Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2020-2024 nhằm thay thế cho phí bảo vệ môi trường (thu theo sử dụng nước sạch).
Nói nôm na, nếu đề xuất này được thông qua, người dân TP.HCM không còn đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước sinh hoạt, vốn chiếm 10% trên hóa đơn cùng với 10% thuế VAT. Thế nhưng, bù lại là khoản giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải chiếm 15% và tăng 5% mỗi năm. Cùng với lộ trình tăng phí, cơ quan này cũng đề xuất tăng giá nước sạch từ 5,9 – 6% tron giai đoạn 2020 – 2024.
Tính ra, người dân phải trả 11.029 đồng/m3 là bao gồm 9.590 đồng/m3 nước sạch và 15% phí (1.439 đồng/m3) trong năm 2020. Qua năm sau, mức này tăng thành 12.198 đồng/m3, trong đó có 10.165 đồng/m3 nước sạch và 20% phí (2.033 đồng/m3).
Đến năm 2024, mức giá 16.344 đồng/m3 đồng nghĩa rằng tiền nước sinh hoạt (tổng cộng giá và phí) tăng gần 67% so với so với hiện nay. Đó là chưa tính thêm 10% thuế VAT.
Điều đó có nghĩa, người sử dụng nước tại TP.HCM sẽ phải chịu cảnh giá nước tăng cả gốc lẫn phí cùng lúc. Hay cụ thể hơn, với hộ gia đình tiêu thụ khoảng 100m3 mỗi tháng, tiền nước sẽ tăng từ 1,2 triệu đồng (năm 2020) lên gần 1,8 triệu đồng (năm 2024).
Cả 3 nhà máy chỉ xử lý được 13% lượng nước thải của TP.HCM.
Chỉ nói riêng về hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tăng 5% mỗi năm, đại diện trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, sở Xây dựng cho rằng, lộ trình được đề xuất là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết thực tế.
Mức tăng giá sẽ tạo sự công bằng xã hội, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với chủ trương xã hội hóa, góp phần giảm áp lực ngân sách Nhà nước.
Bởi lẽ, mức phí 10% đang áp dụng không đủ để đầu tư vào các dự án xử lý nước thải. Tổng chi phí cho hoạt động duy tu, bảo trì... thoát nước giai đoạn 2016-2020 của TP.HCM ước tính hơn 5.900 tỷ đồng. Riêng năm 2017, tiêu tốn khoảng 948 tỷ đồng, trong khi tiền thu được chỉ 414 tỷ đồng là chưa đủ “bù đắp”.
Cũng do thiếu nguồn vốn nên 3 nhà máy đang gồng mình xử lý 171.000m3/ngày, chiếm 13% lượng nước thải của Thành phố. Như vậy, đang có đến 1,5 triệu m3 nước thải/ngày chưa được xử lý vẫn đổ ra sông, rạch. Chính vì thế, nếu muốn thực hiện mục tiêu 80% lượng nước thải đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn thì việc thu giá dịch vụ thoát nước là bắt buộc.
Trước cách tính mới cho giá nước, người dân TP.HCM đã có nhiều ý kiến bình luận. Bà Lê Hoài Ái Nhi (nội trợ, ngụ quận 9) cho biết: “Trước khi thu phí, cơ quan chức năng phải đảm bảo về cơ sở hạ tầng. Khu vực nhà tôi vẫn chưa có ống thải nước sinh hoạt nên phải xả xuống kênh trước nhà. Không có cống nên mỗi khi mưa lớn là ngập nặng, sau 4 tiếng từ khi hết mưa mà nước vẫn chưa rút hết nên người dân phải gọi điện phàn nàn thì mới có người đem máy bơm xuống xử lý”.
Chị Nguyễn Thị Dung (nhân viên văn phòng, ngụ quận Thủ Đức) cũng thẳng thắn: “Kiểu đó đúng là tận thu vì không hợp lý. Cơ quan chức năng phải chứng minh được số lượng nước thải ra bằng với số lượng nước tiêu thụ thì mới có căn cứ thu phí dựa theo hoá đơn tiền nước. Đồng thời, chính quyền cần dùng số tiền thu được để đầu tư hiệu quả. Chứ nếu giá tiền vẫn tăng đều mà ngập nước hay ô nhiễm vẫn trầm trọng thì ai sẽ chịu trách nhiệm, ai sẽ bồi thường cho người dân?”.
Nhận thấy đề xuất này sẽ tác động lớn đến đời sống người dân cũng như các dự án nhà ở, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có vài trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật. Theo đó, ông Châu tán thành chủ trương người dân đóng góp để bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước về xử lý nước thải.
Đối với thị trường bất động sản TP.HCM trong hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại (cả nhà thấp tầng và nhà chung cư) đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành.
Nhưng hiện nay, có một số dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành. Vì thế, người dân trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải “hai lần”. Tức là, mặc dù đã trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải, nhưng vẫn phải đóng phí bảo vệ môi trường thông qua trả tiền nước sạch.
“Vì thế, Hiệp hội đề nghị sở Xây dựng và trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật có sự hỗ trợ cho dự án nhà ở hoàn thành các thủ tục kiểm tra nghiệm thu đạt chuẩn, để được bàn giao công trình và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình”, ông Châu cho hay.
Vị Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đánh giá, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến khó lường, đa số người dân bị tác động rất lớn. Một bộ phận bị giảm thu nhập hay thậm chí phải thất nghiệp nên việc đề xuất tăng thu phí xử lý nước thải trong năm nay chưa thật phù hợp. Thay vào đó, Thành phố nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019.
Nếu không tính toán đầy đủ và thuyết phục, có khả năng người dân TP.HCM quay lại sử dụng nước ngầm, ảnh hưởng môi trường.
Tương tự, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng lo ngại cách tính giá nước cho các đối tượng khác nhau, không thể cào bằng mức phí giữa hộ gia đình và đơn vị kinh doanh. Khi những cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn,…có mức giá phải đóng cao hơn là công bằng. Cũng như các đơn vị hành chính sự nghiệp (trường học, bệnh viện,…) cần có mức giá khác để tránh ảnh hưởng đến đời sống, để đúng với chủ trương người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền nhiều hơn.
Một giảng viên đại học Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cũng chia sẻ, cách làm huy động xã hội hóa để đầu tư các lĩnh vực thiết yếu như điện, nước,…là xu hướng đúng đắn, học hỏi theo các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, giá nước như đề xuất là rất khó khả thi nếu không thuyết phục dư luận bằng các số liệu, nghiên cứu đầy đủ.
Bên cạnh đó, tại một số khu vực vùng ven ngoại thành như huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Gò Vấp,…vẫn còn hiện tượng người dân sử dụng nước ngầm (nước giếng) vì ngại tiền nước máy quá tốn kém. Nếu bây giờ còn tăng giá nước sạch, quá trình vận động giảm khai thác nước ngầm sẽ khó khăn hơn, về lâu dài có thể dẫn đến hệ lụy cho môi trường.
H.N