Giả thiết về nguyên lý chế tạo nỏ thần của An Dương Vương

Tôi sử dụng các mũi tên mô phỏng từ các mũi tên đào được tại thành Cổ Loa, còn cấu trúc nỏ có một ống tre hệt như trong hình ảnh rước nỏ thần trước Cách mạng tháng Tám của người Cổ Loa xưa. Tôi cho rằng, đây chính là nguyên lý chế tạo nỏ thần của Cao Lỗ, rất mong bạn đọc gần xa cho ý kiến.

img

Gửi cơ quan chức năng!

Tôi là kỹ sư tên lửa, tốt nghiệp tại học viện kỹ thuật quân sự Brno (nước Tiệp Khắc cũ), hiện tại đang làm việc cho một trong những tập đoàn tên lửa lớn nhất châu Âu .

Là người Việt Nam, chắc ai cũng biết chuyện nỏ thần của An Dương Vương bắn một lúc nhiều mũi tên, là vũ khí vô cùng uy lực trong chiến tranh. Một tháng qua tôi đã nghiên cứu về cách làm nỏ bắn nhiều mũi tên cùng một lúc. Tôi sử dụng một ống tên bằng tre, bên trong đặt một miếng gỗ khoét lỗ để đặt các mũi tên nhỏ dài cỡ 11cm tương tự như mũi tên đồng đào ở thành Cổ Loa, được cho là có niên đại từ thời An Dương Vương. Trong ống tre có 6 mũi tên nhỏ; ống được đặt lên một cái nỏ có kích thước rãnh đủ to, vừa với ống tre. Sau đó tôi căng dây nỏ và phóng ống tre có các mũi tên nhỏ đã được gài sẵn.

Việc phóng ống tre tương tự như bắn đi một mũi tên to. Khi ống tre bay đến vị trí ở đầu nỏ sẽ có hai thanh hãm để “phanh” ống tre lại, còn 6 mũi tên thì theo quán tính bay về phía trước. Mũi tên bay ra khỏi ống nỏ tương tự như khi bạn đi xe máy tốc độ nhanh, bạn đâm phải chướng ngại vật khiến xe máy dừng lại còn người ngồi trên xe bay về phía trước.

Nghĩa là, các mũi tên bay ra phía trước theo quán tính, lực của dây cung không trực tiếp tác động vào từng mũi tên như cách bắn nỏ hoặc cung thông thường.

Các mũi tên được làm đúng như loại tên đồng thành Cổ Loa, trọng tâm dồn về đầu mũi để sau khi bay ra khỏi ống thì tên bay thẳng về phía trước và toả ra đều theo hình nón; năng lượng căng dây của nỏ được dồn nhiều và đều vào từng mũi tên so với cách bắn tên truyền thống. Tên bay ra khỏi nỏ theo quán tính và đã định hướng sẵn nên không mất năng lượng cho lực ma sát và lực tác dụng vào thân nỏ hoặc cung.

Theo tính toán của tôi thì nếu dùng cánh nỏ có lực căng 300 cân thì động năng dồn cho từng mũi tên trong ống đựng 6 tên sẽ lớn hơn cả năng lượng đầu nòng của súng lục 9mm và nhờ đó các mũi tên bay xa tới 420m. Nỏ càng lớn thì ống tên càng to và càng lắp được nhiều mũi tên; lực nỏ càng mạnh thì mũi tên càng bay xa. Bằng cách này thì có thể bắn được một số lượng mũi tên không hạn chế!

Thí nghiệm này đã được các đồng nghiệp của tôi tại tập đoàn tên lửa kiểm chứng cho thấy, có thể bắn đồng loạt 100 mũi tên từ một cây nỏ, tầm bay lên tới 780m và một mũi tên tương đương một viên đạn đủ sức tiêu diệt đối phương với khả năng xuyên táo. Nếu sử dụng nhiều nỏ kiểu này một lúc thì có thể bắn được một số lượng khổng lồ các mũi tên đồng tương tự như súng máy thời nay nên đó là một vũ khí vô cùng lợi hại khi chống lại một đội hình địch tập trung như ngày xưa.

Tôi sử dụng các mũi tên mô phỏng từ các mũi tên đào được tại thành Cổ Loa, còn cấu trúc nỏ có một ống tre hệt như trong hình ảnh rước nỏ thần trước Cách mạng tháng Tám của người Cổ Loa xưa. Tôi cho rằng, đây chính là nguyên lý chế tạo nỏ thần của Cao Lỗ, rất mong bạn đọc gần xa cho ý kiến. Cá nhân tôi đã chế tạo được vài cây nỏ và một loạt mũi tên đồng “Cổ Loa” và sẵn sàng bắn trình diễn vào bất cứ dịp nào phù hợp.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img