Giường bệnh giá 4 triệu đồng/ngày: Nhà thương giờ thương ai?!

Trước đây bệnh viện được gọi là “nhà thương” – cách gọi này nghiêng về phản ánh yếu tố an sinh xã hội hơn yếu tố kinh doanh dịch vụ. Ngày nay theo xu hướng phát triển chung, y tế và giáo dục được xã hội hóa mạnh mẽ, hai từ “nhà thương” hầu như không được nhắc tới.

img
img

Tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí của Bộ Y tế diễn ra mới đây, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế ) cho biết Bộ đang rà soát lần cuối trước khi ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Tại Thông tư này, chi tiết giá giường bệnh tại bệnh viện công cao nhất 4 triệu đồng/ngày đã gây “choáng” đối với đại bộ phận người dân.

Hàng loạt câu hỏi đi kèm với những nghi ngại đã được đưa ra:

Giường bệnh viện mà 4 triệu đồng/ngày thì khác nào khách sạn hạng sang?

Liệu có xảy ra tình trạng giường bệnh giá rẻ ngày càng co cụm để giường 4 triệu phình to, người nghèo đi chữa bệnh mà chỉ còn giường 4 triệu thì phải làm sao?

Lẽ nào sử dụng bệnh viện công là tài sản của Nhà nước, bác sĩ bệnh viện công là đối tượng hưởng lương ngân sách để phục vụ giới nhà giàu?

Ngày trước bệnh viện được gọi là nhà thương, tất cả mọi người dù nghèo hay giàu được chữa bệnh như nhau, bây giờ liệu mục đích kinh doanh thu lợi nhuận có được đưa lên hàng đầu thay vì chú trọng chất lượng chữa bệnh?

.....

Đây đều là những câu hỏi rất chính đáng, đòi hỏi người đứng đầu ngành Y tế phải cân nhắc và trả lời thoả đáng, bởi đối tượng sắp điều chỉnh là những bệnh viện công, nơi mà mục đích chữa bệnh vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Song, trước khi chờ Bộ Y tế chứng minh tính ưu việt của Thông tư mới bằng hành động cụ thể trong tương lai, dưới góc độ là những người dân, chúng ta hãy thử làm phép so sánh những cái được - mất của chính sách công này so với chính sách cũ.

Thứ nhất, nhiều người nói: Giường bệnh viện mà 4 triệu đồng/ngày thì khác nào khách sạn hạng sang? Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế ) – ông Nguyễn Nam Liên cho rằng so sánh thế này là khập khiễng bởi vì khách sạn đa phần chỉ để nghỉ ngơi buổi tối khi đi công tác, du lịch… trong khi bệnh viện giá 4 triệu được sử dụng cả ngày, dự kiến sẽ trang bị cả nhà bếp, khu vực tiếp khách, giường cho người nhà, với nhân viên y tế túc trực chăm sóc 24/24…

Cá nhân tôi thì nghĩ rằng so sánh bệnh viện với khách sạn là một so sánh thú vị, hay nói cách khác, đây nên là mục đích mà ngành Y tế phải hướng tới: những bệnh viện khách sạn.

Vì sao như vậy?

Bởi vì hiện nay tình trạng quá tải tại bệnh viện công vẫn còn phổ biến, người dân phải chờ đợi, người bệnh đã ốm yếu khó chịu trong người lại còn phải chịu đựng sự chật chội bức bí, có khi nằm ghép 2-3 bệnh nhân/ giường bệnh. Ngành Y tế nên thay đổi thực trạng này, để cho người bệnh đến bệnh viện mà vẫn cảm thấy tiện nghi như ở nhà, thậm chí như đi khách sạn nghỉ dưỡng, từ đó hiệu quả chữa bệnh sẽ cao hơn.

Thứ hai, thế nhưng nhiều người nghèo không có điều kiện ở phòng bệnh 4 triệu/ngày thì sao?

Cái này ngành Y tế đã có giải thích và cam kết. Theo đó, mức giá tối đa 4 triệu đồng/giường/ngày bệnh chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện đáp ứng nhu cầu người bệnh. Nói nôm na, trong một bệnh viện công, nhiệm vụ chữa bệnh, vẫn phải được hoàn thành theo nhiệm vụ Nhà nước giao, và chỉ những bệnh viện công đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, không để bệnh nhân phải nằm ghép, thì mới được triển khai loại dịch vụ chất lượng cao này. Nói cách khác, đây là phần dịch vụ y tế được xã hội hoá, được các bệnh viện công thực hiện cùng lúc với nhiệm vụ chính là chữa bệnh cứu người.

Ngoài ra, giá giường bệnh quy định tối đa 4 triệu như trên là đã tính đầy đủ 7 yếu tố cấu phần giá dịch vụ y tế, có cả yếu tố tích luỹ. Điều đó có nghĩa là khi bệnh viện công có thêm nguồn thu từ dịch vụ tự nguyện, sẽ quay lại đầu tư toàn diện cho bệnh viện và những bệnh nhân nghèo cũng được thụ hưởng sự đầu tư này. Tương tự như đánh thuế người giàu thì người nghèo cũng được hưởng phúc lợi.

Thứ ba, nhiều ý kiến lo ngại nếu chú trọng khám bệnh dịch vụ, nhiều bệnh viện sẽ không quan tâm đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Nhưng theo số liệu ngành Y tế cung cấp, hiện nay gần 90% dân số tham gia BHYT và rất nhiều bệnh viện hiện nay, nguồn thu từ BHYT chiếm đến 80-90%, thậm chí 95%.

Nếu đây là con số chính xác, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan tin tưởng rằng nếu bệnh viện không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT thì người dân không đăng ký, không đến khám chữa bệnh nữa và bệnh viện rơi vào tình trạng nguy hiểm là không có nguồn thu.

Thứ tư, xét dưới góc độ vĩ mô, chúng ta đang bị “chảy máu ngoại tệ” vì hàng năm có 40-50.000 người đi chữa bệnh ở nước ngoài với chi phí hơn 2 tỷ USD, trong khi đó trình độ bác sĩ trong nước rất cao, thường xuyên được mời ra nước ngoài chữa bệnh.

Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động mới đây, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức (1 trong 4 bệnh viện hiện tự chủ tài chính hoàn toàn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện đang áp dụng giá giường bệnh cao nhất 3 triệu đồng/ngày) nhận định, các bệnh viện đầu ngành ở Việt Nam hiện có đầy đủ điều kiện về thiết bị hiện đại, nhân lực giỏi nhưng lại thua nước ngoài về cơ sở vật chất do cơ sở cũ chật hẹp, một số nơi cũ kỹ. Nếu cơ sở vật chất bệnh viện trong nước được nâng cao sẽ làm giảm bớt số người ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Thứ năm, và là vấn đề cuối cùng, chúng ta nên chấp nhận một sự sòng phẳng trong cơ chế thị trường là giá cả đi liền với chất lượng phục vụ. Có đến các bệnh viện tư mới thấy thực tế hiện nay, người dân rời bệnh viện công sang bệnh viện tư khám chữa bệnh rất nhiều. Điều đó phản ứng thực trạng rằng nhiều người sẵn sàng trả viện phí cao hơn để được phục vụ tốt hơn, mua được cảm giác dễ chịu hơn, tiết kiệm thời gian chờ đợi hơn…

Lẽ nào các bệnh viện công cứ thế đứng nhìn bệnh viện tư “hút” bệnh nhân của mình? Bởi vậy, cá nhân tôi ủng hộ việc thu phí cao phòng bệnh dịch vụ rồi sử dụng nó để hỗ trợ cải thiện dịch vụ thông thường. Vấn đề còn lại chỉ là công và tư phải phân minh mà thôi.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img