Giá của yêu thương

Giá trị của tình yêu nằm ở chính nó chứ không phải ở kết quả. Ta yêu một người, thương một người chỉ vì đó là điều ta muốn, không phải là việc nó sẽ đưa ta đến đâu. Trên chuyến tàu yêu thương ấy, chẳng có tiêu chuẩn đo lường hạnh phúc. Vì… mỗi chúng ta sẽ có tiêu chuẩn của riêng mình.

img

Tinh Tinh và cha nuôi của mình Tiêu Sung Dương khi cô đón ông từ Hồ Bắc lên Thượng Hải để chăm sóc. Ảnh: Sina.

Với nguyên thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, hạnh phúc lớn nhất từ khi nghỉ hưu là được ở cùng mẹ, hàng ngày tự tay tắm rửa, cơm nước cho mẹ. "Người mẹ nào cũng vĩ đại. Song với gia đình chúng tôi, nay đã 5 thế hệ, mẹ tôi quả thực vô cùng vĩ đại". Đó là những lời đầy yêu thương khi ông Bin nói về mẹ. Ông Nguyễn Đình Bin nguyên là Thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Nicaragua, Pháp và nổi tiếng nhất với biệt danh "con nuôi Chủ tịch Fidel Castro"... Mẹ của ông là cụ Nguyễn Thị Quý, nay đã 100 tuổi. Với ông Bin, những năm tháng lớn lên cùng sự nhọc nhằn, bươn trải của mẹ đã để lại những dấu ấn không bao giờ phai mờ. Ông yêu mẹ vì những giọt mồ hôi đã rơi xuống, vì những gánh hàng nhọc nhằn trên đôi vai, vì những tay những tay sàng, tay sẩy. Mẹ cho ông hình hài, cho ông tương lai tươi sáng và cho Việt Nam một nhà ngoại giao nổi bật. Tất cả những thứ ấy đến từ yêu thương.

Tại Trung Quốc, đạo hiếu, yêu thương đã vẽ nên bức tranh đẹp về hạnh phúc. Với Tinh Tinh, hạnh phúc là được chăm sóc người cha nuôi bệnh tật. Cách đây 24 năm, vợ chồng anh Tiêu Sung Dương (Hồ Bắc) nghe thấy tiếng khóc yếu ớt của trẻ sơ sinh tại góc tường bệnh viện và mang cô bé về nhà nuôi. Cuộc sống khốn khó chưa bao giờ khiến tình yêu dành cho Tinh Tinh vơi cạn. Với họ, Tinh Tinh là cả thế giới. Nghèo nhưng anh Sương luôn gắng sức đi làm để Tinh Tinh được đến trường. Với mong muốn con gái có cuộc sống tốt hơn, người đàn ông ấy chưa từ chối bất cứ việc gì, từ công việc trong nhà xưởng đến vác bình gas. Khi anh Dương phát hiện bị bệnh ung thư cũng là lúc Tinh Tinh nhận được học bổng du học và trước đó, bố mẹ ruột giàu có tìm đến cô để nối lại quan hệ. Tinh Tinh từ chối tất cả, cô chỉ có một ông bố và một người mẹ, đó là Tiêu Sung Dương và Kỳ Xuân Lan. Bố bị bệnh, cô không cần bất cứ điều gì khác ngoài việc được ở bên và chăm sóc cho ông.  

Cái học quan trọng nhất chính là học làm người. Học để sống xứng đáng với cụm từ ấy. Yêu thương chính là cách nâng con người thoát khỏi sự tầm thường.

Chị Vương Kim Long cũng vì yêu thương mà trở thành tấm gương sống đẹp. Ở đâu đó có cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu nhưng ở gia đình chị Vương Kim Long và anh Hoàng Nhân tại quận 11, TP.HCM chỉ có những người phụ nữ yêu thương nhau, chỉ có đạo hiếu.

Biết mẹ chồng bị ung thư từ khi còn yêu nhưng chị Long vẫn quyết lấy anh Nhân để được chăm sóc mẹ, thậm chí chị bán đất để có tiền cứu mẹ. Bữa ăn giấc ngủ của mẹ một tay chị chăm sóc. Những nghĩa cử đong đầy yêu thương ấy đã giúp chị nhận được tình cảm, sự ngưỡng mộ đối với bao người.

Cuộc sống không bao giờ là bế tắc. Điều quan trọng là ta có dũng cảm, kiên cường để vượt qua tham sân si hay không. Chỉ có dũng cảm vượt qua, ta mới yêu thương đúng cách.

Một chàng trai ở Trung Quốc đã yêu, yêu rất nhiều, nhưng không đúng cách nên đã phải nhận phạt. Ai yêu chẳng ghen, chẳng muốn người yêu là của riêng mình, một ánh mắt khác cũng khiến ta không vui, thậm chí nổi giận. Thế nên, anh Tiểu Nghị đã nổi đoá khi vợ mặc váy ngắn đi làm. Trong cơn nóng giận, anh đã lăng mạ vợ và Cầm Cầm giữ im lặng trong vài ngày. Không chịu nổi chiến tranh lạnh, anh gọi điện báo cảnh sát mình đã giết người và cầu xin được bị bắt. Đương nhiên, cảnh sát ngay lập tức nhận ra sự bất thường ở “kẻ giết người” này. Sự việc được sáng tỏ, Tiểu Nghị bị phạt hành chính và được vợ đưa về nhà.

Ta không thể làm sống lại người đã chết bằng nước mắt. Vì vậy, hãy trân trọng những điều đang có!

Lê Anh

img