Khi thành phố lên đèn là bao con tim của du khách trẻ tuổi, thậm chí là trung tuổi lại rạo rực, lại thổn thức mong chờ một đêm chất ngất vui ở nơi xứ lạ. Nhưng mong chờ này bao giờ mới thôi là giấc mơ xa vời của các du khách khi đặt chân đến các điểm du lịch, thậm chí là điểm đến nổi tiếng của dải đất hình chữ S?
“Mình chỉ cần ở Hà Nội một đêm thôi là đủ rồi, sau đó là qua Đà Nẵng, qua Mũi Né, qua miền Tây, vậy nghen”, cô bạn người Pháp gốc Việt đã lanh lẹ chốt lại kế hoạch cho chuyến đi chơi của chúng tôi trong lần về Việt Nam như vậy.
Trước đó, trong cuộc thảo luận dài về những điểm đến du lịch ở Việt Nam, khi nghe tôi thuyết phục về việc dừng chân lâu hơn ở Hà Nội, cô bạn đồng niên đã không ngần ngại bộc bạch: “Tui biết Hà Nội gắn bó với bạn, bạn rất hiểu Hà Nội và quê ngoại tui cũng ở đó nhưng Hà Nội có gì chơi đâu, ra Bờ Hồ, ăn kem Hồ Tây, thăm lăng Bác Hồ rồi tối, có mỗi Tạ Hiện à, là hết sạch trơn, đâu còn gì nữa”.
Tôi tin cô bạn không phải là trường hợp duy nhất chỉ xem Hà Nội là điểm trung chuyển cho các chuyến đi tới các điểm đến khác vì “đâu có gì để chơi”, vì “buổi tối buồn tẻ lắm”. Nhưng tôi cũng tin không chỉ Hà Nội mà TP Hồ Chí Minh, Mũi Né, Phan Thiết... hiện cũng chưa thể là điểm dừng chân lâu dài cho những du khách trẻ tuổi như bạn tôi chỉ vì thiếu cuộc sống nhộn nhịp, cuốn hút khi đêm về.
Ngay cả đến Đà Nẵng, thành phố du lịch hàng đầu ở Việt Nam, buổi tối cũng rất buồn tẻ, chưa xứng tầm với một thành phố đón 7,6 triệu khách du lịch mỗi năm. Ban ngày Đà Nẵng có nhiều điểm đi nhưng thú thực buổi tối người ta cũng đâu biết làm gì khác ngoài những hoạt động mà chỉ một hoặc hai đêm thôi là hết sạch. Những chợ đêm Sơn Trà, phố đêm Thanh Khê, cầu Rồng... có chăng cũng chỉ là đi một lần, là ăn uống, là mua sắm đơn thuần mà thôi.
Thiếu vắng hoạt động ban đêm cuốn hút thực sự là sự lãng phí lớn cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung bởi về đêm mới chính là điều khách cần, là các dịch vụ có thể “hốt bạc”. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Viettravel, có tới 70% nguồn thu từ du lịch đến từ các sản phẩm về đêm và điều này đang bị nước ta bỏ phí do chưa biết cách khai thác. Đó là lý do khi số lượng du khách tới nước ta tăng mạnh nhưng doanh thu từ du lịch thì lại tăng chưa tương xứng.
Cũng vì thiếu chỗ ăn, chơi khiến số du khách quốc tế quay lại Việt Nam có những năm chỉ chiếm chưa đến 10 %, so với tỷ lệ 82% khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% khách du lịch quay trở lại Singapore. Một con số đáng phải suy ngẫm.
Hơn bao giờ, những năm gần đây nền kinh tế ban đêm được các quốc gia trên thế giới thực sự đề cao. Và du lịch là ngành mang dấu ấn chính trong nền kinh tế ban đêm ấy.
Mô hình kinh tế ban đêm (Night-time economy) cũng bắt đầu được khuyến khích và quan tâm ở nước ta. Những mô hình phố đi bộ đêm ở Hà Nội, TPHCM, những cửa hàng mở 24/24, những mô hình kinh doanh đêm... là những minh chứng. Tuy nhiên, dấu ấn của kinh tế đêm ở ta thực sự vẫn còn mờ nhạt.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm cho người Anh. Kinh tế ban đêm cũng mang lại 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm và ước tính đạt quy mô 400 tỷ yên tại Nhật Bản vào năm 2020.
Điều đáng nói, để "khuấy động" khu vực "kinh tế ban đêm", các quốc gia trên thế giới có nhiều chính sách khuyến khích mạnh. Ở Bắc Kinh, chính quyền cam kết hỗ trợ khoản tiền lớn cho các hoạt động phát triển kinh doanh ban đêm tại các con phố với các hàng ăn ban đêm, chợ đêm cũng như các cửa hàng tiện lợi mở 24/7. Ở London, Anh, còn bổ nhiệm người nắm giữ các chức vụ “Nữ hoàng về đêm”, "Thị trưởng Đêm" nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm. Tại nhiều thành phố khác của châu Âu như Paris, Toulouse (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ) hay Amsterdam (Hà Lan) đều có những chức danh tương tự từ nhiều năm trước.
Với nền kinh tế ban đêm, người tiêu dùng chính là những người trẻ tuổi. Vậy, khu vực nào hay cuộc sống về đêm nào sẽ thu hút người trẻ? Là quán ăn đêm, là trung tâm mua sắm? Là nhà hát, là rạp phim, nhà sách, bảo tàng hay các quán bar?… Rất có thể đó là tất cả.
Tôi tin rằng nền kinh tế ban đêm không giản đơn chỉ gói gọn trong mấy hình thức như “chợ đêm” hay “nhà hàng đêm” mà ta vẫn bắt gặp ở đâu đó trong một vài điểm đến du lịch ở ta. Để nền kinh tế ban đêm phát triển, hẳn nhiên phải xây dựng cả một hệ sinh thái kinh tế và văn hóa dưới sự góp sức của các cơ sở và dịch vụ hỗ trợ hoàn hảo. Có như vậy, những thành phố không ngủ mới trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ, không thể rời xa với du khách thập phương.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.