Liên quan đến vụ lùm xùm chi trả tiền hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, không ít hộ dân tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vô cùng bức xúc, khi chứng kiến nhiều hộ có hoàn cảnh kinh tế khá giả nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ theo diện cận nghèo. Để làm rõ những phản ánh này, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã đi tìm hiểu, ghi nhận thực tế.
Theo đó, không ít hộ dân trên địa bàn xã Cư Elang có điều kiện kinh tế khá giả, nhà cửa khang trang, kinh doanh buôn bán nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Đó là hộ ông Hoàng Quốc Tiến, trú buôn Vân Kiều, xã Cư Elang, có căn nhà mái thái, phía trước được ốp gạch men sáng bóng từ chân tường đến nóc nhà nhưng thuộc diện cận nghèo nhiều năm nay. Đồng thời, mới đây gia đình ông Tiến cũng được nhận 3 triệu đồng tiền hỗ trợ Covid-19 cho 4 nhân khẩu.
Trao đổi về vấn đề này, bà Bàn Thị Vững (vợ của ông Hoàng Quốc Tiến) cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo từ năm 2015-2020. Tuần trước, khi tôi ra UBND xã để xin gia hạn hộ cận nghèo, mới phát hiện gia đình mình có tên trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ Covid-19 chứ không ai báo cho biết. Gia đình tôi cũng không biết ai là người đã đưa mình vào danh sách nhận tiền hỗ trợ này”.
Hộ ông Lai Phúc Xuân có cửa hàng kinh doanh tạp hóa, phân bón được nhận tiền hỗ trợ Covid-19.
Nhắc đến việc có nhiều hộ có điều kiện kinh tế khó khăn hơn nhưng không nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ, bà Vững nói: “Rất là bất công. Mình cũng thấy bức xúc nhưng không làm sao được”, bà Vững nói. Thế nhưng, khi được hỏi, liệu gia đình có sẵn sàng nhường số tiền hỗ trợ đã nhận cho những hộ khó khăn hơn, thì bà Vững chia sẻ: “Mỗi người có một cái khổ riêng, bề ngoài nhìn thế nhưng bên trong có biết bao nhiêu cái khổ thì làm sao nhường được”.
Cách nhà ông Tiến một căn, là hộ ông Hoàng Lưu Văn (trú tại buôn Vân Kiều) được người dân đánh giá là hộ có điều kiện kinh tế khấm khá, sống trong căn nhà mái thái to, đẹp. Thế nhưng, gia đình ông Văn vẫn có tên trong danh sách được nhận số tiền 3 triệu đồng hỗ trợ Covid-19 cho 4 khẩu theo diện hộ cận nghèo. Đáng nói, cách nhà ông Văn chưa đầy 1km, hộ ông Lai Phúc Xuân, SN 1969, trú tại buôn Vân Kiều, xã Cư Elang có cửa hàng kinh doanh, buôn bán tạp hóa, phân bón ổn định nhiều năm nay cũng nhận hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ với số tiền 3.750.000 đồng cho 5 khẩu. Lý giải về điều này, bà Hà Thị Là (vợ ông Xuân) cho hay: “Gia đình mình vẫn còn cận nghèo 3-4 năm nay. Nhà mình cũng nghèo lắm, thời xưa giờ có đâu, mới lên được 2 năm nay thôi. Có danh sách thì nhận thôi, người ta cho thì lấy. Đối với những hộ khó khăn không được nhận tiền hỗ trợ chắc là sót thôi, người ta vẫn làm bổ sung cho mà”.
Bên cạnh đó, gia đình ông Trương Văn Thăng, SN 1964, trú thôn 6B, xã Cư Elang đã thoát nghèo nhưng vẫn có tên trong danh sách được nhận 3 triệu đồng/4 khẩu tiền hỗ trợ Covid-19. Ông Thăng chia sẻ: “Bây giờ gia đình tôi thuộc diện hộ giàu rồi, thoát nghèo cách đây 4-5 năm rồi nhưng không hiểu sao trên danh sách vẫn có tên nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, khi tôi lên xã hỏi thì không được nhận do không có sổ hộ nghèo, cận nghèo nữa”.
Hộ ông Hoàng Lưu Văn được người dân đánh giá là có điều kiện kinh tế khấm khá, sinh sống trong căn nhà mái thái to, đẹp nhưng vẫn có tên trong danh sách được nhận số tiền 3 triệu đồng hỗ trợ Covid-19 cho 4 khẩu theo diện hộ cận nghèo.
Trong khi các hộ có điều kiện khá giả nói trên được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ thì gia đình bà Trương Thị Hoa, SN 1967, trú thôn 6B, xã Cư Elang không những không được gia hạn mà còn bị giữ sổ hộ nghèo. Theo ghi nhận, cả gia đình bà Hoa sinh sống trong căn nhà tranh, vách nứa dột nát khắp nơi. Nhìn trong nhà không có gì giá trị ngoài vài bộ quần áo, xoong nồi và những chiếc bao ni lông cũ kỹ.
Gia đình bà Trương Thị Hoa sống trong căn nhà tranh vách nứa tạm bợ, rách nát nhưng không được gia hạn hộ nghèo, cũng không được nhận tiền hỗ trợ Covid-19.
Bà Hoa tâm sự: “Gia đình tôi có 4 khẩu, đến năm 2019 vẫn thuộc hộ nghèo của địa phương. Hàng chục năm nay, chồng tôi bị bệnh thần kinh. Hơn nữa, bản thân tôi cũng đau ốm và nằm viện thường xuyên nên không làm ra tiền. Khi nghe tin chi trả tiền hỗ trợ Covid - 19, tôi cầm sổ hộ nghèo của gia đình ra xã nhờ gia hạn năm 2020 để nhận hỗ trợ. Thế nhưng, sau 3-4 ngày chờ đợi, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã nói, gia đình tôi đã bị cắt hộ nghèo, cũng không thuộc hộ cận nghèo nên không có trong danh sách nhận tiền hỗ trợ. Nghe vậy, tôi nói nếu không được thì cho tôi xin lại sổ hộ nghèo nhưng cán bộ xóa đói giảm nghèo xã không trả mà giữ luôn đến nay”.
Nhìn khắp nơi trong căn nhà tềnh toàng của gia đình bà Hoa chỉ chất đầy bao ni lông, quần áo, xoong nồi cũ kỹ.
Nhiều người càng ngạc nhiên hơn khi hộ ông Ngân Văn Chia, SN 1982, Phó Trưởng thôn 6B, xã Cư Elang sinh sống trong căn nhà khang trang nhưng vẫn được nhận 4,5 triệu đồng/6 khẩu tiền hỗ trợ Covid-19. Mặt khác, 2 căn nhà xây ngay khang trang ngay bên cạnh nhà ông Chia là hộ ông Ngân Văn Tiến và Ngân Văn Tiệp (cùng trú tại thôn 6B) cũng được nhận tiền hỗ trợ Covid-19 theo diện cận nghèo. Trong đó, hộ ông Tiến được nhận 2.250.000 đồng/3 khẩu, hộ ông Tiệp được nhận 3 triệu đồng/4 khẩu.
Căn nhà khang trang của gia đình ông Ngân Văn Chia.
Để rộng đường dư luận, PV tìm đến nhà ông Chia nhằm làm rõ về việc nhận tiền này. Ông Chia cho hay: “Quá trình rà soát, năm 2019, thôn 6B có 60 hộ thoát nghèo và trở thành diện cận nghèo. Sau đó, thôn gửi danh sách các hộ cận nghèo này lên nhưng không hiểu lý do gì danh sách trên xã lại không có tên những hộ dân này được hưởng tiền hỗ trợ. Còn danh sách được phê duyệt nhận tiền hỗ trợ thì không phải thôn lập, không biết họ nhặt ở đâu, lấy từ năm nào, thôn cũng không biết. Đến bây giờ, thôn cũng không biết những hộ nào được nhận tiền hỗ trợ Covid-19”.
Ông Chia cũng khẳng định, bản thân ông không hề biết gia đình mình có tên trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Bởi, trong danh sách mà ban tự quản thôn đưa lên không có tên gia đình ông. Hơn nữa, trong quá trình thôn phối hợp với xã đi thẩm tra, rà sát lại, xét thấy một số hộ khá giả nên đã đưa ra khỏi danh sách được hưởng tiền Covid-19 và cho gia đình ký cam kết nhưng cuối cùng vẫn được hưởng khoản tiền hỗ trợ này.
Ông Chia thẳng thắn cho hay, so với các hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn thì gia đình ông không xứng đáng được nhận tiền hỗ trợ và danh sách được nhận tiền hỗ trợ không công bằng cho người dân. “Nếu như theo danh sách mà thôn lập thì không đến nỗi dân bức xúc như hôm nay”, ông Chia nói.
Nhà ông Ngân Văn Tiệp (trú tại thôn 6B) cũng được nhận 3 triệu đồng/4 khẩu tiền hỗ trợ Covid-19 theo diện cận nghèo.
Rà soát, xác minh nhằm tránh trục lợi, lợi dụng
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Ea Kar cho biết, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tiến hành rà soát, xác định đối tượng đúng theo quy trình, đúng theo hướng dẫn của Nghị quyết 42. Trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có xã Cư Elang đã gặp những khó khăn nhất định. “Việc rà soát hộ nghèo có những bất cập từ dưới thôn. Khi thôn rà soát hộ nghèo, cận nghèo đưa dữ liệu về cho xã nhưng xã không giám sát, kiểm tra chặt. Do đó, có một số trường hợp chưa đúng. Qua rà soát mới đây, chúng tôi biết một số trường hợp, khi xã Cư Elang thành lập các đoàn xuống rà soát lại trên cơ sở danh sách của thôn thì có một số trường hợp thu nhập khá làm đơn xin không nhận tiền. Trên cơ đó, Xã tổng hợp lại, họp ban chỉ đạo của Xã xét duyệt từng trường hợp, sau đó lập danh sách chuyển cho huyện tổng hợp làm tờ trình báo cáo cho tỉnh phê duyệt”, ông Thanh chỉ rõ. Cũng theo ông Thanh, quá trình chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 tại xã Cư Elang có những vấn đề phức tạp như: Việc quản lý địa bàn dân cư của xã chưa được tốt, đặc biệt đây là xã mới thành lập nên dân di cư tự do đông, dân tạm trú nhiều. Vì vậy, một số trường hợp có sổ hộ nghèo nhưng không có khẩu, dẫn đến tồn đọng trên 200 hộ chưa cấp tiền được. Trước những khó khăn trên, Huyện đã thành lập đoàn làm việc với xã Cư Elang, từ đó chỉ đạo xã tiếp tục rà soát, xác minh các trường hợp vướng mắc để chi trả kịp thời cho bà con. Đồng thời, Phòng đang phối hợp với bưu điện rà soát, xác minh, kiểm tra nhằm tránh trục lợi, tránh lợi dụng. “Chúng tôi "gác cửa" rất kỹ để làm sao tiền hỗ trợ đến đúng người, đúng địa chỉ theo Nghị quyết 42”, ông Thanh nói thêm. Ông Thanh cũng cho rằng, việc dân không được nhận tiền là trách nhiệm của xã. Vì xã là đơn vị quản lý dân cư, quản lý vấn đề hộ nghèo, cận nghèo, có trách nhiệm rà soát, kiểm tra lại.K.N