img

Gia Lai: Dân ồ ạt khai thác cây trắc quý hiếm mang bán, cơ quan chức năng "lực bất tòng tâm"

HỒ NAM

Gỗ trắc là gỗ nhóm 1 thuộc loại quý hiếm, có giá trị đắt đỏ trên thị trường, được thương lái lùng sục thu mua. Chính vì vậy, tại khu vực huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đang diễn ra thực trạng đáng báo động, người dân ồ ạt đào loại cây quý hiếm này bán cho thương lái.

Bứng tận gốc, bán tận ngọn

img

Phản ánh với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, 1 người dân ngụ xã Hà Tây, huyện Chư Păh cho biết, tại khu vực xã Hà Tây, những ngày gần đây, người dân địa phương ồ ạt kéo nhau lên rẫy đào cây gỗ trắc quý hiếm bán cho thương lái. Việc làm này khiến quần thể trắc có nguồn gene gỗ quý hiếm ngày càng cạn kiệt dần, có nguy cơ bị xóa sổ khỏi địa phương. Bên cạnh đó, nhiều kẻ xấu cũng lợi dụng điều này trà trộn vào người dân địa phương, thực hiện việc khai thác gỗ trái phép, khiến chính quyền địa phương khó có thể kiểm soát được.

Ngay sau khi nhận thông tin, ngày 6/8, PV có mặt tại xã Hà Tây để ghi nhận thông tin. Tại đây, PV men theo con đường đất nhằm hướng rừng thẳng tiến. Đi được khoảng 5 km dễ dàng phát hiện vị trí đầu tiên nơi người dân đào cây trắc để bán. Vị trí này nằm ngay trên đường đi. Nhiều cây trắc đường kính 25-30 cm, cành ngọn được tỉa gọn gàng. Bên dưới, xung quanh gốc bị đào thành hố sâu, toàn bộ rễ đã bị cắt đứt. Phần gốc nối liền thân cây được bứng lên cho vào bầu và bọc lại bằng thép b40 một cánh gọn gàng. Cũng tại vị trí này, nhiều cây trắc cùng kích thước khác cũng được bứng lên, chỉ chờ thương lái đến chở đi.

Từ vị trí này, PV đi thêm khoảng 1km tiếp tục phát hiện thêm một vị trí mới. Tại đây, theo ghi nhận của PV, có vài chục cây trắc đã được bứng vào trong bầu nằm sát nhau. Những cây trắc này mới được người dân đào gốc khoảng 1 đến 2 ngày trước. Bởi tại vị trí các gốc cây phần rễ mới bị cắt rời còn chảy nhựa tươi, những cành bị cắt bỏ lá còn xanh.

Trao đổi với PV, một cụ già người địa phương đang làm rẫy bên cạnh cho biết: "Khu vực này có rất nhiều cây gỗ trắc. Cây gỗ này không phải do người dân địa phương trồng mà nó mọc tự nhiên. Trong rừng và trong rẫy của người dân có rất nhiều. Mấy ngày vừa rồi đi làm rẫy, mình thấy người lạ đào cây. Rẫy của mình chỉ có cây mì (sắn - PV), mình lo làm mì thôi".

img

Hàng chục cây gỗ trắc quý hiếm, được người dân đào gốc bứng vào trong bầu chờ thương lái đến vận chuyển đi tiêu thụ.

Cơ quan chức năng bất lực?

Liên quan đến vấn đề này, ngày 6/8 PV tìm đến trụ sở UBND xã Hà Tây để nắm thêm thông tin. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây cho biết: "Trên địa bàn xã quản lý, lãnh đạo chưa xác nhận, giải quyết cho bất kỳ trường hợp cá nhân hay một đơn vị nào thực hiện việc di thực cây gỗ trắc quý hiếm, hay bất kỳ một loại cây nào khác đưa đi khỏi địa phương".

Theo ông Minh, nếu thuộc phạm vi đất rừng cấm khai thác dưới mọi hình thức. Còn thuộc phạm vi đất nông nghiệp người dân có nhu cầu khai thác cây, di thực cây để bán hay khai thác cây vì mục đích gì phải làm hồ sơ trình lên xã. Khi nhận được hồ sơ đề xuất của người dân xã sẽ cử cán bộ kiểm đến tận nơi kiểm tra, giám sát, bấm tọa độ xem vị trí đó có đúng là thuộc đất của người dân hay là đất rừng. Cây khai thác đó đường kính bao nhiêu, khối lượng bao nhiêu để có căn cứ quản lý giám sát.

img

Hàng chục cây gỗ trắc quý hiếm được bứng vào trong bầu chờ thương lái đến chở đi.

Lúc này, PV cung cấp cho ông Minh hình ảnh hành chục cây gỗ trắc quý hiếm được bứng sẵn vào bầu được tập kết phía trên đồi, chờ vận chuyển đi. Sau khi xem những hình ảnh PV cung cấp, ông Minh tỏ ra khá bất ngờ. Để có câu trả lời khách quan nhất cho PV, ông Minh gọi Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã Hà Tây đến cùng làm việc với PV. Trong cuộc trao đổi, ông Minh khẳng định: "Cho đến thời điểm này lãnh đạo xã chưa xác nhận cho bất kỳ 1 trường hợp nào thực hiện việc di thực cây. Ngay bây giờ, tôi sẽ cùng các lãnh đạo xã vào khu vực các anh cung cấp để kiểm tra". Chiều cùng ngày, sau khi vào hiện trường kiểm tra, ông Minh thông tin với PV: "Khu vực người dân di thực cây thuộc khoảnh 10, khoảnh 12, tiểu khu 188 đất nông nghiệp thuộc xã quản lý. Những cây người dân tiến hành cắt gốc bứng vào bầu đó là cây gỗ trắc. Quá trình thực hiện việc làm này, người dân không báo cáo với lãnh đạo xã. Hiện, Xã đang tiến hành xác minh đất của hộ dân nào và họ đã tiến hành việc đào cây gỗ trắc từ khi nào". Cũng theo ông Minh, người dân đào cây gỗ trắc nhằm mục đích thương mại. Những thương lái mua cây của người dân sẽ chở đi Quy Nhơn trồng tại các khu nghỉ dưỡng, bán cho các khu biệt thự nhà vườn. PV nêu ý kiến với ông Minh rằng, nhu cầu thị trường này là rất cao. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng khác cũng sẽ lên rừng lén lút đào trộm gỗ trắc quý hiếm rồi đem trà trộn vào nương rẫy của người dân, rất khó để phát hiện xử lý. "Vấn đề này, tôi xin tiếp thu ý kiến của các anh", ông Minh nói.
img

Những cành cây bị cắt bỏ còn rất mới, lá vẫn còn xanh cho thấy việc bứng cây chỉ mới diễn ra trong thời gian ngắn.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Dương Hoàng Nguyện, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: "Căn cứ theo Thông tư 27 của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cá nhân, doanh nghiệp tự lập bảng kê khai lâm sản mà không cần phải thông qua lực lượng kiểm lâm. Đặc biệt, những cây nằm trong nương rẫy của người dân thuộc tài sản của họ, lực lượng kiểm lâm không có thẩm quyền xử lý. Về vấn đề, những kẻ xấu lợi dụng điều này lên rừng đào trộm cây, về trà trộn vào rẫy của người dân, nhằm hợp thức hóa giấy tờ để vận chuyển đi, chi cục Kiểm lâm đã có văn bản chỉ đạo. Theo đó, lực lượng kiểm lâm ở các Hạt phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt quả tang hoặc có cơ sở căn cứ các đối tượng lén lút khai thác, đào trộm cây thuộc khu vực rừng thì mới xử lý được. Còn việc các đối tượng đào cây trà trộn vào rẫy của người dân, dù biết nhưng không có căn cứ thì không thể xử lý".

Trong khi đó, chính quyền địa phương dường như bất lực vì không kiểm soát được và không có chế tài mạnh để xử phạt răn đe. Như vậy, cơ quan nào có thẩm quyền để kiểm tra, giám sát ngăn chặn vấn nạn này?

Nếu thực trạng này kéo dài vì mục đích thương mại, người dân ồ ạt khai thác cây bán cho thương lái, sẽ khiến quần thể gỗ trắc có nguồn gen gỗ quý hiếm tại huyện Chư Păh ngày càng cạn kiệt, về lâu dài có nguy cơ bị xóa sổ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết: "Vấn đề này trong các cuộc họp tôi cũng đã có ý kiến chỉ đạo rất nhiều lần, yêu cầu các cơ quan có chức năng, thẩm quyền của huyện đặc biệt là hạt Kiểm lâm xử lý, ngăn chặn. Quả thật, nếu tình trạng này cứ kéo dài không kiểm soát được thì rất phức tạp. Tuy nhiên, phía đơn vị hạt Kiểm lâm lý giải vướng Thông tư 27/2020, rất khó trong công tác quản lý. Cụ thể như thế nào, PV cứ liên hệ với đơn vị Hạt kiểm lâm để nắm thêm".

Hồ Nam

img