Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật ngành Chứng khoán năm 2024

Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật ngành Chứng khoán năm 2024

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Chủ nhật, 29/12/2024 11:00

Thị trường chứng khoán trải qua năm 2024 với hàng loạt biến động khó lường. Song khung pháp lý đã được điều chỉnh, sửa đổi nhằm tháo gỡ nhiều tồn tại cản bước sự vươn mình của thị trường.

1. VN-Index dao động trong biên độ hẹp từ 1.200 đến 1.300 điểm

Năm 2024, VN-Index đã nhiều lần kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm, tương ứng vùng vốn hóa toàn thị trường khoảng 62% GDP năm 2024.

Kể từ đầu tháng 4 đến cuối năm, VN-Index đã không thể duy trì được xu hướng tăng mà chuyển sang đi ngang biên độ rộng với 2 lần thất bại khi kiểm tra vùng kháng cự 1.300 điểm.

Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật ngành Chứng khoán năm 2024- Ảnh 1.

Diễn biến VN-Index năm 2024 (Nguồn: TradingView).

Diễn biến của VN-Index diễn ra trong bối cảnh quốc tế không mấy "sáng sủa" với hàng loạt biến động khó lường: Căng thẳng địa chính trị leo thang, chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc có nhiều thay đổi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ hạ lãi suất lần đầu sau 4 năm và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính.

Tất cả đã tạo nên một môi trường đầu tư nhiều thách thức, đặc biệt đối với các nhà đầu tư theo trường phái ngắn hạn.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng và tiền số càng làm trầm trọng thêm tình hình.

2. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 3,3 tỷ USD

Thống kê trên HoSE, tính từ đầu năm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 85.000 tỷ đồng tương đương hơn 3,3 tỷ USD - con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động. Trong 21 tháng qua, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng duy nhất tháng 1/2024.

Động thái rút vốn của khối ngoại trước hết được cho là đến từ áp lực tỉ giá. Từ đầu năm 2024, tỉ giá USD được ví như đi "tàu lượn" bởi mức độ biến động lớn. Việc VND mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn.

3. Việt Nam có hơn 9 triệu tài khoản chứng khoán

Tính đến tháng 12/2024, số lượng tài khoản chứng khoán đã đạt hơn 9,1 triệu tài khoản, tăng 1,86 triệu tài khoản so với đầu năm và tương đương 9% dân số, vượt mục tiêu chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đề ra.

Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật ngành Chứng khoán năm 2024- Ảnh 2.

Tính đến tháng 12/2024, số lượng tài khoản chứng khoán đã đạt hơn 9,1 triệu tài khoản, tương đương 9% dân số.

Trước đó vào cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1726 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể là quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

4. Thanh khoản giảm mạnh

Từ mức thanh khoản trung bình phiên trên 20.000 tỷ đồng trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, giá trị giao dịch trên HoSE (nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận) có thời điểm chưa tới 10.000 tỷ đồng.

Lực cầu yếu, dòng tiền chọn cách đứng ngoài quan sát khiến thị trường nhiều phiên dừng sát ngưỡng tham chiếu, tăng phiên sáng nhưng giảm phiên chiều.

Theo chuyên gia, tỉ giá là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, bởi mỗi khi tỉ giá biến động trên 2%, VN-Index có thể giảm 7 - 10%. Khối ngoại cũng là yếu tố tác động mạnh đến thị trường khi bán ròng mạnh nhất trong lịch sử khiến thị trường liên tục rung lắc và điều chỉnh.

5. VN-Index có phiên giảm mạnh nhất trong gần 2 năm

Phiên 15/4/2024, thị trường chứng khoán bị bán tháo bất ngờ. VN-Index "bốc hơi" gần 60 điểm, tương đương 4,7% xuống mức 1.216,61 điểm. Trong đó có tới 157 mã nằm sàn, 587 mã giảm điểm, 726 mã đứng giá và chỉ có 122 mã tăng giá.

Mức giảm của VN-Index phiên 15/4 là phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 2 năm, kể từ ngày 12/5/2022. Thời điểm đó, VN-Index giảm gần 63 điểm; xen giữa giai đoạn này, ngày 18/8/2023, VN-Index cũng bốc hơi gần 55 điểm.

VN-Index giảm điểm trong bối cảnh có nhiều biến động vĩ mô trên toàn cầu. Tỉ giá USD/VND sau đó cũng liên tục phá đỉnh lịch sử trước sức ép tăng nóng của giá USD trên thị trường quốc tế.

Căng thẳng leo thang tại Trung Đông khiến các nhà đầu tư tìm đến "nơi trú ẩn" là các tài sản an toàn, dẫn đến nhu cầu nắm giữ USD tăng mạnh.

6. Tháo gỡ từng "nút thắt" cho nâng hạng thị trường chứng khoán

Ngày 18/9, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đây được coi là thông tư cởi nhiều nút thắt cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán.

Thông tư mới quy định, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (non pre-funding). Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.

Ngoài ra, Thông tư 68 cũng quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh trên thị trường. Tới tháng 1/2028, các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải thực hiện công bố thông tin song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Luật Chứng khoán được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quy định như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán chứng khoán ra công chúng; Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Công ty đại chúng.

Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 155 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Việc sửa đổi nghị định được chia thành 3 nhóm chính sách: Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, thống nhất trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường, đảm bảo an toàn cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo là việc tháo gỡ các vướng mắc đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề về mở cửa tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, tập trung tháo gỡ nút thắt room ngoại.

Cụ thể, dự thảo bỏ quy định tại Điều 139 (Nghị định 155) cho phép ĐHĐCĐ, Điều lệ công ty đại chúng được quyết định tỉ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn quy định pháp luật, trừ trường hợp có quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo Bộ Tài chính, điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông nước ngoài theo Luật Doanh nghiệp, cũng như giảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp.

Từ đó tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

7. Loạt doanh nghiệp tiếng tăm bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) quyết định huỷ niêm yết đối với cổ phiếu DAG của CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á từ ngày 22/10. Số lượng cổ phiếu DAG bị hủy niêm yết là hơn 60,3 triệu cổ phiếu với giá trị tính theo mệnh giá là 603,1 tỷ đồng.

Lý do bị hủy niêm yết là Nhựa Đông Á đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155 ngày 31/12/2020.

Cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng bị HoSEhuỷ niêm yết do có 3 năm thua lỗ liên tục. Cụ thể, năm 2021 lỗ hơn 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ hơn 3.576 tỷ đồng,năm 2023 lỗ hơn 1.098 tỷ đồng.

Tương tự, HoSE cũng ra thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc với 347,21 triệu cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau khi nhận được báo cáo tài chính kiểm toán riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 của công ty.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2023 của Xây dựng Hòa Bình âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng.

Danh sách cổ phiếu bị hủy niêm yết còn tiếp tục dài ra với loạt tên tuổi, như: Cổ phiếu QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình, cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cổ phiếu L61 của CTCP Lilama 69-1, cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS, cổ phiếu DZM của CTCP Cơ điện Dzĩ An, cổ phiếu MIM của CTCP Khoáng sản và Cơ khí, cổ phiếu TTZ của CTCP Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến Trung…

8. Hệ thống giao dịch VNDirect bị tấn công

Vào khoảng 10h sáng ngày 24/3, hệ thống thông tin của Công ty Chứng khoán VNDirect bị tấn công. Tin tặc đã khai thác lỗ hổng bảo mật để xâm nhập vào hệ thống, cài đặt virus và mã hóa dữ liệu. Sau đó, đối tượng xấu đã sử dụng khóa mã hóa này để yêu cầu doanh nghiệp trả một khoản tiền chuộc lại dữ liệu.

Ngày 27/3, VNDirect thông báo đã khôi phục được hệ thống nhưng cần tiến hành rà soát để đánh giá hệ thống, đảm bảo an toàn thông tin. Hoạt động giao dịch chứng khoán của công ty này đã tê liệt 1 tuần.

Ngày 1/4, VNDirect chính thức mở lại hệ thống giao dịch chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, sự việc VNDirect bị hacker tấn công là sự nhắc nhở cho cả thị trường cần tiếp tục giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống.

9. Ngừng giao dịch chứng khoán trực tuyến nếu không xác thực CCCD

Từ ngày 1/10/2024, công ty chứng khoán chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến đối với tài khoản giao dịch chứng khoán có thông tin cá nhân trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử trên thị trường, các trường hợp không cập nhật chuẩn hóa thông tin sẽ không được giao dịch trực tuyến mà phải đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại Trụ sở/Chi nhánh/Phòng giao dịch của công ty chứng khoán và thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu khi nhà đầu tư giao dịch trực tiếp tại quầy.

10. Chỉnh sửa quy tắc xây dựng rổ cổ phiếu VN Diamond

Ngày 30/8/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý chỉ số các cổ phiếu Kim cương Việt Nam (VN Diamond Index) phiên bản 3.0 nhằm thay thế quy tắc phiên bản 2.1 được ban hành ngày 30/9/2022.

Quy tắc được sửa đổi theo hướng nâng cao mức thanh khoản của cổ phiếu, điều chỉnh quy định về hệ số P/E, thay đổi tiêu chí về giá trị vốn hóa còn lại mà nhà đầu tư ngoại có thể giao dịch, định nghĩa các rổ chỉ số như rổ cổ phiếu tạm tính, rổ cổ phiếu chờ loại ra…; điều chỉnh một số công thức tính các chỉ số.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.