Tự chủ đại học có thể được xem là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học, nhưng không thể là cái cớ để trường đại học tự xây dựng “ốc đảo”, bất khả xâm phạm.
Câu chuyện về những cuốn giáo trình có hình đường lưỡi bò phi pháp lọt vào giảng đường khoa Tiếng Trung - Nhật, trường đại học Kinh doanh và Công nghệ vẫn đang gây bức xúc dư luận trong suốt những ngày qua.
Chủ nhiệm khoa Tiếng Trung - Nhật giải thích: “Khi đưa sách về, giảng viên trong khoa cũng đã rà soát và tại cuộc họp hội đồng khoa học của khoa lúc đó cũng đã duyệt qua cuốn sách vì nội dung và câu chữ không có vấn đề gì. Việc xuất hiện phần bản đồ có hình đường lưỡi bò phi pháp nhưng vì hình quá nhỏ, có mấy chấm li ti vừa nhỏ lại mờ nên không phát hiện được”.
Những năm gần đây, tự chủ đại học ở Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực, các trường đại học dần được trao quyền tự chủ, một trong những thành tố tự chủ đại học chính là tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục như phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình và giáo trình học liệu,...
Chính vì lẽ đó, mới có chuyện những giáo trình “trôi nổi”, lọt vào giảng đường một cách “không chính thống”, tự ý bỏ qua thẩm định hoặc chỉ được kiểm duyệt qua loa. Giống như cuốn giáo trình có hình đường lưỡi bò phi pháp được mang về từ nước ngoài, chỉ được “duyệt qua”, vẫn ngang nhiên được photo đến tay hàng trăm sinh viên.
Nếu không phải một sinh viên phát hiện ra điểm bất thường này và phản ánh, có lẽ, những cuốn giáo trình còn tiếp tục được nhân bản lên hàng nghìn, hàng vạn cuốn, trở thành tài liệu giảng dạy, học tập một cách công khai, rộng rãi. Không thể bỏ qua dù đó là “những chấm li ti”, bởi nó có thể ảnh hưởng xấu đến nhận thức của sinh viên, làm “méo mó” chủ quyền…
Đáng nói, khi thông tin về cuốn giáo trình bị “khui ra”, vị đại diện trường đại học Kinh doanh và Công nghệ giải thích lý do không phát hiện đường lưỡi bò phi pháp, một mặt, lại phủ nhận lỗi của trường mà “đẩy trách nhiệm” do các cơ quan khác. Thậm chí, vị đại diện này còn cho rằng, cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài và việc này thuộc về Nhà nước chứ không phải của trường.
Phía bộ GD&ĐT lại không thể can thiệp kịp thời, nên không phát hiện những bất thường, cũng khó khăn trong việc xử lý, bởi lý do đã giao quyền tự chủ theo Luật Giáo dục đại học, không thể “tùy hứng” nhúng tay vào cục diện. Phải chăng, bộ GD&ĐT sợ làm “mất uy tín của cơ quan soạn thảo Luật”; hay sợ các trường đại học “kêu gào” rằng Bộ giao tự chủ “nửa vời”?
Dẫu biết rằng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ vận hành tốt hơn nếu họ được nắm vận mệnh của chính mình. Nhưng không phải lợi dụng quyền tự chủ để tạo “ốc đảo”, bất khả xâm phạm. Trường đại học có tự chủ đến đâu, cũng không thể vô Chính phủ, nên khi có những biểu hiện lệch lạc, bộ GD&ĐT sao có thể đứng ngoài cuộc?
Nhìn nhận từ kinh nghiệm quốc tế, ở bất kỳ mô hình tự chủ đại học nào, dù tự chủ độc lập đến đâu, vẫn có những “mặc định ngầm” trong khuôn khổ. Xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát (state control) sang Nhà nước giám sát (state supervison).
Giám sát tức là vẫn có quyền và trách nhiệm cập nhật thông tin, lên tiếng, can thiệp kịp thời để trường đại học vận hành tốt hơn. Mặc dù được tự chủ về học thuật, song, các trường đại học vẫn nên có báo cáo thường kỳ và báo cáo kịp thời với Bộ, đặc biệt, những cuốn giáo trình được chuyển về từ nước ngoài.
Chẳng hạn, những chiêu bài cài cắm luận điệu sai trái một cách tinh vi, xảo quyệt như vậy, nếu Bộ kiểm duyệt và phát hiện kịp thời, sẽ không có chuyện giáo trình được nhân bản, được sử dụng trong nhiều giờ học.
Nhà nghiên cứu người Anh Nicolas Chapman cảnh báo, chưa có dấu hiệu gì cho thấy chiến dịch vung tiền vẽ đường lưỡi bò phi pháp khắp nơi này sẽ giảm cường độ trong thời gian tới, vì vậy, Việt Nam cũng cần có những động thái mang tính hệ thống tương thích.
Giáo dục cũng đang là một “chiến trường nóng bỏng”, bộ GD&ĐT không thể tiếp tục “khoanh tay” để các trường đại học viện cớ tự chủ mà tùy tiện tung hoành trong lãnh địa, đặc biệt, khi nội lực chưa sẵn sàng!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả