Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn gửi bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đủ điều kiện được dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp (hệ 9+). Theo đó, các trường trung cấp, cao đẳng nếu có đủ điều kiện thì đăng ký với sở GD&ĐT tại địa phương để được tổ chức giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh hệ 9+.
Động thái này ngược lại hoàn toàn với chủ trương trước đó của bộ GD&ĐT. Cụ thể, ngày 1/7/2020, bộ GD&ĐT đã có công văn gửi sở GD&ĐT các địa phương hướng dẫn dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề. Theo đó, đối với người học do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển vào học trung cấp nghề, nếu có nguyện vọng học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT để dự thi tốt nghiệp THPT thì các đơn vị này phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ThS Nguyễn Công Cát - Hiệu trưởng trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội - cho rằng, chủ trương cho các trường đào tạo nghề được phép dạy văn hoá là không sai. Tuy nhiên, điều này phải phù hợp với năng lực của mỗi trường.
Theo ông Cát, hiện trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội vẫn đang liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa cho học sinh. Bởi vì thời điểm này, việc chủ động giảng dạy các môn văn hóa ngay trong nhà trường là rất khó khăn.
“Hiện tại, sở GD&ĐT đang quản lý học sinh theo phần mềm, cố định từ đầu vào đến hết lớp 12 nên sự thay đổi là rất khó. Bên cạnh đó, các giảng viên trong nhà trường thường chắc hơn về chuyên môn đào tạo nghề, đặc biệt với lĩnh vực kỹ thuật. Mặc dù một số thầy cô vẫn có thể dạy được một số môn văn hóa, theo chương trình phổ thông, nhưng không thể chuyên sâu. Bởi, trình độ thì có thể dạy được, nhưng phương pháp chưa thực sự phù hợp với các kiến thức phổ thông. Vì vậy, tốt nhất là nên liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên” - ông Cát cho biết.
Nói thêm về những bất cập khi triển khai dạy văn hóa tại trường, ông Cát chỉ ra rằng, nhà trường sẽ phải tuyển thêm đội ngũ giáo viên tốt nghiệp các trường sư phạm, có chuyên môn giáo dục phổ thông.
Cũng trao đổi với PV, ThS Nguyễn Văn Huy - Phó Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - nhìn nhận: “Chủ trương liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo các môn văn hóa là rất cần thiết, bởi các trung tâm đó sẽ có chuyên môn môn học văn hóa, còn trường trung cấp, cao đẳng chỉ chú trọng đào tạo nghề. Hơn nữa, việc quản lý cũng không chuyên nghiệp như bên trung tâm giáo dục thường xuyên”.
Ông Huy cũng cho rằng, khi một trung tâm giáo dục thường xuyên không đủ điều kiện để đào tạo các môn văn hóa cho toàn bộ học sinh hệ 9+ của trường trung cấp hay cao đẳng thì trường có thể liên kết cùng lúc với nhiều trung tâm khác nhau mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu.
Ở phía quan điểm đối lập, bà Cao Thị Hoàn - Giảng viên trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội - lại ủng hộ chủ trương dạy văn hóa trong trường nghề. Bà Hoàn nêu thực tế rằng: “Học sinh hệ 9+ sẽ có 2 năm học nghề và năm lớp 12 sẽ tập trung học các môn văn hóa để thi tốt nghiệp. Nhà trường thường phải gửi học sinh ra trung tâm giáo dục thường xuyên của quận để thi, các bạn thường rất ngại đi và không muốn thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT vì đã có bằng trung cấp”.
Tuy nhiên, theo bà Hoàn, hiện nay chúng ta đang “thừa thầy, thiếu thợ”, khuyến khích học sinh đi học nghề và phân luồng từ sớm; học sinh đã học nghề thì chú trọng kỹ năng, học văn hóa chỉ là điều kiện nên nếu có thể kết hợp đào tạo song song vừa văn hóa vừa nghề trong trường dạy nghề thì sẽ thu hút học sinh hơn”.
Chia sẻ về vướng mắc của những trường chưa chuẩn bị đủ điều kiện để tự giảng dạy các môn văn hóa, bà Hoàn nói rằng: “Để chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng dạy hiện nay cũng không quá khó khăn. Các trường nếu muốn thì đều có thể thực hiện được”.
Trước đó, hồi tháng 7/2020 bộ LĐ-TB&XH đã bày tỏ sự e ngại về việc “quá tải” của các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp khi chỉ có vài giáo viên, không đủ đáp ứng cho số lượng học sinh tại các trường.
Cũng thời điểm này, đại diện bộ LĐ-TB&XH đã đề cập: “Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa. Việc ban hành văn bản hạn chế trường nghề dạy văn hóa, nếu có, là trái luật”.
Do đó, có thể thấy rằng, việc bộ LĐ-TB&XH gửi công văn mới đây đến bộ GD&ĐT như một động thái “nhắc nhở” về sự cần thiết trong việc cho phép giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khi chờ Thông tư chính thức. Quan điểm của Bộ này là, những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình bậc THPT theo Luật Giáo dục thì bộ GD&ĐT nên cho phép.
Đồng tình với chủ trương của cấp trên, ông Phạm Ngọc Luyến - Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc - cho hay, các trường nghề trên địa bàn tỉnh vẫn áp dụng song song dạy nghề và dạy văn hoá.
Ông Luyến nhấn mạnh: “Các trường nghề trên địa bàn đều có khoa cơ bản đào tạo các môn văn hóa chương trình THPT cho học sinh hệ 9+. Mô hình đào tạo này mang lại hiệu quả cao, phân luồng học sinh tốt. Nội dung các môn văn hoá trong trường nghề vẫn đảm bảo bám sát theo chương trình, học sinh vẫn tham dự các kỳ thi chung của bộ GD&ĐT và đạt kết quả tốt”.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Cộng - Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai - nêu thêm khó khăn: Hiện các trường trung cấp, cao đẳng nghề đang vướng mắc trong việc liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo đó, các trường nghề chỉ được dạy các môn văn hóa và cấp chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa (4 môn) trong chương trình đào tạo nghề (học sinh không được dự thi tốt nghiệp THPT), không được đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT (7 môn). Để giảng dạy chương trình 7 môn (học sinh được thi tốt nghiệp THPT), cơ sở giáo dục buộc phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện.
Không phải xây thêm trường THPT công lập
Nhấn mạnh những thành công của việc thí điểm giao chỉ tiêu học văn hóa cho các trường nghề và hỗ trợ tiền cho học sinh, lãnh đạo bộ LĐ-TB&XH còn cho rằng, việc cho phép trường nghề dạy các môn văn hoá sẽ giúp giảm tải và không phải xây thêm trường THPT công lập, tạo được nguồn lao động tại chỗ.
T.T-T.H