Gary Heidnik.
Gary Heidnik sinh năm 1943 ở bang Ohio, Mỹ, với cuộc sống khó khăn từ thuở bé. Hắn trải qua tuổi thơ bị chính cha đẻ ngược đãi và lạm dụng. Những bất hạnh tiếp tục kéo dài đến trung học, nơi hắn bị bạn bè, những người xung quanh cô lập. Heidnik gia nhập quân đội nhưng sớm giải ngũ sau 13 tháng vì các vấn đề sức khỏe tâm thần (rối loạn nhân cách phân liệt). Heidnik trở thành một y tá trước khi lợi dụng vỏ bọc tôn giáo để thực hiện hành vi tội ác.
Gary Heidnik thành lập cái gọi là Giáo hội Thống nhất các Cận thần Đức Chúa Trời vào năm 1971 tại Philadelphia với chỉ năm tín đồ và khoản đầu tư 1.500 USD, nhưng sớm gây được tiếng vang. Hắn đã quyên góp được hơn 500.000 USD từ sự sùng bái dành cho mình. Với quyền lực, tiền bạc trong tay, Heidnik học cách thao túng mọi người và sử dụng kỹ năng này để bắt những phụ nữ nhốt trong tầng hầm của mình.
Vào năm 1986, Gary Heidnik bắt cóc người phụ nữ đầu tiên là Josefina Rivera. Từ một nạn nhân ban đầu, Heidnik đã đe dọa, ép buộc Rivera trở thành đồng phạm, bất chấp việc hắn đã hành xử tàn bạo với cô gái này như thế nào.
Giống như tất cả những phụ nữ mà Heidnik nhắm tới, Rivera hành nghề gái bán hoa, bị dụ vào nhà bằng lời hứa hẹn đổi tiền lấy tình dục. Trong lúc Rivera đang mặc lại quần áo, Heidnik từ phía sau đánh cô bất tỉnh. Sau đó, hắn kéo xuống tầng hầm, trói chân tay nạn nhân lại bằng dây xích và niêm phong các ốc vít bằng keo siêu dính.
Gary Heidnik sau đó dùng gậy đánh Rivera cho đến khi cô ngừng la hét kêu cứu. Sau cùng, hắn ném cô vào một cái hố, che phủ lại bằng lớp ván gỗ, chỉ có vài khe hở nhỏ để lọt ánh sáng. Heidnik bắt cóc thêm năm người phụ nữ khác chỉ trong vòng ba tháng, tất cả đều theo cách tương tự khi bắt Rivera. Họ bị giam bên trong hố và chỉ được kéo ra ngoài để hãm hiếp hoặc tra tấn.
Không thể trốn thoát, Rivera buộc phải bám víu vào chính kẻ hành hạ mình. Rivera trở thành trợ thủ bất đắc dĩ cho kẻ bệnh hoạn. Để làm trò tiêu khiển, Heidnik ra lệnh cho các cô gái đánh nhau và Rivera sẽ tra tấn những cô gái chống đối. Nếu Rivera nghe lời, hắn sẽ thưởng cho cô sô cô la nóng và xúc xích, đồng thời cho phép cô ngủ bên ngoài cái hố. Nhưng hắn cũng đe dọa nếu không vâng lời, cô có thể mất tất cả các đặc quyền của mình.
Khi một trong những người phụ nữ không làm hài lòng, Heidnik sẽ trừng phạt họ bằng cách bỏ đói, đánh đập và tra tấn. Bằng những cách thức tra tấn bệnh hoạn, có người phụ nữ đã chết vì điện giật. Nhưng cái chết khủng khiếp nhất trong tầng hầm đến từ cô gái xấu số Sandra Lindsay, một người phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ mà Gary Heidnik dụ dỗ ngay sau Rivera.
Lindsay không thể chịu đựng được sự lạm dụng như những người khác, vì vậy Gary Heidnik bỏ đói cô trong nhiều ngày. Đến khi Heidnik mang thức ăn đến và cởi xích, cô gái ngã gục xuống đất, tắc thở từ lâu. Những người phụ nữ khác cũng chỉ được phép hoảng sợ trong giây lát. Khi họ bắt đầu la hét, Heidnik đã đe dọa họ im lặng “nếu không muốn bản thân sẽ là người chết tiếp theo”.
Sau đó hắn kéo xác Lindsay lên lầu và phân thành nhiều mảnh, đốt xác để thủ tiêu. Những lời phàn nàn của hàng xóm về mùi hôi đã khiến cảnh sát đến gõ cửa hỏi thăm nhưng hắn khẳng định mình chỉ sơ ý làm cháy một miếng thịt trên bếp.
Rivera trong cuộc phỏng vấn năm 1990.
Cuối cùng, chính Rivera là người đã cứu được tất cả các cô gái trong căn hầm ác mộng. Tin tưởng vào lòng trung thành của Rivera, Heidnik đã sử dụng cô làm mồi nhử để bắt thêm nhiều phụ nữ khác. Hắn cho phép cô ra thế giới bên ngoài để giúp hắn đón những người phụ nữ khác và dụ họ vào nhà.
Vào ngày 24/3/1987, sau khi giúp Heidnik bắt cóc nạn nhân thứ bảy, cô đã thuyết phục được hắn ra ngoài một vài phút để có thể gặp gia đình. Heidnik đợi ở trạm xăng cho đến khi Rivera quay lại.
Rivera đi vào một góc khuất để tránh tầm nhìn, rồi chạy đến bốt điện thoại gần nhất để gọi số điện thoại khẩn cấp 911. Nhận được tin báo, cảnh sát đã nhanh chóng bắt Gary Heidnik ngay tại trạm xăng và sau đó đột kích vào ngôi nhà kinh hoàng. Sau bốn tháng bị giam cầm và tra tấn, những người phụ nữ cuối cùng đã được tự do.
Ngôi nhà nơi Gary Heidnik giam giữ các nạn nhân.
Bất chấp nỗ lực tự bảo vệ mình khỏi cáo buộc, Gary Heidnik bị tuyên có tội vào tháng 7/1988 và bị kết án tử hình. Hắn đã cố gắng tự sát vào nửa năm sau đó nhưng không thành. Gia đình Heidnik cũng đã nỗ lực giúp hắn thoát khỏi án tử hình vào năm 1997, nhưng tất cả đều vô ích. Cuối cùng, vào ngày 6/7/1999, Heidnik bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc và trở thành người cuối cùng bị xử tử ở Pennsylvania.Một thập kỷ trước đó, khi vẫn còn trong tù, Heidnik đã trở thành một biểu tượng khét tiếng trong văn hóa đại chúng khi trở thành cảm hứng cho nhân vật kẻ sát nhân Buffalo Bill trong bộ phim điện ảnh “Sự im lặng của bầy cừu”. Ngôi nhà kinh hoàng và phương thức giam giữ phụ nữ trong tầng hầm của nhân vật Buffalo Bill gợi nhớ đến tội ác của Heidnik.
Dù là một tên sát nhân biến thái, vẫn có rất nhiều tín đồ sùng bái Heidnik. Ngay cả sau khi bị bắt, những tín đồ trong giáo phái của Heidnik vẫn tiếp tục sinh hoạt ở nhà thờ vào mỗi cuối tuần. Ít nhất cũng có một tín đồ từng biết và giúp đỡ hắn trong quá trình phát sinh tội ác. Đó là người đàn ông có tên Tony Brown, người đã giúp Heidnik tra tấn phụ nữ. Brown tự coi mình là bạn thân nhất của Gary Heidnik và cũng có mặt ở tầng hầm khi Heidnik bỏ đói Lindsay cũng như khi thủ tiêu xác của nạn nhân này.
Tuy nhiên, Brown vốn là người thiểu năng trí tuệ và là nạn nhân bị thao túng của Heidnik. Hầu hết những người bị kẻ sát nhân này kiểm soát bằng tôn giáo đều có khuôn mẫu chung là nghèo, chậm phát triển và da đen. Theo những người hàng xóm của Heidnik, các thành viên trong giáo phái của hắn cũng phù hợp với mô tả này, dù đông người tham gia nhưng chủ yếu họ là người vấn đề về trí tuệ.
Gary Heidnik không chỉ là một kẻ tàn bạo, táo tợn, sẵn sàng tra tấn, giết người, đày đọa thi thể phụ nữ trong căn hầm, điều đáng sợ ở đây là hắn đã tạo ra hẳn một giáo phái để biến tín đồ của mình trở thành trợ thủ đắc lực – điều chưa từng có đối với bất kỳ tên giết người nào trong lịch sử.
Tên sát nhân bệnh hoạn Buffalo Bill trong bộ phim “Sự im lặng của bầy cừu” (1991) là nhân vật phản diện ấn tượng nhất bên cạnh nhân vật bác sĩ Hannibal Lecter. Bộ phim đoạt 5 giải Oscar quan trọng nhất, bao gồm hạng mục Phim hay nhất.
M.K