Sáng ngày 14/5, chúng tôi trở lại xóm Trên (thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) để “lắng nghe” cuộc sống người dân nơi đây trong ngày đầu tiên sau khi dỡ cách ly.
Đúng 0h ngày 14/5, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy công bố lệnh dỡ bỏ phong tỏa sau 28 ngày thực hiện mệnh lệnh cách ly tuyệt đối, giây phút ấy chẳng khác nào thời khắc Giao thừa thật đặc biệt trong lòng mỗi người dân thôn Đông Cứu, ai nấy đều rạng rỡ nét hoa trên gương mặt. Niềm vui lớn nhất mà khoảnh khắc này mang lại chính là “cánh cổng” đưa nhịp sống trở lại bình thường, đưa sức sống làng nghề trở lại đong đầy trên những khung thêu, nối dài đường chỉ trên những sản phẩm thêu “nức tiếng” từ hàng trăm năm nay.
Ngay từ những phút còn đang “đếm ngược”, gia đình anh Đỗ Bá Nhuần (SN 1977) đã háo hức theo dõi diễn biến nơi hàng rào cách ly từ bậc thềm trước hiên nhà. Gia đình anh có một cửa hàng kinh doanh sản phẩm thêu truyền thống đã trải qua ba thế hệ, đến nay vẫn giữ được bản sắc. Không giấu được niềm vui khi “mệnh lệnh lúc 0h” được phát ra, anh Nhuần chia sẻ: “Trong thời gian thực hiện cách ly, chúng tôi cũng gặp đôi chút khó khăn, bất tiện nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên đã bước qua những trở ngại ấy một cách bình yên. Cảm xúc ngay lúc này của tôi quả thực không thể diễn tả được. Mọi ngày, giờ này cả gia đình đã được một giấc ngon lành rồi, nhưng hôm nay háo hức quá, không ai ngủ được, các con tôi cũng đòi thức để đón “Giao thừa” cùng… Bản thân tôi cũng đang vô cùng háo hức mong chờ đến sáng mai để bắt tay vào công việc”.
Hàng trăm người vỗ tay, reo hò, phất cờ như ăn mừng niềm vui chiến thắng, bước qua chuỗi 28 ngày cách ly một cách bình yên, không phát hiện thêm ca dương tính mới. Đó là niềm hạnh phúc chung của xóm Trên, của cả thôn Đông Cứu ngay lúc này. Nhìn không khí náo nức giữa “một đêm không ngủ” này, cụ Nguyễn Thị Tưới (SN 1937) cũng không thể ngồi yên trong nhà. Thật khó có thể quên được hình ảnh một cụ bà tóc bạc rưng rưng nơi khóe mắt nỗi xúc động nghẹn ngào, khi niềm mong mỏi của cụ suốt bao ngày qua đang hiện hữu.
“Vui sướng lắm! Giống như “trời cho được của” ấy… Tôi không biết nói gì, mà trong lòng phấn khởi, hôm nay mới thức đến giờ này vì cứ thao thức không ngủ được. Mấy ngày nay, hôm nào tôi cũng hỏi con cháu: “Bao giờ mới được dỡ cách ly?!”. Gia đình tôi theo nghề thêu truyền thống đã được 4 đời rồi, giờ đến các cháu tôi đang giữ lửa nghề. Thời gian vừa qua vì dịch bệnh, cả thôn xóm phải cách ly, công việc của gia đình cũng không được suôn sẻ, từ ngày mai là các cháu tôi đã có thể yên tâm hơn rồi...”, cụ Tưới hồ hởi.
Chị Nguyễn Thị Hụt cũng không giấu nổi nét mừng rỡ khi: “Ngày mai được tự do đi làm đồng, làm ruộng… Trẻ con được đi học trở lại. Không có gì phấn khởi bằng!”.
Buổi sáng đầu tiên sau những ngày cách ly, đường làng ngõ xóm nơi đây trở lại vẻ tấp nập như chưa từng có những hàng rào cảnh giới. Những lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trước mỗi nếp nhà như gieo một sức sống mới. Đường vào xóm Trên hôm nay như rộng hơn, những cửa hàng thêu hôm nay như thêm phần bận rộn vì những chuyến hàng bị đọng lại trong dịp cách ly đang tấp nập trả đơn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Kế Nghênh (SN 1990), người đã mở của hàng và gắn bó với nghề thêu từ 8 năm nay cho biết: “Khi Đông Cứu hết dịch, chúng tôi lại yên tâm bắt tay vào việc. Thời gian vừa rồi, tôi phải cho nhân công nhận việc về làm tại nhà để đảm bảo giãn cách, nên năng suất cũng có phần sụt giảm. Sản phẩm thêu xong cũng không xuất ra bên ngoài được, nên tháng vừa rồi, doanh thu của gia đình cũng bị thiệt hại khoảng 50%. Hôm nay, tôi bắt đầu cho nhân công trở lại làm việc bình thường để có thể kịp thời giao những lô hàng tiếp theo”.
Miệt mài bên một khung thêu tại cửa hàng, một nữ nghệ nhân tất bật chia sẻ: “Ở Đông Cứu chúng tôi đến nay vẫn còn khoảng 70% hộ dân giữa được nghề thêu. Thêu giống như đã trở thành sức sống chủ đạo của làng… Người dân ở làng này, có thể nói là ai cũng biết thêu, có thể có người giỏi người không nhưng có lẽ, giống như chúng tôi có năng khiếu hơn và được tiếp cận sớm nên ai cũng có thể thêu sản phẩm nào đó… Bao nhiêu ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, chúng tôi có nhận hàng về làm cũng thấy chán hơn làm tập trung tại cửa hàng, đến đây, chị em còn được chia sẻ dăm ba câu chuyện với nhau, hiệu quả làm việc lại hơn nhiều... Đợt dịch vừa rồi, lượng sản phẩm chúng tôi được giao cũng ít hơn mà năng suất, hiệu quả chúng tôi thực hiện tại nhà cũng không đạt bằng, có lẽ một phần do tâm lý...”.
Cũng sở hữu một cửa hàng thêu nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Chỉnh (SN 1990) chia sẻ về những khó khăn vừa trải qua: “Gần một tháng vừa rồi, chúng tôi luôn tuân thủ cách ly theo đúng sự chỉ đạo của Chính phủ, nên nghề thêu của làng nói chung và của gia đình tôi nói riêng đều gặp khó khăn. Trong thời gian đó, chúng tôi không thể nhập nguyên vật liệu từ bên ngoài vào, nhân công cũng không đến cửa hàng làm việc được, tôi phải giao việc cho nhân công mang về nhà làm để đảm bảo giãn cách. Hàng thêu sản xuất ra được, song, lại không thể chuyển đi giao được. Hết khách này đến khách khác đều đang chờ hàng đặt. Hàng thêu xong bị đọng lại nhiều... Mọi hoạt động sản xuất gần như bị ngưng trệ...”.
Bên cạnh những khó khăn, hôm nay, anh Chỉnh cũng có những tin vui muốn “khoe” với cửa hàng. Anh bật mí: “May mắn là khách hàng của tôi vẫn “giữ mối”, không thay đổi sang nguồn hàng khác, nên ngay hôm nay, chúng tôi đã có kế hoạch để chuyển hàng cho khách”.
Những chuyến xe đang “gõ cửa” từng cửa hàng thêu như một dấu hiệu đáng mừng cho làng thêu khởi sắc sau 28 ngày “ngủ đông” vì dịch Covid-19 vừa kết thúc.
Trước đó, ngày 15/4, UBND huyện Thường Tín đã lập các chốt khoanh vùng, cách ly toàn bộ khu vực thôn Đông Cứu để xử lý ổ dịch với 572 hộ, 1.896 nhân khẩu. Với việc thôn Đông Cứu được gỡ bỏ lệnh cách ly, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện không còn “ổ dịch” nào liên quan đến Covid-19.
T.T-T.T