Sự việc cụ bà 83 tuổi, sống độc thân tại một xã nghèo của tỉnh Thanh Hóa suốt 2 năm ròng tha thiết xin được trả lại sổ hộ nghèo khiến dư luận dưng dưng trong niềm xúc cảm: nể trọng. Nhưng với ai đó, những kẻ muốn gắn mác nghèo trọn đời để trục lợi chính sách hỗ trợ của nhà nước, việc làm của cụ bà hẳn khiến họ phải hổ thẹn, nhục nhã, nếu còn chút lương tri...
“Bà già ở một mình thoải mái, thích ăn gì thì ăn, thích tiêu gì thì tiêu, đất rộng mấy sào, nghèo là nghèo răng?... Tôi xin phép ủy ban cho tôi trả lại sổ hộ nghèo. Tôi xin thoát nghèo”, từng lời nói chân tình, chậm rãi nhưng đầy rắn rỏi của cụ bà Đỗ Thị Mơ, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa đã khiến nhiều người xem video nức nở trong xúc cảm mạnh. Thực không thể nói gì hơn ngoài sự nể trọng một người phụ nữ mang dáng vẻ giản dị, mộc mạc nhưng ẩn chứa bên trong là khí chất hơn người: Quá đỗi tự trọng, quá đỗi yêu thương.
Tuy nhiên, càng nghe cụ chia sẻ, càng nhìn sâu vào quyết định ở một mình, trồng rau, nuôi gà để không phiền con cái và trả lại sổ hộ nghèo nhường cho “những người còn khổ hơn mình” của người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, thực càng làm gợn lên sự so sánh và ... nổi đóa trước những kẻ không muốn thoát nghèo, thậm chí muốn gắn mác nghèo suốt đời để hưởng tiền trợ cấp theo chính sách của Nhà nước dành cho hộ nghèo.
Đã có biết bao kẻ vợ chồng khỏe mạnh, có đủ nhà, đủ đất và chả thể có nổi dù là một tiêu chí “chuẩn nghèo” nào theo quy định nhưng vẫn quyết chí “chạy” cho bằng được một suất hộ nghèo...
Đã có không biết bao người trẻ tuổi, lành lặn hẳn hoi nhưng dày mặt vác đơn khắp nơi kiện lên kiện xuống vì... không được cấp sổ hộ nghèo.
Biết bao kẻ thậm chí còn cả gan dùng đủ mọi thứ mánh khóe bẩn thỉu từ lập hồ sơ giả cho đến làm giả chứng nhận bệnh để cốt nhận được khoản tiền trợ cấp vốn không dành cho mình.
Dã tâm làm cái việc nhơ nhớp ấy, giờ nhìn cụ bà khước từ lợi ích được hưởng, những kẻ ấy có tự thấy lương tâm cắn rứt, có hiểu nỗi nhục đang mang? Nếu không có, lương tri hẳn đã không còn.
Với những vị quan gian, thừa cơ đục nước béo cò, “dắt nhầm” suất dê, bò, trâu dành cho những hộ nghèo vào chuồng nhà mình có giật mình, lục vấn lương tâm khi nghe một người già hết tuổi lao động, chỉ sống dựa vào việc cấy lúa, trồng rau rành rọt tuyên bố: “Tôi không xứng đáng đứng vô chỗ người nghèo”? Nếu không thấy, chỉ có thể là não không còn.
Ngay cả sự bẽ bàng của mấy vị quan khi việc “dắt nhầm” trâu, bò, của người nghèo vào nhà mình bị vỡ lở, hay khi chuyện ăn chặn tiền từ thiện bị phát giác xét ra cũng không đau, không đáng hổ thẹn bằng việc phải đối mặt với hình ảnh cụ bà 83 tuổi, suốt 2 năm ròng đấu tranh xin thoát nghèo.
Thoát nghèo thì cụ Mơ sẽ không được nhận Bảo hiểm y tế người nghèo, không được trợ cấp tiền điện hàng tháng hay nhận quà Tết vào dịp cuối năm. Nhưng cụ không cần.
Hình ảnh cụ bà già cả, nghèo nhưng không tham và sẵn sàng trả lại những chính sách hỗ trợ của nhà nước lại cho nhà nước, để giúp cho những người khó khăn hơn chính là một “cú tát” mạnh vào thói tham lam của những quan tham nhũng, vơ vét tài sản của công. Hãy nhìn tấm gương của cụ mà sửa đổi trước khi quá muộn.
“Tôi có rất nhiều chỗ nương tựa, nhưng tôi chưa phải nương tựa đến.... Tôi thấy rằng những người già khỏe mạnh chỉ có nhác (lười) thì mới nghèo” - từng lời nói chân tình của cụ Mơ như những “lưỡi dao” sắc gọt cứa vào thói ỷ lại, dựa dẫm và lười biếng của phần đông những kẻ... mãi vẫn không chịu thoát nghèo.
Câu chuyện của cụ Mơ chính là bài học lớn về quyết tâm không thể là người nghèo, không nên dựa vào sự cứu giúp của ai cả. Hãy có liêm sỉ và lòng tự trọng, hành động để đưa gia đình, đất nước phát triển giàu mạnh.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.