Giám đốc ADB tại Việt Nam: Chuyển đổi số là chìa khóa phục hồi kinh tế

Giám đốc ADB tại Việt Nam: Chuyển đổi số là chìa khóa phục hồi kinh tế

Nguyễn Lê Tùng Phong
Thứ 3, 12/10/2021 | 08:00
0
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc ADB tại Việt Nam tin rằng chuyển đổi số là chìa khóa nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi trong và sau đại dịch.

ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NHÂN VIỆT NAM 

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Người Đưa Tin đăng tải loạt bài viết "Phục hồi kinh tế hậu Covid-19" với mong muốn lan toả những nỗ lực, giải pháp của doanh nhân, doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn vì dịch bệnh; kiến nghị những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy kinh tế tư nhân phục hồi sau đại dịch.

Ngày 22/9 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á. Trong báo cáo này, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2021 và 2022 cho nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19. Báo cáo đã đánh giá và nêu ra triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn cho Việt Nam và châu Á nói chung, cũng như các thách thức mà cả châu lục có thể sẽ phải đối mặt.

Sau buổi họp báo ra mắt báo cáo, phóng viên của Người Đưa Tin đã phỏng vấn Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries về nội dung bản báo cáo cũng như thách thức và triển vọng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Kinh tế khó khăn, nhưng triển vọng tốt trong năm 2022

Người Đưa Tin: Xin cảm ơn ông đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa ông, do đợt dịch Covid-19 thứ tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã dự báo rằng tỉ lệ tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có khả năng đạt 3,5-4%. Và trong báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á tháng 9 năm 2021, ADB cũng đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam từ 5,8% xuống 3,8%. Ông có bình luận nào về mức dự báo được hạ xuống này? Triển vọng hồi phục kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 và sau đó sẽ như thế nào?

Ông Andrew Jeffries: Khi chúng tôi đưa ra hai dự báo trước đó vào tháng 4 và tháng 7, chúng tôi đã dựa vào đà tăng trưởng của Việt Nam nhờ khả năng kiểm soát hiệu quả đại dịch, cũng như chính phủ Việt Nam và nhiều tổ chức khác đã dự báo. Nhưng vào lúc đó chúng tôi cũng nêu bật rủi ro của những đợt dịch mới đối với tỉ lệ tăng trưởng và nền kinh tế nói chung. Và không may là chúng ta đều bị bất ngờ trước mức độ nghiêm trọng của đợt dịch này, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Đợt dịch thứ 4 đến rất nhanh và có tốc độ lây nhiễm cao. 

Khi tính đến ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch này đối với nền kinh tế và người dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sử dụng cách tiếp cận linh hoạt và thực tế khi đưa ra dự báo tăng trưởng thấp hơn trước đó cho năm nay. Và cũng vì tình hình liên tục thay đổi này, chúng tôi cũng đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 3,8%, ít nhiều gần với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Sự lây lan của Covid-19 và các đợt giãn cách kéo dài từ tháng 6 chắc chắn đã giảm đà hồi phục của kinh tế Việt Nam. Giãn cách nghiêm ngặt ở Tp. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, cùng với Hà Nội và các vùng công nghiệp lân cận - những nơi đóng góp đến gần 50% GDP cả nước - đã có hệ quả nhanh chóng và nghiêm trọng.

Chúng tôi cũng ghi nhận rằng gần 85.500 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động trong năm nay, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Các quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã làm gián đoạn dịch chuyển lao động và cản trở sản xuất. Hệ quả là khoảng 12,8 triệu người bị giảm thu nhập hoặc mất việc. Tỉ lệ thất nghiệp tăng và thu nhập giảm cũng làm giảm tăng trưởng tiêu dùng cá nhân trong nửa đầu năm. Đó là một số lý do chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng. 

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng triển vọng tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam vẫn còn mạnh nhờ sự điều hành tài chính và chính sách phù hợp của chính phủ, tầng lớp trung lưu gia tăng, lực lượng lao động trẻ và năng động, và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với đa số các nước phát triển đang phục hồi tốt từ đại dịch. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng tương lai của Việt Nam sẽ vẫn tươi sáng vào năm sau và những năm tiếp theo, khi chúng ta đi qua được đại dịch này.

Đối thoại - Giám đốc ADB tại Việt Nam: Chuyển đổi số là chìa khóa phục hồi kinh tế

Người Đưa Tin: Theo ông, đâu sẽ là kịch bản tốt nhất và xấu nhất mà nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt trong năm tới? Việt Nam sẽ cần đến chính sách như thế nào để tránh được kịch bản xấu nhất?

Ông Andrew Jeffries: Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi dự báo rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022. Để đạt được điều này, tôi cho rằng nhân tố chủ chốt nhất là kiểm soát dịch bệnh và phải đảm bảo rằng ít nhất 70% dân số Việt Nam được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Điều này sẽ cho phép hoạt động kinh tế bình thường, dễ dự đoán được trở lại, kết thúc các đợt giãn cách xã hội và đưa Việt Nam vào trạng thái “bình thường mới”.

Với nỗ lực và cam kết của chính phủ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh và mua sắm vắc-xin vào lúc này, tôi tự tin rằng Việt Nam đang ở vị trí tốt để đạt được mục tiêu đó. Chỉ trong tháng vừa rồi, số người được tiêm vắc-xin đang tăng lên rất cao, như ở Hà Nội thì khoảng 90% dân số đã nhanh chóng được tiêm chủng. Tuy phần lớn trong số đó mới được tiêm mũi 1, nhưng chỉ trong vài tháng tới họ có thể được tiêm mũi 2 - điều đó sẽ thực sự dẫn đến thay đổi quan trọng. Người dân ở Tp.Hồ Chí Minh và một số khu vực trọng điểm đang được tiêm mũi 2; quá trình này sẽ dần lan ra các vùng khác trong cả nước.

Kịch bản xấu nhất sẽ là sự kết hợp hoàn hảo “thiên tai, dịch họa”, việc đại dịch không được kiểm soát chặt chẽ, tiến độ tiêm vắc-xin chậm với thiên tai nặng nề như các cơn bão và lũ ở miền Trung năm ngoái. Tôi nghĩ rằng chính phủ cũng sẽ cần chuẩn bị để đối phó với kịch bản này, ví dụ như vạch ra chính sách tài khóa kỹ càng chẳng hạn. ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam - chúng tôi có các cơ chế tài chính khẩn cấp và các phương thức cung cấp các khoản vay cho phép rút dần theo nhu cầu nhằm khắc phục hậu quả thiên tai và dịch bệnh.

Đối thoại - Giám đốc ADB tại Việt Nam: Chuyển đổi số là chìa khóa phục hồi kinh tế (Hình 2).

Về giải pháp chính sách mà nói, chính phủ Việt Nam nên xem xét lập một kế hoạch hồi phục toàn diện thời kỳ hậu Covid-19. Chúng tôi cũng hiểu rằng chính phủ Việt Nam đang xây dựng một kế hoạch như vậy và sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết.

Người Đưa Tin: Theo ông, ngành kinh tế nào ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch: Du lịch, dịch vụ ăn uống, hay sản xuất chế tạo chẳng hạn? Chính phủ Việt Nam sẽ cần chính sách như thế nào để giúp các ngành bị ảnh hưởng nặng có triển vọng hồi phục tốt?

Ông Andrew Jeffries: Tôi cho rằng khi đại dịch bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam vào năm ngoái, một trong những nạn nhân đầu tiên của nó là ngành du lịch; đó là điều dễ hiểu và không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở mọi nơi. Tôi nghĩ du lịch là ngành đầu tiên phải chịu tổn thất nặng nhất.

Gần đây hơn, khi đợt dịch thứ 4 đã và đang xảy ra, tôi cho rằng tất cả các ngành kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng, chủ yếu do gián đoạn nguồn lao động và các đợt giãn cách xảy ra ở các trung tâm kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Các ngành thâm dụng lao động như dệt và may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử và dịch vụ ăn uống chịu hệ quả nặng nề nhất. Ngay cả nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng khá tồi tệ. Nhìn chung, đại dịch đã tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và đời sống.

Nếu nói theo vùng, Tp.Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. May mắn là một số vùng công nghiệp ở miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng và Quảng Ninh đều đã vượt qua đợt bùng phát dịch tương đối tốt. Giãn cách xã hội có xảy ra nhưng các tỉnh này đã kiểm soát được đại dịch tốt hơn và tiếp tục duy trì sản xuất. Như vậy nếu phân theo vùng thì miền Nam đã bị ảnh hưởng nặng hơn. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam có tính liên kết cao, do đó một cú sốc kinh tế từ Tp. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. 

Tôi nghĩ biện pháp chính sách quan trọng nhất trong ngắn hạn là hỗ trợ về tài chính. Các chương trình an sinh xã hội, ví dụ như trợ cấp tiền mặt, có thể được tiến hành hiệu quả và đúng lúc để đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất được hưởng trợ giúp họ đang cần. Tăng chi tiêu chính phủ nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng do đại dịch sẽ đảm bảo lực lượng lao động cần thiết cho đà tăng trưởng trong trung và dài hạn của Việt Nam, như chúng tôi đã kỳ vọng. Quy trình linh hoạt và đơn giản để đưa tiền đến tay người cần nó cũng quan trọng. Các biện pháp khác, như hoãn và giảm thuế là thiết yếu để giảm thiểu gánh nặng tài chính của các doanh nghiệp và củng cố dòng tiền cho họ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách như vậy. 

Đối thoại - Giám đốc ADB tại Việt Nam: Chuyển đổi số là chìa khóa phục hồi kinh tế (Hình 3).

Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi

Người Đưa Tin: Nhằm thúc đẩy kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, chính phủ Việt nam đã thông qua một số gói hỗ trợ tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ông có bình luận nào về những gói hỗ trợ này? Bên cạnh đó, ông có lời khuyên nào cho chính phủ Việt Nam về chính sách nên xem xét nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tốt hơn? 

Ông Andrew Jeffries: Mọi doanh nghiệp thường sẽ cần tín dụng, do đó về chính sách tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất 3 lần kể từ năm 2020. Và gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một thông tư gia hạn thời gian cơ cấu nợ đến hết tháng 6/2022. Các biện pháp đó đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, có thể sẽ hữu ích hơn nếu thời hạn cơ cấu nợ có thể được gia hạn tiếp sau ngày 30/6/2022, bởi theo dự đoán chiến dịch tiêm chủng đầy đủ chỉ có thể đạt yêu cầu sớm nhất vào cuối Q2/2022, có nghĩa là việc toàn bộ người lao động trở lại sản xuất trên cả nước được kỳ vọng diễn ra sau mốc thời gian này. Khoảng thời gian quyết định mà các doanh nghiệp sẽ cần tín dụng nhằm đẩy mạnh sản xuất sẽ nằm ở thời điểm đó, khi mọi thứ đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, thời điểm “bình thường trở lại” có thể thay đổi tùy theo tốc độ tiêm vắc-xin, có thể Việt Nam sẽ về đích sớm hơn dự kiến. Tôi phải nói rằng tốc độ tiêm vắc-xin của các bạn hiện đang tương đối nhanh, nhanh đến mức bất ngờ trong tháng vừa rồi. 

Đối thoại - Giám đốc ADB tại Việt Nam: Chuyển đổi số là chìa khóa phục hồi kinh tế (Hình 4).

Mặt khác, không có phương tiện hay hệ thống nào có thể giúp các ngân hàng cho doanh nghiệp vay mà không cần thế chấp cả. Bản thân các ngân hàng phải duy trì nguyên tắc thận trọng; một số các ngân hàng có thể phải đối mặt với vấn đề nợ xấu vào năm sau và những năm sau đó do việc nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng quá nặng bởi đại dịch. Vì vậy, có lẽ chính phủ Việt Nam nên xem xét cơ chế bảo lãnh tín dụng nhằm chia sẻ rủi ro với các ngân hàng khi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vay, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra khoảng 50% việc làm ở Việt Nam, do đó hỗ trợ khu vực này không dễ dàng như hỗ trợ các doanh nghiệp lớn nhưng vẫn rất quan trọng. 

Về phần chính sách tài khóa, như tôi đã đề cập trước đó, hoãn thuế và giảm các phí, lệ phí là các biện pháp rất phù hợp và quan trọng nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Đánh giá và công nhận các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính và áp dụng giải pháp công nghệ cũng sẽ rất cấp thiết nhằm tăng hiệu quả cho các biện pháp này khi dịch bệnh còn tiếp tục tồn tại. 

Người Đưa Tin: Từ kinh nghiệm của các nền kinh tế châu Á khác, ông nghĩ thế nào về triển vọng phục hồi của khu vực tư nhân Việt Nam hiện nay? Nếu có thể cho các doanh nghiệp Việt Nam một lời khuyên, ông sẽ nói gì với họ?

Đối thoại - Giám đốc ADB tại Việt Nam: Chuyển đổi số là chìa khóa phục hồi kinh tế (Hình 5).

Ông Andrew Jeffries: Tôi nghĩ rằng biện pháp hỗ trợ quan trọng nhất mà khu vực tư nhân đang cần là việc triển khai chiến dịch tiêm chủng được suôn sẻ, để các doanh nghiệp có thể đưa người lao động trở lại làm việc. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất từ các quốc gia khác đang phục hồi dần sau đại dịch. Chúng ta đã thấy rằng tỉ lệ dân số được tiêm đầy đủ vắc-xin có tương quan mạnh với mức độ phục hồi kinh tế ở nhiều nước trên thế giới. 

Ngoài ra, một số biện pháp về tài khóa và tiền tệ như tôi đã nói, cũng như các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh nói chung đều đóng vai trò rất quan trọng. Tôi hy vọng rằng ít nhất đại dịch này có thể thúc đẩy đà cải cách môi trường kinh doanh.

Về việc các doanh nghiệp có thể làm gì vào lúc này, tôi cho rằng một bài học nữa từ các quốc gia khác là tầm quan trọng của chuyển đổi số. Nhiều hoạt động kinh tế đã bắt buộc phải chuyển sang thực hiện trực tuyến do quy định giãn cách xã hội. Và nhờ đó, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận đến các thị trường lớn hơn nhờ số hóa, kết nối và cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng qua Internet. Tôi nghĩ đây là một xu hướng rất quan trọng và sẽ không biến mất khi đại dịch kết thúc và mọi thứ trở về bình thường; một số hoạt động trực tuyến có hiệu quả rất cao và sẽ tiếp tục như vậy sau đại dịch. 

Người Đưa Tin: Xin cảm ơn ông đã tham gia buổi phỏng vấn hôm nay!

Tùng Phong (thực hiện)

ADB tài trợ 5 triệu USD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

Thứ 2, 27/09/2021 | 20:10
Trước những khó khăn của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cung cấp gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Góc nhìn từ chuyên gia kinh tế thế giới

Thứ 5, 23/09/2021 | 07:15
Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm 2021 và có triển vọng tăng tốc trong năm 2022, theo ADB và chuyên gia kinh tế của WB Việt Nam Dorsati Madani.

ADB lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam

Thứ 4, 22/09/2021 | 11:40
Theo ADB, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II/2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng.
Cùng tác giả

Điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số

Thứ 5, 26/05/2022 | 13:58
Đại diện doanh nghiệp và nhà nghiên cứu cho rằng điện toán đám mây sẽ giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhưng cần có cách tiếp cận toàn diện.

Cải cách thể chế là "chìa khoá" để đạt được mục tiêu phát triển

Thứ 4, 18/05/2022 | 21:11
Các diễn giả công bố báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thuận rằng Việt Nam đã, đang và sẽ cần tiếp tục điều chỉnh thể chế để đạt mục tiêu phát triển.

Kinh tế Việt Nam tháng 4/2022: Vững chắc trước căng thẳng thế giới

Thứ 2, 16/05/2022 | 16:22
Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đà phục hồi bất chấp xung đột Nga - Ukraine, tuy nhập khẩu chậm lại do tình hình phong tỏa tại Trung Quốc.

ADB tham vấn chính sách nâng cao hiệu quả chiếu sáng đô thị

Thứ 4, 27/04/2022 | 21:08
Các chuyên gia ADB đã hỗ trợ Cục HTKT ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị, đề xuất các phương thức đầu tư phù hợp cho từng địa phương.

ADB cam kết hơn 22 tỷ USD năm 2021 đối phó đại dịch và phục hồi xanh

Thứ 2, 25/04/2022 | 10:02
Trong số các cam kết năm 2021 của ADB, 13,5 tỷ USD nhằm ứng phó đại dịch, và nhiều cam kết mang tính dài hạn, có tác động ngay cả khi đại dịch kết thúc.
Cùng chuyên mục

Triệu tập kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ 4, 24/04/2024 | 11:33
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 28/6, chia thành 2 đợt họp tập trung tại nhà Quốc hội.

Người vi phạm nồng độ cồn bỏ lại xe không nộp phạt bị xử lý thế nào?

Thứ 4, 24/04/2024 | 09:02
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, người bị xử phạt hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thứ 3, 23/04/2024 | 19:18
Công tác nhân sự trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 6 đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ.

Hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng

Thứ 3, 23/04/2024 | 19:18
Nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật liên quan tới quy định đối với: Người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

Thứ 3, 23/04/2024 | 19:17
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng đối với 6 dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
     
Nổi bật trong ngày

Trình Quốc hội lựa chọn một chuyên đề giám sát tối cao năm 2025

Thứ 3, 23/04/2024 | 14:37
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường là một trong hai chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội.

Hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng

Thứ 3, 23/04/2024 | 19:18
Nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật liên quan tới quy định đối với: Người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng...

Người vi phạm nồng độ cồn bỏ lại xe không nộp phạt bị xử lý thế nào?

Thứ 4, 24/04/2024 | 09:02
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, người bị xử phạt hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Triệu tập kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ 4, 24/04/2024 | 11:33
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 28/6, chia thành 2 đợt họp tập trung tại nhà Quốc hội.

Bài toán "hạ nhiệt" giá vé máy bay dịp lễ

Thứ 4, 24/04/2024 | 08:12
Chỉ vài ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 (kéo dài từ 27/4 đến 1/5), hãng hàng không đang nỗ lực tăng cường bay đêm để hành khách có thêm lựa chọn đi lại.