img

Gặp cô gái có biệt danh “người sắt” mang xương đùi kim loại nghe kể chuyện đẫm nước mắt về “sinh ly tử biệt”

Phong Linh

Tôi hẹn gặp Lê Thị Hòa (24 tuổi) sau 4 tháng thực hiện ca đại phẫu thay toàn bộ xương đùi bao gồm thay khớp háng và khớp gối toàn phần. Cô gái có nghị lực phi thường này đã trở thành người đầu tiên tại Việt Nam bước đi bằng chân có xương đùi kim loại…

Ấn tượng đầu tiên khi gặp cô gái ở tuổi 24 là nụ cười rạng rỡ, Hòa tập tễnh dẫn tôi vào căn nhà cô gái đang ở nhờ nhà người bác họ. Trước đây, Hòa ở trọ cùng các bạn nhưng từ khi biến cố lớn xảy ra, gia đình không yên tâm để Hòa ở bên ngoài, nên cô gái chuyển đến nhà người thân ở cho mọi người yên lòng.

Thấy Hòa tập tễnh lấy nước mời tôi, tôi ngỏ ý làm phụ nhưng cô gái kiên quyết từ chối. Dù chậm, Hòa cũng muốn bản thân tự xoay sở làm những việc nhẹ nhàng, không muốn bản thân chỉ ngồi một chỗ. Hòa nói: “Hiện, sức khỏe tôi đã hồi phục, đang tự tập vận động tại nhà, không còn phải điều trị hóa chất”.

Căn bệnh quái ác cướp đi tương lai tươi đẹp

Để giữ được lại chân và bước từng bước chậm rãi, tập tễnh như hiện nay, Hòa đã phải trải qua quá trình vật lộn với căn bệnh ung thư xương đầy căm go, khổ ải.

Khi đang là sinh viên năm cuối của khoa Tài chính kế toán, học viện Bưu chính Viễn thông, chỉ còn cách tấm bằng tốt nghiệp một cuộc thi chứng chỉ tiếng Anh đầu ra và lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, thì những cơn đau buốt bên đùi phải ập đến. Sau khi làm một loạt xét nghiệm, chiếu chụp, bác sĩ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bên chân phải của Hoà có một khối u cần phải phẫu thuật. Hòa đồng ý ngay, nghĩ có lẽ chỉ mắc bệnh nhẹ, mổ một lần là xong.

img

Lê Thị Hòa (ở giữa) - nữ sinh năm cuối phát hiện mắc bệnh ung thư xương.

Tuy nhiên, sau ca mổ, bác sĩ gọi người nhà vào trao đổi, Hòa không biết bác sĩ nói gì với gia đình mà sau đó Hòa được thông báo sẽ chuyển tới bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Hòa vô tư, không chút nghi ngờ vì nghĩ rằng bệnh mình đang khỏi: "Chắc họ chuyển mình tới bệnh viện đó để điều trị thêm cho yên tâm". Thế nhưng, khi người chị gái ngồi lại tâm sự với Hòa: “Có khả năng em sẽ phải tháo khớp. Tháo khớp em vẫn có thể lấy chồng, sinh con bình thường”. Câu nói đó của chị gái khiến Hòa sững lại, cô gái ngầm đoán được có điều gì chẳng lành, tháo khớp nghiêm trọng chứ không hề đơn giản.

Lo xong nhập viện ở bệnh viện mới cho con gái, người bố trở về quê lo tiền viện phí, chỉ còn mẹ ở lại chăm sóc. Gia đình giấu Hòa mắc bệnh ung thư xương, thế nhưng, Hòa vô tình nghe được cuộc gọi của người thân gọi hỏi thăm. Một loạt các câu hỏi dồn dập "tại sao lại như thế", "kết quả có chính xác không", "còn trẻ như vậy mà đã bị ác tính"... ập vào tai khiến Hòa bàng hoàng.

Hơn một năm chiến đấu với căn bệnh quái ác, đã có lúc Hòa muốn buông xuôi. “Sau đợt hóa trị lần 3, tôi lại lên cơn sốt giảm bạch cầu đến xây xẩm mặt mũi, kiên quyết không đến bệnh viện. Tôi ghé vào tai mẹ: “Con mệt mỏi lắm rồi. Con xin mẹ cho con được dừng lại”. Mẹ tôi khóc, khóc nhiều lắm. Đó là lần duy nhất mà tôi muốn buông xuôi, mặc kệ số phận”.

Suy nghĩ tích cực cứu vớt cuộc đời

Dù phải nghe những lời động viên đau lòng, phải chứng kiến sự ra đi của mọi người cùng trong phòng điều trị nhưng cô gái vẫn như đóa hướng dương vượt qua những lời nói tiêu cực, tìm đến những suy nghĩ tích cực, hướng tới tương lai tươi đẹp phía trước.

img

Bước đi đầu tiên sau hơn một năm Hòa ngồi xe lăn.

“Đã có những lúc tôi oán hận, tại sao lại mắc ung thư, tại sao tôi có ý thức tự bươn chải qua bao nghề kiếm thêm tiền lo ăn ở, chi phí học tập để bố mẹ nhẹ gánh, tại sao tôi cố gắng như vậy mà giờ phải chịu cảnh này? Tại sao số phận lại giáng tai họa khi tôi đang phơi phới tương lai? Nhưng sau đó, tôi nghĩ, 23 năm mình đã cố gắng tại sao mình không cố gắng hơn. Tôi cứ tự động viên chính mình như vậy. Đến bây giờ, gia đình cũng chưa một lần nào dám đối diện với tôi và động viên tôi”, giọt lệ lăn dài trên đôi má Hòa khi kể với PV ĐS&PL.

Bằng tinh thần thép cùng những suy nghĩ tích cực, Hòa đã thành công trong những lần hóa trị và tiến tới phẫu thuật thay xương đùi. “Ngày 2/3/2020, PGS Trần Trung Dũng cùng với ê-kíp bệnh viện K Tân Triều, bệnh viện Đại học Y Hà Nội và bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi bên phải cho tôi. Ca mổ đã được thực hiện trong vòng 3 tiếng đồng hồ, toàn bộ xương đùi ung thư đã được lấy ra để thay xương đùi bằng dụng cụ kim loại. Đồng thời thay khớp háng và khớp gối toàn phần và khâu phục hồi lại các điểm bám gân cơ”, Hòa chia sẻ.

"Tôi vẫn nhớ lời bác sĩ Phạm Sơn Tùng - thành viên nhóm phẫu thuật nói khi xuống tái khám và tập đi cho tôi: “Rất đáng nể cô gái nhỏ luôn giữ tinh thần tích cực, kiên cường theo phác đồ điều trị đến cùng. Ngoài sự nỗ lực của đội ngũ bác sĩ thì tinh thần của em đã cứu đôi chân, cuộc sống sau này của em đó"

Hòa kể lại

Cô gái trẻ chia sẻ những ngày tháng ở bệnh viện đã không còn sợ, bởi cô có một nhóm bạn (các em nhỏ cùng phòng) cùng nhau động viên cố gắng, cùng nhau tâm sự những điều mà ngay cả người thân gia đình cũng không dám nói, cùng nhau kể về ước mơ, cùng nhau vạch ra dự định làm gì sau khi ra viện… “Nhóm bạn đó giờ chỉ còn lại một mình tôi. Giờ tôi sẽ sống cho cả phần của các em”, Hòa buồn rầu nói.

Những chia ly đớn đau vì bệnh tật

Quãng thời gian điều trị ung thư cũng để lại cho cô gái những kỷ niệm khó quên. Cả nhóm thèm có một nồi lẩu, giấu phụ huynh, bác sĩ chui xuống gầm giường bệnh ngồi xì xụp với nhau. Lời hứa chữa khỏi bệnh, cả nhóm sẽ tổ chức một chuyến đi biển cứ lần nữa mãi, giờ thì cũng không thể đông đủ vì có người đã vĩnh viễn ra đi. Mỗi khi nhớ lại Hòa lại rưng rưng nước mắt cho nỗi buồn “hội ngộ và chia ly” bên giường bệnh của những người “chờ chết vì ung thư”.

img

Ra viện, Hòa mở cửa hàng bán thực phẩm trực tuyến, thức ăn do chính cô tự tay chế biến và lựa chọn, vừa để có việc làm, vừa để kiếm thêm thu nhập. Hòa cũng muốn mang lại thực phẩm sạch và an toàn cho mọi người sau khi trải qua những biến cố về sức khỏe. Cô cười, bảo: "Nếu không mắc bệnh, chưa chắc tôi nghĩ tới việc bán thực phẩm sạch".

Hòa trích một khoản tiền lời từ việc bán hàng lập một quỹ hỗ trợ bệnh nhi ung thư. Cô gái cũng vừa thực hiện chương trình phát quà cho các bé, dù món quà không có giá trị cao về kinh tế nhưng giá trị tinh thần lại không gì sánh bằng.

Sau ca phẫu thuật, Hòa được đặt biệt danh là "iron woman" vì cô là người Việt Nam đầu tiên có xương đùi kim loại. Vì vậy, Hòa luôn chọn thái độ tích cực nhất để tiếp tục sống, không quên truyền lửa, đồng hành cùng các bệnh nhân khác vượt qua bạo bệnh.

P.L

img