Ghi nhầm hóa đơn gấp hàng chục lần, từ chức vì một lần cúp điện

Một sự mất tín, vạn sự mất tin. Chữ tín bởi vậy mà nhiều khi được các doanh nghiệp, các công ty thậm chí coi trọng và gìn giữ hơn... vàng. Có khi chỉ vì một sơ sẩy làm lung lay chữ tín mà sụp đổ cả một "đế chế" kinh doanh, hay một công ty đang làm ăn phát đạt. Ở phạm vi hẹp hơn, mất chữ tín với một người đôi khi là đánh mất luôn cả tương lai.

img

Ấy vậy nhưng sự thực lạ đời, một ngành lớn như ngành điện, không ít lần để xảy ra sự cố trong việc ghi công tơ điện khiến người tiêu dùng phải giật mình thảng thốt,. Vậy mà nó vẫn "quá tam ba bận" mới tài.

Thông tin một khách hàng tên T.V.D (Đồng Hới, Quảng Trị) nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 có số tiền tới 50 triệu đồng do nhân viên điện lực ghi nhầm chỉ số công tơ khiến dư luận không khỏi sốc. Chỉ vì một cú nhầm nhọt mà chỉ số tiêu thụ điện ở công tơ cao gấp 33 lần chỉ số tiêu thụ thực.

Khi cả khổ chủ và dư luận còn chưa hết choáng váng vì sự cố này thì hôm 21/6 một vụ việc tương tự lại xảy ra khi gia đình bà Đào Thị Gái, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh bất ngờ nhận được thông báo điện năng tiêu thụ tháng 6/2020 của gia đình là 27.000 kWh với tổng số tiền phải thanh toán là 89.350.496 đồng. Quá choáng váng vì hóa đơn tiền điện “trên trời”, gia đình kiến nghị kiểm tra lại. Một lần nữa, thông tin sốc lại được điện lực đưa ra: Do sai sót, số tiền ghi trong hóa đơn tiền điện tháng 6 của nhà bà Gái đã được “thổi” tăng vọt từ 6 con số lên thành 8 con số.

Tất nhiên, sau đó điện lực đã xin lỗi khách hàng đồng thời tạm đình chỉ công tác một số lãnh đạo điện lực ở khu vực xảy ra vụ việc. Tập đoàn điện lực cũng triển khai việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề.

Tuy nhiên, điều này sao có thể xóa bỏ được những hoài nghi.

Tại sao cầm một hóa đơn với một chỉ số bất thường đến vô lý như vậy mà nhân viên ngành điện vẫn im lặng cho tận đến khi khách hàng lên tiếng... "kêu oan"? Tại sao sai sót cứ nối tiếp sai sót? Và có bao nhiêu những sự cố tương tự nhưng khách hàng không nhận ra để "kiện"? Hay là họ sợ "con kiến kiện củ khoai"?

Và giải thích của EVN về “độ chính xác” của các công tơ điện khi được kiểm định đều đặn, được thay thế định kỳ hay việc các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ đạt tiêu chuẩn... đã không còn làm yên lòng những người bức xúc phản ánh về việc tiền điện phải thanh toán tăng đột biến?

Dẫu biết, một mất là mười ngờ, tuy nhiên sự nghi ngờ của khách hàng cũng là điều dễ hiểu.

Vấn đề lớn hơn từ câu chuyện này không chỉ là việc sai thì sửa, sai thì xin lỗi, đình chỉ cán bộ… mà còn phải làm sao lấy lại được niềm tin từ người tiêu dùng, khi họ đã mất niềm tin từ bấy lâu bởi sự thiếu công khai minh bạch.

Thực tế, nếu xét về số tiền điện trung bình phải trả hàng tháng, người dân ở các nước phải móc hầu bao lượng tiền không thấp hơn người Việt. Chẳng hạn, trung bình người Mỹ trả khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Con số này của người Đức là 2,3 triệu đồng/tháng và người Anh là 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những bức xúc nghi ngờ về giá điện vẫn âm ỉ đầy khó chịu. Phải chăng điều này cũng đến từ chính sự đánh mất lòng tin của người tiêu dùng với ngành hàng tiêu thụ đặc biệt này.

Điện là ngành thiết yếu liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của từng người dân, nên ở mọi nước ngành này đều được đặc biệt coi trọng và bởi vậy người trong ngành luôn phải đề cao chữ tín.

Hàn Quốc là một ví dụ. Để xảy ra một vụ mất điện kéo dài hơn 1 giờ, khiến 2,1 triệu hộ gia đình và nhiều cơ sở kinh doanh khác bị ảnh hưởng, hồi năm 2011, Bộ trưởng Kinh tế và tri thức Choi Joong Kyung, phụ trách vấn đề năng lượng của Hàn Quốc, đã đệ đơn từ chức.

Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Lee Myung Bak đã rất tiếc khi Bộ trưởng Choi phải "nhận trách nhiệm về đạo đức người đứng đầu" dù ông không liên quan trực tiếp đến sự cố lần này. Hành động kiên quyết của người đứng đầu ngành điện nước này khi đó dẫu không làm thay đổi được “việc đã rồi” nhưng thể hiện quyết tâm giữ uy tín lớn cho ngành điện ở xứ sở kim chi. "Trông người mà ngẫm đến ta", đó là cảm giác như nuốt một cục nghẹn...

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img