Hơn 1 tháng qua, Hà Tĩnh có nắng nóng trên diện rộng, nền nhiệt có nhiều ngày trung bình lên đến 40 - 42 độ C. Nắng kèm theo hiệu ứng phơn Tây Nam càng thiêu đốt, người dân gồng mình để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, mọi sinh hoạt đảo lộn. Đặc biệt, nắng nóng kéo dài khiến vùng “chảo lửa” Hương Khê xuất hiện tình trạng hạn hán, hàng nghìn ha hoa màu, cây ăn quả của người dân bị khô héo.
Vừa kéo đường ống tưới nước chống hạn, anh Nguyễn Văn Tiềm, thôn Trường Sơn, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hơn một tháng nay, xã Lộc Yên không có giọt mưa nào. Nắng nóng từ 6h sáng đến tận 18h đã khiến khoảng 200 gốc bưởi và cam của anh bị héo, một số diện tích mới trồng khoảng 2 năm chết khô từ gốc đến ngọn.
Diện tích lớn bưởi, cam chết khô vì nắng nóng, thiếu nước tưới.
Anh Tiềm cho biết, nắng hạn không chỉ gây chết cho diện tích cây ăn quả mới trồng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến việc chất lượng cam, bưởi và tuổi thọ cây trồng. Để cứu vườn cây ăn quả trị giá hàng tỷ đồng, cách đây hơn 1 tuần anh Tiềm đã phải khoan thêm giếng để lấy nước tưới cây.
Anh Tiềm là một trong số rất nhiều vườn cây ăn quả bị ảnh hưởng trong đợt nóng nắng này trên địa bàn huyện Hương Khê. Theo số liệu thống kê, toàn huyện Hương Khê có 157 hồ, đập vừa và nhỏ nhưng đến nay đã có rất nhiều đập như: Nhà Vân (xã Hương Vĩnh); đập Bắc (Phú Gia); hồ Hà Thông, đập Nậy (xã Hương Xuân); đập Nhà Tầu, đập Z20 (xã Hương Trạch); đập Làng (Hương Đô); đập Trâm, Khe Nước, Cây Tắt (Hoà Hải); đập ông Đọn (xã Phúc Đồng)… nằm dưới mực nước chết.
Trong tuần tới nếu không có mưa lớn bổ sung, lượng nước còn lại ở hầu hết các hồ chứa cũng chỉ đủ cho 1 đến 2 đợt tưới.
Hệ thống hồ, giếng nước cạn khốc do nắng hạn nhiều ngày.
Tại xã Hương Lâm, gần như 100% diện tích đất sản xuất cây trồng cạn (50 ha) và lúa hè thu (25 ha) của xã đã rơi vào tình trạng thiếu thiếu nước nghiêm trọng. 4/4 hồ chứa nước trên địa bàn cạn trơ đáy, không còn khả năng tưới.
Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến khoảng 110.000 ha rừng nâng mức cảnh báo cháy lên cấp III, cấp IV. Diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao được xác định lên đến hơn 82.000 ha, trải đều trên địa bàn 12 huyện, thị xã. Trong đó, tại huyện Hương Sơn có 5.000 ha nằm trong diện “báo động đỏ”, có nguy cơ phát lửa, gây cháy rừng bất cứ lúc nào như khu vực rừng xã Sơn Lệ, Sơn Tiến, Sơn Lâm, Sơn Giang, An Hòa Thịnh, Kim Hoa...
Anh Tiềm dùng bì bịt kín từng quả bưởi đang độ phát triển để tránh nắng.
“Thời điểm này công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Bởi ngoài thời tiết nắng nóng kéo dài thì hiệu ứng phơn Tây Nam thổi mạnh đã khiến cho thảm thực bì khô khốc, cực kỳ dễ bốc cháy, ông Nguyễn Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn nói.
Trước tình hình, các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng đã lên nhiều phương án, “căng mình” thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng.
Nắng nóng cao điểm, lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh túc trực phòng chống cháy rừng 24/24.
Ngồi nghỉ trưa dưới bóng cây xoài nằm trên trục đường Nguyễn Du, TP.Hà Tĩnh nhưng chị Trần Thị Mai (là lao động tự do, trú xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn bịt kín khẩu trang, trùm khăn kín đầu, mang đồ bảo hộ. Chị Mai cho biết, 4h30 phút sáng nay, chị đã dậy để đi làm vì trời nắng quá.
Giữa nắng nóng gay gắt, người lao động nhọc nhằn mưu sinh.
“Chúng tôi được thuê đổ đất để trồng vườn cây, làm từ 5h đến 8h sáng mặt trời đã chiếu gay gắt khó chịu rồi. Ai thuê gì làm nấy, xong việc lại quay về đứng đây chờ người đến thuê. Đến trưa thì tìm bóng râm nghỉ ăn cơm hộp rồi chờ đến chiều làm”, chị Mai chia sẻ. Để tránh nắng, nông dân ở các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh đều ra đồng từ khi mặt trời chưa mọc, khoảng 10h đã vội vã trở về, buổi chiều phải 16h người dân mới dám ra đồng làm đến tối mịt mới về. Nắng nóng kéo dài đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân vì thiếu nước sinh hoạt. Tại địa bàn huyện Hương Khê đã có khoảng 600 giếng nước của các hộ dân cạn trơ đáy, tập trung ở các xã Hương Lâm (400 hộ); Hương Liên (100 hộ); Điền Mỹ (70 hộ).
Làm việc giữa trời nắng nóng, người lao động phải bịt kín mặt, đưa nước theo để giải khát
Nắng nóng kéo dài đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân vì thiếu nước sinh hoạt. Tại địa bàn huyện Hương Khê đã có khoảng 600 giếng nước của các hộ dân cạn trơ đáy, tập trung ở các xã Hương Lâm (400 hộ); Hương Liên (100 hộ); Điền Mỹ (70 hộ). Gần một tuần nay, sáng nào hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Liễu (trú thôn 4, xã Hương Lâm) phải thay phiên nhau xách can đi hơn 1 km xin nước về nấu ăn, tắm giặt vì giếng của gia đình đã cạn. Nhiều hộ dân phải góp tiền lắp đường ống dẫn nước từ khe suối về sinh hoạt.
Nắng quay quắt, người dân lao động sáng tạo Vô vàn cách để chống nóng
“Nắng hạn nên nước khe suối, ao hồ đục ngầu, không đảm bảo vệ sinh nhưng chúng tôi vẫn phải nhắm mắt sử dụng. Thương nhất là con trẻ, đội nắng đi học giữa nhiệt độ 40 - 42 độ C, về nhà lại không đủ nước để ăn, uống, tắm rửa. Nhiều đứa phát bệnh vì nắng nóng, thiếu nước”, chị Lê Thị Tình, trú cùng thôn nói.
Người dân chực chờ chở nước về dùng vì giếng nước bị cạn.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho hay, trong 23 ngày qua trên địa bàn huyện hoàn toàn không có mưa và nắng nóng liên tục. Cá biệt, một số xã như Lộc Yên, Phúc Trạch, Hương Đô… thời gian nắng nóng đã kéo dài đến trên dưới 40 ngày, tình trạng hạn hán đang hết sức căng thẳng.
N.H