sớm càng tốt để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp.

A.N

img