img

Nước mắt hối hận muộn màng của người phụ nữ ngược đãi mẹ già

Ngọc Lài

Lau nước mắt, bà Dương Thị Ngọc Mai, người phụ nữ có hành vi ngược đãi mẹ ở tỉnh An Giang nghẹn ngào: “Lúc lên cơ quan công an làm việc, mấy anh kêu tôi xem lại clip, tôi không dám xem. Tôi ân hận lắm rồi, mong mẹ nơi chín suối tha lỗi bất hiếu cho tôi”.

Thu thập thêm chứng cứ để làm rõ hành vi ngược đãi mẹ già

img

Ngày 1/4, Đại tá Nguyễn Trường Viễn, Trưởng Công an huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra, thu thập thêm các chứng cứ để xử lý bà Dương Thị Ngọc Mai (SN 1965, ngụ ấp Sóc Triết, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn).

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi ngược đãi, bà Mai có thể bị xử lý hành chính hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Bước đầu, bà Mai đã thừa nhận hành hạ, ngược đãi, chửi mắng cụ bà Nguyễn Thị L. (SN 1933), mẹ ruột bà Mai, đã qua đời ngày 12/2/2020.

Trước đó, một đoạn clip dài khoảng 3 phút lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh bà Mai vừa tắm vừa chửi mắng, thậm chí dùng tay đánh vào bụng, mặt của mẹ ruột. Cụ L. đã dùng chút sức lực yếu ớt van xin con gái nhưng bà Mai vẫn phớt lờ. Thậm chí, bà Mai còn liên tục nói “chết sớm đi” và hăm dọa sẽ bóp cổ mẹ ruột.

Xem hình ảnh trong đoạn clip, nhiều người tỏ thái độ phẫn nộ, bức xúc tột cùng và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý người phụ nữ có hành vi trái đạo đức và pháp luật. Người dân sống tại ấp Sóc Triết đều rất bất bình trước hành động bất hiếu của bà Mai đối với mẹ.

Chị Nguyễn Ngọc T. ngụ ấp Sóc Triết cho biết: “Bà Mai mập mạp mà lại đánh, mắng, lôi kéo người mẹ gầy còm nhom, bệnh tật. Tôi xem clip thấy phẫn uất quá! Tôi xem mà còn rơi nước mắt, bà ấy là con sao không biết xót thương mẹ mình. Ông bà xưa nói đúng, cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.

Đầu óc người phụ nữ ngược đãi mẹ không bình thường?

Người con gái thứ 7 của cụ L. kể: “Lúc còn khỏe, mẹ tôi ở căn nhà nhỏ kế bên nhà tôi, còn chị Tư (bà Mai – PV) thì ở ngôi nhà phía sau nhà mẹ. Một lần nghe có người đến cho gạo từ thiện, mẹ tôi bước ra ngoài thì sụp té, gãy xương bánh chè. Chúng tôi đưa mẹ ra bệnh viện ở Tri Tôn nhưng nặng quá nên đưa xuống Long Xuyên chữa trị. Chị Tư đi theo chăm sóc mẹ ở bệnh viện khoảng hơn tháng, còn mấy anh chị em khác chỉ ra vào thăm viếng”.

img

“Khi mẹ xuất viện về nhà, mấy chị em thấy nhà mẹ xập xệ quá nên tháo dỡ, cũng một phần để cho mẹ đừng ở một mình nữa. Tôi mới đưa mẹ qua ở cùng với gia đình tôi. Tôi và chị Tư nuôi mẹ khoảng 7 - 8 tháng thì mẹ mất. Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường nên càng về sau này, mẹ ăn không được nên yếu dần”, em gái thứ 7 của bà Mai chia sẻ.

Theo người này, bà Mai thiếu nợ rất nhiều. Trước thời điểm bà Mai có hành vi ngược đãi mẹ, bà này đã bị chủ nợ đến tận nhà đánh đập.

img

“Có lẽ, chị ấy bị nhiều chuyện dồn dập nên quẫn trí, hành động hồ đồ. Đã vậy, chị ấy lớn tuổi không làm gì ra tiền, lại thêm có bệnh khùng, lâu lâu lên cơn. Hễ mà, chị ấy làm mệt là lên cơn, ai chửi cũng tức rồi lên cơn. Tôi nghe mẹ kể, mẹ đẻ chị Tư thiếu tháng, khó nuôi lắm. Cha mẹ cực khổ dữ lắm mới giữ được mạng sống của chị ấy”, em gái thứ 7 của bà Mai cho biết.

Cũng theo người này, việc bà Mai ngược đãi mẹ cũng xảy ra vài tháng trước. Ngày xảy ra vụ việc, người này mở cửa ra thì thấy mẹ đã được bà Mai mặc quần áo đàng hoàng. Thế nhưng, một người hàng xóm nói cho người này biết việc bà Mai vừa đánh mắng mẹ.

“Mấy ngày sau, tôi thấy mẹ buồn nên mới hỏi thì mẹ nói chị Tư đánh mẹ. Tôi mới khuyên, chị ấy khùng mẹ bỏ qua. Sau đó, tôi pha sữa cho mẹ uống và nhờ chị Tư trông chừng mẹ, lo cho mẹ uống sữa.

Khi tôi đi, ở nhà, chị Tư cho mẹ uống nước trà đường. Uống 1 ly chưa đã khát, mẹ kêu chị Tư cho uống nữa, chắc do uống nhiều quá mẹ mệt. Chị Tư thiếu hiểu biết nên đâu biết người bị bệnh tiểu đường mà uống trà đường là rất nguy hiểm. Đến chiều, tôi đút sữa thấy lưỡi mẹ thụt vô, không phản ứng, rồi mẹ mất”, em gái thứ 7 của bà Mai nhớ lại.

Một người hàng xóm của bà Mai thông tin thêm: “Bà Mai khổ lắm, đầu óc cũng không được bình thường. Một thân một mình chăm sóc mẹ già. Mọi người tha thứ cho bà ấy đi, tôi sống ở gần mới biết rõ ngọn ngành. Mỗi lần bà già bệnh phải nhập viện, bà Mai không có cái ba lô đựng đồ, tôi phải cho mượn”.

Nước mắt hối hận muộn màng trước bàn thờ của mẹ

Đứng trước bàn thờ của mẹ, bà Mai thắp nén nhang, quỳ lạy, rồi lẩm nhẩm: “Mẹ ơi, mẹ tha lỗi cho con! Con biết lỗi của con rồi”. Nhìn di ảnh cụ bà cười hiền từ, PV không khỏi xót xa.

img

“Tôi hối hận lắm. Lúc lên cơ quan công an làm việc, mấy anh kêu tôi xem lại clip, tôi không dám xem. Tôi ân hận lắm rồi, mong mẹ nơi chín suối tha lỗi bất hiếu cho tôi. Lúc đó, tôi bực tức quá, không kiềm chế được cảm xúc. Tôi khổ quá! Tôi thương mẹ nên mới nuôi mẹ bao nhiêu năm nay, trong khi, tôi đang nợ nần chồng chất. Khổ quá trời khổ”, bà Mai nghẹn lời trần tình.

Theo bà Mai, cụ L. có tất cả 9 người con, nhưng bà Mai thường xuyên chăm lo cho mẹ, những anh chị em khác chỉ đến thăm rồi về. Mẹ bệnh, bà Mai kề cận chăm sóc mẹ ở bệnh viện hơn một tháng ròng rã.

img

“Nợ đòi quá, tôi bực bội, thêm việc buôn bán không được, không có tiền sinh sống, không có cơm ăn. Tôi mới tức tối trút lên người mẹ. Công an mới mời tôi lên để điều tra xem tôi có giết mẹ không. Tôi không giết mẹ. Mẹ bị bệnh mà mất”, bà Mai ra sức phân bua.

Lúc cụ L. xuất viện, mỗi ngày, bà Mai đều qua nhà em gái nuôi mẹ. Bà Mai nói, bản thân không có chồng con nên tiện bề chăm lo cho mẹ, các anh chị em khác đều có gia đình nên khó mà chu đáo. Họ chỉ chu cấp, hỗ trợ vật chất để bà Mai săn sóc cho mẹ.

Bà Mai nhớ lại: “Ngày hôm đó, mẹ đi vệ sinh dính vào tay, rồi trây ra dính khắp người. Nếu chùi bằng tay, bằng khăn thì không sạch nên tôi mới lấy bàn chải giặt đồ chà. Trước đó, tôi không lau chùi, tắm rửa cho mẹ như vậy”.

Bà Mai cũng thừa nhận, đầu óc của bà không bình thường hay có hành động bất thường khi lên cơn. Tuy nhiên, bà này chưa từng thăm khám, điều trị bệnh tâm thần ở bệnh viện.

N.L

img