img

Giá xăng giảm sâu, giá cước vận tải vẫn “nhảy múa” ngày lễ

HÀ NHÂN

Giá xăng dầu trong nước đã giảm sâu liên tục trong một tháng qua cùng với tình hình chung của thế giới. Thế nhưng các loại hình vận tải hàng khách lẫn hành hoá đều giữ nguyên, thậm chí tăng giá cước khiến nhiều người tiêu dùng ngán ngẩm khi công tác giám sát, chế tài chưa được phát huy hiệu quả.

Không công bằng với người tiêu dùng

Sau những đợt giá xăng dầu trong nước liên tục giảm sâu, giá cước vận tải không những “bất động” mà còn nhân dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 để tăng giá. Có mặt tại bến xe miền Đông vào sáng 29/4 để mua vé đi Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thanh, 62 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM bất ngờ khi biết giá vé cao hơn so với hôm qua khi bà xem trên website.

“Hôm trước, tôi đi từ Đắk Lắk vào TP.HCM rồi từ TP.HCM về ngược trở lại có giá vé là 220.000 đồng. Hôm nay tôi cũng mua cùng tuyến cũ, nhà xe cũ thì giá lại tăng lên thành 250.000 đồng. Tôi cũng thắc mắc hỏi nhân viên sao giá vé hôm qua khác hôm nay thì họ có nói do lễ”, bà Thanh nói.

Đây không phải trường hợp cá biệt khi nhiều hành khách khác cũng cho biết, hầu hết nhà xe đều tăng giá vé từ 40.000-200.000 đồng tuỳ lộ trình các tỉnh. Như gia đình chị Mỹ Dung (công nhân) thường mua vé từ TP.HCM về quê tại Phú Yên với mức giá 220.000 đồng, tuy nhiên lần này là 290.000 đồng. Một hành khách khác về Quy Nhơn cũng cho hay: “Bình thường tôi đi là 240.000 đồng, hôm nay cận lễ nên họ tăng giá lên 400.000 đồng”.

Trước những phán ảnh này, đại diện ban giám đốc bến xe miền Đông khẳng định, đơn vị này chưa có quyết định về việc tăng giá vé cho dịp lễ 30/4 - 1/5. Vì thế, công tác kiểm soát lại tất cả từ khâu bán vé, niêm yết giá sẽ được thực hiện ngay lập tức để chấn chỉnh. Không chỉ riêng tại bến xe, giá cước vận tải hành khách của nhiều loại hình cũng không hề điều chỉnh khi giá xăng dầu trong một tháng qua chỉ bằng phân nửa so với dịp Tết Nguyên đán. Điều này đã khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc.

img

Giá cước vận tải hành khách vẫn "đứng yên" dù giá xăng dầu đã giảm sâu.

Bà Mai Thị Thùy Linh (nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) nêu ý kiến: “Trước đây, mỗi khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng kéo theo sự tăng giá đồng loạt của nhiều mặt hàng. Thế nhưng, khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải lại không giảm nên kéo theo một số mặt hàng cũng không giảm. Vì thế, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời để mang lại sự công bằng cho người tiêu dùng, không thể để các doanh nghiệp “đục nước béo cò”, trục lợi”.

Đa số các doanh nghiệp cũng thừa nhận, việc giá cước vận tải không giảm gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Bởi trong cơ cấu giá bán các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày đều được các nhà sản xuất, nhà phân phối hạch toán giá cước vận chuyển vào chi phí bán hàng. Từ đó, đáng lẽ giá nhiều mặt hàng tiêu dùng phải được giảm theo giá xăng dầu nhưng đến nay vẫn là chuyện “hiếm thấy”.

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại vẫn hoàn toàn không nhận được sự chia sẻ của các nhà xe, doanh nghiệp vận chuyển khi họ vẫn tìm mọi lý do, hứa hẹn.

Kêu khổ vì dịch Covid-19

Đáp lại những phàn nàn, tài xế M.T của nhà xe Minh Phương (trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề nên ngành vận tải cũng lâm vào khó khăn chung.

“Đồng ý là chi phí xăng dầu giảm thì chi phí đầu vào cũng được giảm áp lực. Nhưng lệnh giãn cách xã hội gần hết tháng Tư đã khiến hàng loạt nhà xe không có khách, trong khi thuế, phí vẫn rất nhiều. Bây giờ, xe phải gom đủ khách mới chạy. Nếu chở không quá 30 người trên xe theo quy định thì mỗi chuyến xe, nhà xe không đủ chi phí xăng dầu, trả nhân viên”, người này bộc bạch.

Còn đại diện công ty TNHH dịch vụ vận tải Kim Phát cho biết, đối với loại hình vận tải hàng hóa bằng container, giá nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 30 - 35% cấu thành chi phí. Hiện, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều loại phí, lỗ nặng triền miên nên việc giảm giá xăng lần này cũng chỉ giúp đỡ bớt một phần nhỏ khó khăn, thậm chí chưa đủ đề hòa vốn.

Đồng thời, hầu hết các ký hợp đồng cho những đơn hàng lớn đều đã chốt giá không đổi trong thời gian từ 6 tháng - 1 năm. Vì thế dù giá xăng dầu đang có xu hướng giảm mạnh nhưng vẫn rất khó để giảm giá cước.

img

Trở lại hoạt động sau một tháng tạm ngưng, hoạt động vận tải hành khách không được lấp đầy xe theo quy định phòng chống dịch Covid-19.

Nhân viên của một hãng taxi lớn tại TP.HCM chia sẻ: “Giá cước vận tải còn phụ thuộc vào nhiều chi phí khác ngoài xăng. Chưa kể giá xăng liên tục thay đổi theo chu kỳ ngắn, tức 15 ngày mỗi đợt. Trong khi các doanh nghiệp taxi mỗi lần điều chỉnh lại phải mất tiền, mất thời gian đưa hàng ngàn phương tiện đi kẹp lại đồng hồ, kê khai lại giá, rất khó cho chúng tôi”.

Cùng đưa ra lý do này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch hiệp họi Vận tải Hà Nội nói: “Thời gian vừa qua, doanh thu của ngành vận tải coi như “đóng băng” nhưng vẫn phải trả các chi phí khác. Vì vậy, xăng dầu mới xuống giá mà tiến hành làm lại giá cước thì chưa hợp lý. Đành rằng đây là quy luật của cuộc sống nhưng hiện nay, các hãng xe mới chỉ được phép hoạt động từ 20-30%, khách hàng cũng lo ngại về dịch bệnh, chưa sử dụng lại các dịch vụ xe công cộng. Vì vậy chưa nên giảm giá cước vận tải”.

Vị này cũng cho rằng, phía khách hàng, phía cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp vận tải phải cùng nhau chia sẻ trong thời điểm khó khăn, tạm thời giữ giá. Đồng thời có những giải pháp để giúp ngành vận tải sớm ổn định, phát triển. Nếu trong vòng một tháng mà giá xăng dầu giảm, các xe hoạt động trở lại bình thường thì các đơn vị vận tải cần đăng ký làm lại giá với cơ quan quản lý.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp vận tải phải mất nhiều thời gian và chi phí. Trước hết, các hãng phải chờ giá xăng, dầu giảm với biên độ đủ rộng mới họp các thành viên trong Hiệp Hội để thống nhất khung giảm giá chung.

Cụ thể, taxi sẽ phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền; vận tải khách phải in vé và phát hành lại. Trong vận tải hàng hóa do hợp đồng với chủ hàng đã được ký trước theo thời gian dài, khi điều chỉnh giá cước phải đàm phán với chủ hàng.

Cơ chế thị trường hay buông lỏng giám sát?

Thực tế, giá xăng dầu tăng, lập tức giá hàng hóa, cước vận chuyển ồ ạt tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm lại “án binh bất động” là nghịch lý diễn ra trong ngành vận tải đã hàng thập niên qua mà vẫn chưa có biện pháp xử lý.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục Trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam (bộ Giao thông Vận tải) nhìn nhận, theo luật Giá, Nhà nước điều hành giá thông qua quỹ bình ổn hoặc quy định một số loại giá dịch vụ. Tuy nhiên, giá cước vận tải không nằm trong danh mục này mà theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự định giá của tổ chức, cá nhân. Vì thế, các doanh nghiệp vận tải rất ít khi có chuyện giảm giá cước dịch vụ nếu không bị bắt buộc.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu chiếm khoảng trên 30% giá cước vận tải. Thế nên, khi xăng dầu giảm giá mà cước không giảm khiến người tiêu dùng cảm thấy bị “móc túi” hai lần. Vì thông thường, giá cả những mặt hàng liên quan khác cũng dựa vào cước vận tải để “neo” giá theo.

Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải, số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và số lợi nhuận về người kinh doanh không hề nhỏ. Đây là hành vi ứng xử không công bằng với người tiêu dùng.

“Nhằm tạo sự cạnh tranh cho thị trường nên giá cước taxi, cước vận chuyển hàng hóa, hành khách, không do Nhà nước quyết định. Giá chỉ kê khai, không cần đăng ký, tự doanh nghiệp và người tiêu dùng thỏa thuận, giao dịch. Do đó, giá cước vận tải chỉ có thể thay đổi dưới ba áp lực: từ người tiêu dùng, từ đối thủ cạnh tranh và từ cơ quan chức năng”, ông Long phân tích.

Trong đó, đối với người tiêu dùng, hiện nay có quá nhiều phương thức di chuyển, nên không đi ô tô thì có thể chọn đi tàu, đi máy bay cho những chặng dài hay chọn Grab thay vì taxi truyền thống. Vì thế, người tiêu dùng thường không có ý thức để ý, phản ứng mạnh về việc tăng/giảm giá cước vận tải.

img

Người tiêu dùng cảm thấy bất bình khi giá xăng tăng thì giá cước vận tải tăng theo nhưng gần như không có chuyện ngược lại.

Về mặt cạnh tranh giữa các đối thủ, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều có xu hướng muốn tăng lợi nhuận, tăng cạnh tranh nên không những không tự phá giá mà thậm chí còn âm thầm liên kết với nhau cố định giá cước trên thị trường. Do đó, trong trường hợp này, lỗi lớn nhất là do cơ quan chức năng mà cụ thể là cơ quan tài chính buông lỏng quản lý, không thực hiện tốt vai trò của mình.

“Không thể dùng biện pháp chế tài bắt doanh nghiệp giảm giá cước nhưng cơ quan quản lý phải có trách nhiệm điều tiết để bảo vệ người tiêu dùng. Cần tăng cường kiểm tra, xử lý bằng các biện pháp kinh tế như yêu cầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tẩy chay nếu doanh nghiẹp không chấp hành”, vị này đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục Trưởng cục Quản lý giá (bộ Tài chính) cho rằng, lý do mà doanh nghiệp vận tải đưa ra là giá xăng không ổn định để biện minh cho việc không giảm giá cước là không đúng, bởi giá xăng tăng hay giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới.

“Cơ quan quản lý Nhà nước nước cần có quy định để định hướng, khuyến cáo doanh nghiệp khi có sự giảm giá nguyên liệu đầu vào quan trọng, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội, điều chỉnh giá. Hiện nay nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc không kiểm tra, kiểm soát để trục lợi là không hợp lý”, ông Thỏa nhận xét.

Số lượng hành khách giảm kỷ lục

Theo số liệu của sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ khi hoạt động trở lại đến nay, số lượng hành khách giảm kỷ lục. Từ ngày 24 - 27/4, tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh qua các bến xe tại TP HCM đạt 69.610 hành khách, với 9.383 lượt xe phục vụ (bình quân mỗi xe chở 7 hành khách).

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách giảm đến 87%, trong đó bến xe miền Đông giảm 87%, bến xe miền Tây giảm 88%, bến xe An Sương giảm 83% và bến xe ngã tư Ga giảm 67%.

H.N

img