img

Ghi tên "người yêu" vào xác nhận độc thân: Quản việc riêng tư của người dân làm gì?

Hương Lan- Đỗ Chang

Theo tìm hiểu của PV, nhiều nước trên thế giới yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận độc thân, tuy nhiên cũng vì tính rườm rà, mất thời gian của thủ tục, nhiều quốc gia đã loại bỏ giấy tờ xác nhận tình trạng độc thân ra khỏi quy trình. Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Thất, nguyên Vụ trưởng vụ Hành chính Tư pháp (bộ Tư pháp).

Vì sao phải ghi tên người dự định cưới vào giấy xác nhận tình trạng độc thân?

PV: Theo thông tư mới, giấy xác nhận tình trạng độc thân phải ghi tên người “dự định kết hôn”, ông nhận sao về quy định này?

TS.Trần Thất: Theo quan điểm của tôi, quy định ghi người dự định kết hôn sẽ dẫn đến nhiều trường hợp “dở khóc dở cười”. Những người xây dựng luật cần đột phá tư duy, đừng lúc nào cũng lo người dân làm sai, làm bậy rồi xây dựng các rào cản vô lý.

img

Theo thông tư mới, giấy xác nhận tình trạng độc thân phải ghi tên người dự định cưới (Ảnh minh họa)

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang tiến tới quản lý công dân bằng mã số định danh vì vậy việc xác định tình trạng độc thân là không cần thiết, chẳng khác gì “giấy phép con”. Ông có đồng tình với quan điểm này?

TS.Trần Thất: Nếu quản lý công dân bằng mã số định danh sẽ có nhiều thủ tục hành chính cần xóa bỏ! Thời gian qua, chúng ta hô hào đẩy mạnh đơn giản thủ tục hành chính, tiến tới loại bỏ những thủ tục rườm rà nhưng khi xác nhận tình trạng độc thân lại “đẻ thêm” quy định ghi tên người dự định kết hôn là không cần thiết, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thông tin cá nhân. Đó là chuyện tình cảm cá nhân riêng tư của mỗi người, Nhà nước quản việc đó làm gì? Theo tôi, không nên “đẻ” ra những quy định quá tỉ mỉ, trong khi đó cuộc sống người dân lại không “sách vở” như người làm luật nghĩ.

Trước đây, khi đang còn công tác, tôi cũng từng đề xuất bỏ quy định xác định tình trạng độc thân nhưng nhiều ý kiến không đồng tình. Ông cha ta vẫn thường nói, chuyện lấy vợ gả chồng là chuyện trăm năm, chuyện hệ trọng nhất trong cuộc đời mỗi người nên khi yêu nhau, họ tìm hiểu rất kỹ về đối phương và tuân thủ quy định của pháp luật. Thực tế, chỉ rất ít trường hợp vi phạm quy định một vợ một chồng và nếu họ vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trước đây, thủ tục rất đơn giản nhưng không xảy ra vấn đề gì. Tôi rất đồng tình với quan điểm của một chuyên gia, hà cớ gì vì một vài người “nhức đầu sổ mũi” lại bắt cả nước uống thuốc cảm?

PV: Thực tế, nhiều nước trên thế giới bãi bỏ chứng nhận tình trạng độc thân vì cho rằng rườm rà, mất thời gian trong khi đó chúng ta lại quy định bắt buộc ghi tên người dự định kết hôn. Xem ra, thông tư trên đang tụt hậu so với thực tiễn, thưa ông?

TS.Trần Thất: Chúng ta đang tư duy một nền hành chính quản lý thay vì phải hiểu đúng là nền hành chính công vụ, phục vụ người dân. Nếu chúng ta chỉ ngồi trong phòng lạnh để quản lý hàng chục triệu người dân trên giấy tờ sẽ sản sinh ra những thủ tục cực kỳ phức tạp và đòi hỏi cái nọ, cái kia. Tất cả những quy định, thủ tục phải tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh... chứ không phải nghĩ cách làm thế nào để kiểm soát người dân và những quy định sẽ ngày càng đi vào ngõ cụt.

Người dân khai sai, làm sai thì người dân phải chịu trách nhiệm và cần phải xử lý nghiêm. Chúng ta có biết bao đạo luật quy định trách nhiệm của mỗi công dân và người dân phải sống thượng tôn pháp luật. Pháp luật là cả hệ thống chứ không chỉ có 1 thông tư vì vậy cần phải xóa bỏ những quy định rườm rà, nhiêu khê làm khó người dân. Những người xây dựng luật đôi khi tư duy về mặt lý thuyết nhưng khi đưa quy định, áp vào thực tế lại rất phản cảm, không phù hợp.

Thiếu khoa học, rườm rà và gây hệ lụy xấu!

PV: Báo chí từng đưa tin về một trường hợp ở TP.HCM, năm 2008 mua nhà đã xác định tình trạng độc thân. 10 năm sau, anh này muốn bán nhà và người vợ đã xác nhận tài sản có trước hôn nhân nhưng vẫn phải xác nhận tình trạng độc thân tại thời điểm đó. Ông có đánh giá gì về trường hợp cụ thể này, phải chăng thủ tục quá nhiêu khê?

TS. Trần Thất: Theo quan điểm của tôi, công chứng như hiện nay còn rườm rà hơn cơ quan hành chính Nhà nước. Trong khi đó, công chứng là tổ chức dịch vụ pháp lý. Từ thủ tục hành chính Nhà nước thành dịch vụ pháp lý xã hội, nguyên tắc là khi làm công chứng viên thì phải tự đi xác minh các thông tin của các bên hợp đồng (bởi luật cho phép họ được hưởng các tiền thù lao và các khoản khác-PV) nhưng họ lại cứ ngồi tại phòng lạnh yêu cầu người ta phải xuất trình các giấy tờ vớ vẩn. Bản thân tôi đi làm cũng đã gặp trường hợp tương tự và người dân thấy bất bình về những thủ tục này cũng là điều dễ hiểu.

img

Nhiều ý kiến cho rằng, giấy xác nhận tình trạng độc thân quy định ghi tên người dự định kết hôn là không cần thiết (ảnh minh họa)

Người làm luật, khi xây dựng luật tư duy theo đường thẳng nhưng khi vận dụng, ai dám chắc không có sự tiêu cực, vòi vĩnh, “đẻ” ra những tình huống “dở khóc, dở cười”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo một chuyên gia pháp lý, hiện nay, ngành công an đang triển khai cấp thẻ căn cước công dân cho người dân và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do đó quy định về giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ không còn cần thiết, nên sớm loại bỏ.

H.L-Đ.C

img