Giãn cách xã hội: Vì sao dân chưa thực hiện nghiêm?

Đã đến lúc cần tăng cường các biện pháp cấp bách để siết chặt việc tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, bao gồm cả tăng các chế tài xử phạt hành vi vi phạm Chỉ thị này..

img

Cho đến giờ, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thông điệp chính là yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội (ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết,…) vẫn còn nguyên giá trị.

Song trên thực tế, tính chất pháp lý của Chỉ thị đã bị một bộ phận người dân ngang nhiên vi phạm.

Mấy ngày gần đây, báo chí liên tục đưa tin về việc một số người đổ xô ra đường nhưng không vì mục đích thiết yếu như đi dạo, tập thể dục, hát karoke, tụ tập đánh bạc…

Thậm chí có trường hợp còn trèo tường vào công viên để tập thể dục khi công viên đóng cửa.

Thậm chí nhiều người khi ra đường không thực hiện khoảng cách tiếp xúc 2 mét như khuyến cáo, không đeo khẩu trang,… và khi bị nhắc nhở còn chửi bới, dùng mũ cối đánh lại lực lượng chức năng.

Tại sao lại có hiện tượng vô pháp, coi nhờn Chỉ thị của Thủ tướng, chủ quan không sợ dịch bệnh, thiếu ý thức đối với sức khoẻ bản thân và cộng đồng như vậy?

Theo tôi có mấy nguyên nhân chính sau đây:

Thứ nhất, hành lang pháp lý đối với vấn đề này đã đủ, tuy nhiên chế tài chưa đủ sức răn đe.

Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tại Điều 11 cũng nêu rõ các mức phạt vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch.

Tuy nhiên, hành vi của các cá nhân không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân lại chỉ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Thời gian vừa qua, Hà Nội và một số tỉnh thành đã áp dụng mức phạt 200.000 đồng đối với các hành vi ra đường không vì mục đích thiết yếu, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người trong giai đoạn cần thực hiện giãn cách xã hội.

Theo tôi, mức xử phạt nói trên là quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Trước tình thế cấp bách “chống dịch như chống giặc” hiện nay, thiết nghĩ có thể tăng mức xử phạt để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Singapore là một quốc gia có đạo luật hết sức nghiêm khắc về vấn đề này. Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội (social distancing) – ngày 7/4/2020, một dự luật mới đã được Quốc hội nước này thông qua, luật này sẽ tồn tại trong vòng 6 tháng.

Theo đó, hành vi tụ tập đông người trong nhà và nơi công cộng, bao gồm cả việc thành viên gia đình không ở cùng căn hộ mà tới chơi, ăn uống… cũng bị phạt nặng.

Vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tù 6 tháng đồng thời phạt tiền 10.000 SGD (tương đương hơn 160 triệu đồng), lần thứ hai vi phạm sẽ bị phạt tù 12 tháng cùng số tiền phạt là 20.000 SGD (tương đương hơn 320 triệu đồng).

Thứ hai, lực lượng thực thi việc xử phạt hiện đang quá mỏng nên không thể cùng lúc xử lý một lượng lớn người vi phạm. Chúng ta đang trông chờ quá nhiều vào đội ngũ công an, trong khi hoàn toàn có thể mở rộng lực lượng xử phạt vi phạm hành chính đối với thanh tra y tế, quản lý thị trường, cán bộ thuộc UBND xã, phường…

Căn cứ pháp luật hiện hành, Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, các mức phạt đối với cá nhân có giá trị đến 250.000 đồng thì có thể xử phạt tại chỗ không cần lập biên bản. Do vậy, hoàn toàn có thể giao việc xử phạt hành chính này cho các lực lượng mở rộng nói trên để việc thực thi pháp luật được thực hiện sâu rộng hơn.

Thứ ba, do đại dịch xuất hiện bất ngờ với diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân nên việc xử phạt còn ít nhiều mang tâm lý thí điểm, nặng về tuyên truyền vận động hơn là đánh thẳng vào kinh tế của dân. Chính bởi vậy mà nhiều người dân có tâm lý coi nhẹ việc thực thi pháp luật của lực lượng chức năng.

Tại Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP còn có quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh…

Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống hoặc vui chơi hoạt động “chui” mà chưa bị xử phạt.

Vẫn còn nhiều cơ quan, doanh nghiệp không thuộc khối sản xuất hàng hoá thiết yếu nhưng vẫn hoạt động thì không thể cấm triệt để việc đi lại do nhiều người dân viện cớ phải đi làm.

…..

Đã đến lúc Chính phủ và Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia cần coi vấn đề người dân tụ tập trở lại, tùy ý đi ra ngoài, vi phạm Chỉ thị 16 hiện nay là một tình trạng cấp bách để từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Việc chủ quan, lơ là, thoả mãn non với kết quả chống dịch bước đầu nếu không được chấn chỉnh sẽ có khả năng làm bùng phát dịch bệnh trên diện rộng với hậu quả khôn lường, như thực tế đã và đang diễn ra tại Vũ Hán (Trung Quốc), Mỹ, Ý, Tây Ban Nha…

Bởi vậy, ngay lúc này, cần tăng cường và siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết, có thể tính đến phương án ban bố tình trạng khẩn cấp, áp dụng lệnh phong tỏa nếu tình trạng người dân đi lại tuỳ ý khiến số ca mắc Covid-19 có dấu hiệu tăng lên.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img