Gần một năm trôi qua kể từ khi loạt bê bối tiêu cực thi cử ở những tỉnh thành xa xôi bị phát hiện. Đã có nhiều cán bộ bị khởi tố. Danh sách thí sinh và phụ huynh gian dối cũng bị đưa ra ánh sáng. Nhưng, sau tất cả, liệu đến mùa thi năm nay, niềm tin của hàng triệu sĩ tử có còn nữa hay không?
Khi danh sách những thí sinh gian lận được báo chí dần công khai, người ta lên án, căm giận, giày xéo sự bất công của màn kịch tiêu cực ngành giáo dục. Bởi lẽ, giáo dục chạm đến từng gia đình, từng con người.
Người ta xót xa cho mình, cho con cháu mình. Một thế hệ chỉ mới 18 tuổi đã hoang mang khi hiện thực đang vùi dập bao điều đạo lý được truyền dạy.
Hơn 300 bài thi bị sửa điểm, 114 thí sinh nhởn nhơ trong giấc ngủ giữa phòng thi. Để rồi điểm của họ cao chót vót. Để rồi họ trở thành tân sinh viên của nhiều trường đại học danh giá giữa Thủ đô. Bên cạnh đó là bao nhiêu buồn tủi của cô cậu học trò nghèo chắt chiu từng con chữ, bể nát ước mơ và khát vọng vươn lên thoát nghèo do lỗi của người lớn.
Người lớn ơi, các cháu đã làm gì sai. Các cháu đã học hành chăm chỉ, đã tin vào sự trung thực trong từng phút từng giây đổ mồ hôi sau những đêm mệt nhoài, giữa phòng thi nghiêm túc. Tại sao chúng cháu trượt?! Tại sao người lớn dạy điều trung thực, để rồi cũng chính họ làm méo mó nó?!
Tôi lại nhớ đến một bộ phim truyền hình Hàn Quốc, kể về phiên tòa ngay trong ngôi trường cấp 3 của các học sinh. Những cô cậu học sinh đã tự tổ chức một phiên tòa sau cái chết của bạn mình, với đầy đủ thẩm phán, luật sư, công tố viên, bồi thẩm đoàn.
Phiên tòa không tìm ra kẻ sát nhân. Vì vốn, có những điều còn tệ hơn là giết người.
Phiên tòa ấy đã tìm ra sự thật về một đường dây tiêu cực, rằng những kẻ có chức quyền và tiền bạc đã mua chuộc sự trung thực của kỳ thi đầu vào, nâng đỡ cho rất nhiều học sinh không đủ năng lực thi đậu vào ngôi trường cấp 3 danh tiếng đó.
Trong phim, một nhân vật nữ phụ đóng vai thư ký tòa án đã day dứt và đau khổ khi biết mình chính là một trong những điều ô nhục ấy.
Giữa những người bạn trung thực từ sự cố gắng của bản thân, cô học trò ấy như phát điên khi biết bố mẹ đã đưa mình vào trường theo cách đáng khinh bỉ.
Còn 222 em học sinh được nâng điểm thì sao? Các em có biết không? Các em có day dứt, xấu hổ với bạn bè mình không? Và nếu không ai phát hiện ra sự thật, liệu các em có sống vui với bản thân mình không? Các em sẽ ngủ ngon mỗi tối và sẽ tiếp tục dạy dỗ con mình về sự chăm học, về sự trung thực?
Và tôi nhớ lại thế hệ của mình cách đây 10 năm trước. Năm đó, xã hội cũng nói về tiêu cực, về các giám thị tiếp tay cho thí sinh quay cóp bài tại tỉnh Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Lúc đó, đọc những dòng bình luận trên mạng xã hội mà bất bình, nào là “chỉ là thi tốt nghiệp THPT thôi, có gì quan trọng đâu”, nào là “phanh phui sẽ làm các em trượt tốt nghiệp, phá hỏng lương lai”.
Tuy vậy, đối diện với những lời bào chữa có phần ngụy biện đó, cô giáo của chúng tôi chỉ im lặng. Sự bất lực giữa thời thế điên đảo xoay vòng, khi đạo đức từ trong môi trường dạy nên đạo đức cũng thối nát.
Song, đến nay, khi đã ra trường, đã học và đã đi làm, va vấp nhiều giữa trường đời gian nan, tôi vẫn tin vào những trang văn dạy về “thiện lương”, chính trực từ lời giảng của người giáo viên năm nào.
Như vở kịch Mùa hạ cuối cùng của Lưu Quang Vũ đã từng nhắn nhủ: “Châu ơi, đừng mất niềm tin”.
Như vở kịch Chuyện bây giờ mới kể của Lâm Quang Tèo, nhân vật ông Năm Biền gào lên: “Má tụi bây đi rồi. Bả có dặn tụi bây. Dù cuộc đời này có vùi dập, có đối xử tệ bạc với tụi bây thế nào thì cũng kệ nó”.
Dẫu có bất công, có ngang trái như thế nào đi chăng nữa, hãy cứ giữ vững bản lĩnh và đừng mất niềm tin nhé các em!
“Tôi dìu tôi đi, giữa trời lên bão tố
Dã tràng hai tay với tháng năm chờ”
Trịnh Công Sơn
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.