Hà Nội: Nhức nhối tình trạng văn phòng nhà xe biến thành… “bến cóc”

Nguyễn Lâm

Theo quy định, xe khách chạy dạng hợp đồng, du lịch chỉ được đón, trả khách tại vị trí ghi trên hợp đồng, nhưng trên thực tế, nhiều nhà xe bán vé, đón trả khách,… không khác gì tuyến cố định.

Tràn lan vi phạm

Gần đây, phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải lập văn phòng đại diện ở khu vực gần các bến xe lớn tại Hà Nội như: Mỹ Đình, Nước Ngầm,… “lách luật” để tiến hành bán vé, đón/trả khách gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Có mặt tại văn phòng của nhà xe Ngọc Ánh chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng (ở số 18, ngõ 83 Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai), chúng tôi bắt gặp xe khách mang biển kiểm soát 43B-051.67 đã chờ sẵn để vận chuyển hành khách vào Đà Nẵng, cạnh đó là hàng chục hành khách đang nháo nhào sắp xếp hành lý để bắt đầu hành trình.

Theo quy định, mặc dù các văn phòng đại diện này không được phép tổ chức bán vé, tiến hành đón, trả khách,… thế nhưng những hoạt động trên vẫn ngang nhiên diễn ra.

Xe khách Ngọc Ánh ngang nhiên đón khách tại khu vực văn phòng đại diện.

Đáng nói hơn, thời điểm chúng tôi ghi nhận vào giờ tan tầm nên khu vực này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, việc xe khách dừng đỗ để đón khách, bốc xếp hàng hóa ngay dưới lòng đường khiến người dân di chuyển khó khăn.

Đặc biệt, tại khu vực văn phòng công ty TNHH MTV Festivan bus Minh Mập (số 699 đường Giải Phóng) nằm cách bến xe Giáp Bát khoảng 500m, các hoạt động giao dịch, vận chuyển hành khách vẫn ngang nghiên diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề có bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý – mặc dù trong giấy phép không cho những hoạt động này diễn ra ở văn phòng.

Còn tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình, phóng viên ghi nhận tình trạng nhà xe đón, trả khách tại văn phòng chủ yếu các địa điểm như văn phòng nhà xe Minh Dũng, chạy tuyến Hà Nội – Ninh Bình (địa chỉ số 11, ngõ 70 đường Nguyễn Hoàng, Hà Nội); văn phòng nhà xe Việt Trung, chạy tuyến Thái Bình – Hà Nội (địa chỉ đối diện số 104 đường Mỹ Đình, Hà Nội) với tần suất hoạt động tương đối lớn khoảng 20 chuyến/ngày. Những xe này sau khi đón khách tại văn phòng xong không di chuyển vào bến Mỹ Đình mà di chuyển thẳng về các tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Trường Sơn - Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết tình trạng các đơn vị kinh doanh vận tải lập văn phòng để đón khách gần khu vực bến xe Mỹ Đình xuất hiện nhiều từ vài năm trở về đây. Mọi việc sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu các nhà xe này sau khi đón khách tại văn phòng nhưng vẫn vào bến để bán vé, đón khách, xuất bến đúng giờ,… Đáng ngại nhất là những trường hợp xe hợp đồng chạy trá hình như tuyến cố định sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho những xe hoạt động trong bến.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên, Đại uý Trần Quang Chinh - Đội phó đội CSGT số 6 (phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho rằng, các văn phòng đại diện của nhà xe trên địa bàn chủ yếu là xe hợp đồng và việc xử lý về việc đón, trả khách tại đây của lực lượng CSGT cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đại úy Chinh cho biết: “Việc các đơn vị kinh doanh vận tải thành lập văn phòng gần khu vực các bến xe là không sai, thế nhưng việc tổ chức bán vé, đón, trả khách tại các văn phòng là sai so với quy định. Để xử lý triệt để tình trạng này cần sự phối hợp, chung tay của chính quyền sở tại, lực lượng Cảnh sát giao thông – Trật tự quận, đội Thanh tra giao thông quận và Cảnh sát giao thông.

Do quy định về thẩm quyền xử lý nên đội CSGT số 6 chỉ có thể xử phạt xe khách đón, trả khách sai quy định chứ không thể xử phạt liên quan đến bán vé và các vi phạm khác. Theo thống kê từ ngày 17/5 – 17/6/2020, đội CSGT số 6 đã phát hiện, xử lý tổng cộng 231 trường hợp xe khách dừng, đỗ sai quy định trên địa bàn”.

Đại úy Trần Quang Chinh - Đội phó đội CSGT số 6 - Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội

Cùng trao đổi về vấn đề này, đại diện Thanh tra sở GTVT Hà Nội thừa nhận trên địa bàn TP Hà Nội đang xảy ra tình trạng văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải đón, trả khách sai quy định, xe hợp đồng hoạt động như xe cố định.

Vị này cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của sở GTVT Hà Nội, lực lượng Thanh tra sở GTVT Hà Nội tiến hành kiểm tra, rà soát tại tất cả các văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn TP Hà Nội. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 63 trường hợp đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có hiện tượng đón, trả khách, bốc, xếp hàng hóa.

Điển hình như Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Hoàng Lâm (địa chỉ số 195 Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội); công ty TNHH Xe Việt Nam (số 43 Nguyễn Quốc Trị, Trung Hòa, Cầu Giấy); văn phòng đại diện công ty Nam Cường (SNH 26 khu TT Yên Hòa – Trung Hòa); công ty Minh Thành Phát (Sao Việt),…

Vị này cho biết: “Để giải quyết thực trạng trên, Thanh tra sở GTVT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đội Thanh tra GTVT trực thuộc tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải, các văn phòng đại diện sử dụng xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định để vận chuyển hành khách”.

N.L