img

Giấc mơ đại học và nỗi ám ảnh lạc thời

Vũ Thu Hương

Lâu nay, người lớn cũng quá chú tâm dạy con trẻ chiến thắng, thành công mà quên đi việc dạy các em biết đương đầu với thất bại. Lâu nay, chúng ta chỉ nhồi nhét con trẻ phải học nhiều nữa, thêm nữa để thi vào trường này, trường kia, mà không chỉ cho trẻ biết rằng để thành công trong cuộc đời, có nhiều cách, nhiều lối đi.

Sự việc nữ sinh N.T.H, ở tỉnh Quảng Nam treo cổ tự vẫn sau khi biết tin không đủ điểm đậu vào trường đại học theo nguyện vọng của mình dù trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua dù H. thi đạt điểm số khá cao, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nỗi ám ảnh phải vào đại học bằng được.

Vụ việc đau lòng của cô bé chỉ là sự nối dài thêm những trường hợp học sinh từ bỏ cuộc sống sau khi nhận kết quả thi đại học hàng năm. Không chỉ con nhà nghèo, mọi hy vọng đổi đời nhờ vào cuộc thi, nhiều học sinh xuất thân từ gia đình giàu có cũng tự vẫn hoặc trầm cảm vì giấc mộng vào đại học không thành. Áp lực từ gia đình, từ xã hội và hơn hết từ tâm lý coi trọng bằng cấp tồn tại lâu nay đã đưa đến những bi kịch không đáng có.

Một trong những sai lầm lớn của gia đình, nhà trường đẩy những đứa trẻ đến tình cảnh bi thương như vậy chính là việc quá đề cao chuyện thi cử và kết quả khoa bảng. Mọi người chỉ nhìn thấy một con đường để thành công, thoát nghèo và có vị thế trong xã hội đó là đỗ đạt cao. Khi mọi thành quả, kết quả của sự học bị trói buộc chỉ trong một kỳ thi, trong những con điểm, sao tránh khỏi những chuyện đau lòng?

img

Tỷ phú Bill Gates thành danh dù chưa từng học đại học

12 năm đến trường, biết bao nhiêu đứa trẻ không được mở ra những con đường vào đời khác ngoài vào đại học. Tâm lý không vào đại học đồng nghĩa là hết, là chết của những đứa trẻ thực ra chính là một lỗi lớn trong sự giáo dục của người lớn.

Lâu nay, người lớn cũng quá chú tâm dạy trẻ chiến thắng, thành công mà quên đi việc dạy các em biết đương đầu với thất bại. Lâu nay, chúng ta chỉ nhồi nhét con trẻ phải học nhiều nữa, thêm nữa để thi vào trường này, trường kia mà không chỉ cho trẻ biết rằng để thành công trong cuộc đời, có nhiều cách, nhiều lối đi.

Cái bằng là điều kiện cần nhưng nó không phải là yếu tố quyết định sự thành danh của một con người, mà bằng chứng là ngay ở nước ta, có biết bao doanh nhân khởi nghiệp dù chưa từng học đại học, thậm chí có người vì điều kiện khó khăn nên chưa tốt phổ thông trung học nhưng họ rất giỏi và đang là người điều hành những doanh nghiệp rất lớn.

Thế giới có hàng trăm tỷ phú chưa từng học đại học, nhưng với tài năng, tầm nhìn, đam mê, họ đã thành công rực rỡ với tài sản khổng lồ và danh tiếng lẫy lừng.

Tỷ phú Bill Gates là điển hình. Ông sinh ra tại Seattle, Washington, Mỹ trong một gia đình trung lưu. Cha mẹ định hướng cho ông trở thành một luật sư giống cha. Nhưng khi theo học trường trung dự bị Lakeside, ông bắt đầu đam mê lập trình máy tính. Sau khi tốt nghiệp trung học, Bill Gates vào trường Havard nhưng bỏ học không lâu sau đó để thành lập Microsoft cùng Paul Allen. Quyết định đi ngược lại truyền thống gia đình này đã đưa ông có mặt trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới và giữ vị trí người giàu nhất thế giới trong phần lớn khoản thời gian cho đến hiện tại với khối tài sản lên tới 80 tỷ USD.

Tất nhiên, tỷ phú Bill Gates không phải là cá biệt. Tỷ phú Larry Ellison với tài sản ròng tới 46,1 tỷ USD, tỷ phú Sheldon Adelson sở hữu khối tài sản 36,5 tỷ USD, hay Mark Zuckerberg với hàng chục tỷ USD... đều là những người chưa học qua trường đại học nào.

Tôi đồng ý tấm bằng là căn cứ để chứng thực rằng bạn đã học một chuyên ngành, bậc học nào đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn đạt được trình độ xứng đáng đúng với tấm bằng ấy, vì như tôi đã nói chuyện cấp bằng ở nhiều cơ sở đào tạo tại nước ta còn quá dễ dàng.

Thực tế, nhiều sinh viên không học cho mình mà “học cho bố mẹ”, nói cách khác họ được sắp xếp trước công việc trong tương lai, đó là trở thành “công chức nhà nước”. Thậm chí nhiều người cũng chẳng thiết tha gì với công việc, họ cần nó như “tấm bình phong” cho oai với thiên hạ vậy thôi. Đó là chưa kể, một ngày nào những con người không có năng lực “luồn lách” để leo lên được các vị trí lãnh đạo thì đó là hiểm họa khôn lường cho đất nước.

Thu Hương

img