Chào ông Phan Thanh Hải! Xuất phát từ đâu, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế lên ý tưởng cho việc nam cán bộ, công chức mặc áo dài ngũ thân vào ngày thứ Hai đầu tiên hàng tháng?
Ông Phan Thanh Hải: Thực ra, Sở VH-TT Thừa Thiên Huế đang được tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện đề án Huế-Kinh đô áo dài Việt Nam. Đây là một đề án dài hơi, không chỉ nhằm hồi sinh một biểu tượng văn hóa, một di sản của cố đô Huế mà còn góp phần quảng bá du lịch.
Để tiến hành đề án này, Sở đã tổ chức Hội thảo khoa học vào tháng Bảy vừa qua để trưng cầu ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế, nghệ nhân may áo dài và đông đảo người dân.
Đến đầu tháng Chín, chúng tôi bắt đầu thực hiện thí điểm việc mặc áo dài trong khối văn phòng (áp dụng vào ngày thứ Hai đầu tháng, kết hợp lễ chào cờ, giao ban).
Chúng tôi hy vọng, từ đây sẽ có sự lan tỏa rộng rãi sang các ngành, đơn vị khác và ra cộng đồng, cũng như đối với việc mặc áo dài nữ trước đây.
Sẽ không tránh khỏi những khó khăn, trở ngại bước đầu, nhưng tôi tin, theo thời gian việc làm này sẽ dần dần được cộng đồng chấp nhận và tự nguyện thực hiện.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế.
PV: Tuy nhiên, hình ảnh nam cán bộ, công chức của sở VH-TT Thừa Thiên Huế mặc áo dài ngũ thân đến công sở hiện đang gây ra cuộc tranh cãi “nảy lửa” trong cộng đồng. Ông đã nắm được thông tin này chưa và có suy nghĩ ra sao về việc này?
Ông Phan Thanh Hải: Hiện tại, Sở mới đang thử nghiệm cho mọi người mặc áo dài ngũ thân vào ngày thứ Hai đầu tháng.
Chúng tôi cũng đã nắm được một số thông tin phản hồi và vẫn tiếp tục theo dõi, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân để nghiên cứu và bổ sung, điều chỉnh kịp thời.
Sở cũng rất cầu thị và trân trọng tất cả các ý kiến đóng góp của dư luận, nhất là những ý kiến mang tinh thần xây dựng.
Thực tế, một hiện tượng mới lạ xuất hiện trong đời sống xã hội mà nhận được nhiều ý kiến đóng góp là chuyện bình thường. Càng có nhiều ý kiến góp ý, chứng tỏ vấn đề ấy đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Chúng tôi thấy vui mừng về điều này.
PV: Nhiều ý kiến phản đối cho rằng, nam giới mặc áo dài tới công sở là không phù hợp, bất tiện, chưa kể may mặc tốn kém, ảnh hưởng công việc. Ông phản hồi thế nào về những ý kiến này?
Ông Phan Thanh Hải: Có thể, do nhiều người chưa từng mặc, chưa hiểu hết tính ứng dụng của áo dài ngũ thân nên ý kiến như vậy.
Thực ra, mặc bộ ngũ thân rất tiện lợi và che được nhiều khuyết điểm của người đàn ông, hơn thế còn tạo tác phong đỉnh đạc, đàng hoàng cho người mặc.
Mặt khác, bộ trang phục này chỉ mặc trong nghi lễ, người ta có thể thay ra khi làm việc bình thường.
Xin nhấn mạnh, Sở chỉ khuyến khích, chứ không quy định bắt buộc cán bộ công chức mặc. Và, chúng tôi chỉ sử dụng mỗi tháng một lần vào thứ Hai đầu tháng và các nghi lễ truyền thống nên không thể nói là bất tiện.
Nam cán bộ, công chức sở VH-TT tiên phong mặc áo dài đến công sở làm việc đầu tuần
PV: Vừa thử nghiệm đã vấp phải ý kiến trái chiều, vậy Sở VH-TT Thừa Thiên Huế có lo ngại đề án này sẽ bị “đứt gánh” không?
Ông Phan Thanh Hải: Thực tế, tương tự việc phục hồi chiếc áo dài nữ và đưa trang phục này vào trường học, công sở trước đây, chắc chắn việc làm của Sở lần này sẽ khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều.
Nhưng, điều quan trọng nhất là chúng ta đang thực hiện việc phục hồi một truyền thống tốt đẹp, một di sản quý của dân tộc, nên cần mạnh dạn thực hiện.
Chúng tôi hy vọng, cộng đồng sẽ ủng hộ chiếc áo dài nam ngũ thân - chiếc áo từng được xem là Quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm. Từ đó, mọi người sẽ tự nguyện cùng thực hiện việc phục hưng di sản này, để giúp nó tỏa sáng “ngoạn mục” như áo dài nữ.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổiH.L