Chấp nhận mất tiền để thoát vòng lao lý?
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, các mắt xích trong đường dây chạy điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La gồm: Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Đặng Hữu Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, tỉnh Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn, phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La và Lò Văn Huynh, trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) khai đã nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh, cụ thể:
Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận của T.V.Đ 1.040.000.000 đồng để sửa bài nâng điểm cho 4 thí sinh.
Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của H.T.T 440 triệu đồng để sửa, nâng điểm cho 1 thí sinh.
Lò Văn Huynh khai đã nhận của N.M.K 1 tỷ đồng để sửa, nâng điểm cho 2 thí sinh; nhận của bà L.T.T 300 triệu đồng để nâng điểm cho người nhà bà T.
Đặng Hữu Thủy khai nhận của bà N.T.K 150 triệu đồng, bà N.T.M.H 150 triệu đồng, bà N.T.X 200 triệu đồng để sửa nâng điểm giúp cho 4 thí sinh.
Cơ quan tố tụng nhận định: Hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho các thí sinh của Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ.
Song kết quả điều tra những người đưa tiền nêu trên đều không thừa nhận được thỏa thuận và đưa tiền cho Nga, Sọn, Huynh, Thủy.
Ngoài lời khai của Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền các bị can đã nộp cơ quan điều tra, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh.
Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội nhận hối lộ. Đồng thời cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân nêu trên về các tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Số tiền 4 bị can Nga, Sọn, Huynh, Thủy nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có.
Không có căn cứ xử lý về Tội đưa hối lộ
Giải thích rõ hơn về việc này, luật sư Nguyễn Văn Thái – Công ty Luật BROSS & partners cho biết: Tội đưa hối lộ đòi hỏi phải có hành vi đưa lợi ích một cách bất chính cho người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi đưa của hối lộ có thể diễn ra trước hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa.
Trong vụ án này, không một người nào thừa nhận có hành vi thỏa thuận hoặc đưa tiền cho các bị can Nga, Sọn, Huynh, Thủy. Ngoài lời khai nhận tiền của các bị can thì không có chứng cứ nào khác chứng minh về việc đưa tiền. Do vậy, lời khai của các bị can được đánh giá là không phù hợp với chứng cứ khác trong hồ sơ, nên sẽ không thể khởi tố các cá nhân đưa tiền về tội đưa hối lộ.
Căn cứ pháp lý được luật sư Thái chỉ ra là tại Điều 98, BLTTHS năm 2015 quy định: “…2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
Luật sư Thái cho biết thêm, tội Đưa hối lộ tại Điều 364 BLHS năm 2015 còn quy định rõ: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.
Theo vị luật sư này thì đây chính là chính sách phòng chống tham nhũng và nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam. Do vậy, trong vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, cơ quan tố tụng đã không khởi tố về tội Đưa hối lộ, tội Nhận hối lộ là có căn cứ.