Giá trị thực của bút phê

Bút phê không phải một mệnh lệnh quyền lực mà nó là thước đo bản lĩnh người cán bộ.

img

Thật đáng ngạc nhiên khi nhiều người ra đến tòa rồi mới khai việc vi phạm pháp luật của mình chỉ vì có bút phê của lãnh đạo cấp trên mà không dám từ chối thực hiện. Có những người đã nhắm mắt ký bừa hoặc mắt nhắm mắt mở đặt chữ ký đáng giá ngàn vàng mà không cần nhìn nội dung văn bản chỉ vì có trát bút phê của lãnh đạo.

Có người ra tòa khai rằng, chỉ vì không muốn mất việc nên đã thực hiện theo bút phê của sếp mà không cần biết là bút phê đó đúng hay sai, có vi phạm pháp luật hay không. Cũng có người tặc lưỡi, vì mặc định bút phê là mệnh lệnh tuyệt đối.

Rất hiếm người thẳng thắn thừa nhận sai lầm và hạn chế của mình. Họ đã tự trói buộc mình thành nô lệ của bút phê.

Theo cách giải thích về mặt ngôn ngữ thông dụng thì “bút phê” của lãnh đạo là hướng xử lý văn bản, có thể là nêu cách giải quyết và đơn vị cấp dưới sẽ có trách nhiệm thực hiện.

Việc thực hiện bút phê của lãnh đạo đồng nghĩa người đó phải đọc và hiểu tường tận văn bản để hiểu được đúng những chỉ đạo của cấp trên. Trên thực tế, không có một mẫu số chung cho bút phê như một văn bản quy phạm pháp luật, bút phê cũng không có giá trị pháp lý. Luật Việt Nam hiện nay cũng không có quy định nào về bút phê.

Những dòng bút phê được ví như quyền lực ngầm, có khi biết là sai đấy, là vượt quyền đấy, là vi phạm pháp luật đấy, nhưng nếu từ chối thì ngay lập tức có thể không còn vị trí công việc nữa. Gánh nặng mưu sinh, cả gia đình ở trên vai, liêm sỉ có cũng tặc lưỡi làm theo mệnh lệnh.

Sự chỉ đạo, sức ép tinh thần, sức ép của bút phê là điều không phủ nhận, nhưng tôi tự hỏi, đất nước có cần những công bộc làm việc vì bút phê chứ không vì quyền lợi của nhân dân, vì thượng tôn pháp luật? Có thể răm rắp làm theo một lời bút phê phi lý nhưng lại sẵn sàng tỏ thái độ hách dịch và cửa quyền khi người dân tìm đến mình với những mong muốn, nguyện vọng chính đáng.

Sức ép của bút phê không chỉ là câu chuyện về quyền lực bị tha hóa, về những mưu toan cá nhân và lợi ích của một số người mà nó còn là thước đo về lòng kiên định và liêm chính của cán bộ. Vượt qua được sức ép ấy để đứng vững, để dập tắt được cái xấu, không để nó thành ung nhọt của xã hội, ấy mới là bản lĩnh của người cán bộ mà dân cần, đất nước cần.

Bút phê, nếu được coi là ý chí của cấp trên và tuyệt đối tuân thủ thì câu chuyện tiêu cực rất dễ xảy ra. Ở nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử, xuất hiện những bút phê ảnh hưởng không nhỏ đến các tội danh khi xét xử. Lỗi của người bút phê, lỗi của cả người thực hiện bút phê đều có thể nhìn thấy trong những mối quan hệ về quyền lực, về lợi ích. Ở những vai trò khác nhau, vị trí khác nhau, cách hành xử và quyền hạn, nhiệm vụ khác nhau thì hình phạt dành cho họ sẽ là không giống nhau.

Mỗi một người hay những cán bộ đều chịu trách nhiệm về những quyết định của mình trước pháp luật. Không thể dùng bút phê làm bình phong để chối tội, để né tránh trách nhiệm hay đổ vấy tội lỗi lên người khác được.

Điều 9, luật Cán bộ, công chức quy định về Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, có quy định rõ tại khoản 5 về chấp hành quyết định của cấp trên như sau: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Cứ biện minh vì sức ép bút phê, nhưng hãy một lần tự thẳng thắn soi lại, dù không có bút phê nhưng khi đã suy thoái về tư tưởng đạo đức, tha hóa, biến chất và không còn đủ bản lĩnh chính trị vững vàng thì bằng cách này hay cách khác, người cán bộ cũng sẽ sa ngã.

Với những người cấp dưới không dám phản kháng lại bút phê của lãnh đạo theo đúng chức trách, nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì, thì cũng không còn xứng đáng với niềm tin mà người dân trao gửi, không thể làm một người đầy tớ tận tụy, trung thành.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!

img