Ham làm giàu bất chính, 9X cùng đồng bọn buôn bán tiền giả vướng vòng lao lý

HOÀNG HƯNG

Gia đình làm nghề in ấn và quảng cáo, bản thân Hải cũng thành thạo máy tính và phần mềm chỉnh sửa ảnh nên hắn nảy sinh ý định làm giàu một cách nhanh chóng bằng việc làm tiền giả. Khi công việc làm ăn bất chính thuận lợi, Hải thành lập đường dây buôn bán tiền giả quy mô lớn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thủ đoạn tinh vi của Hải cùng đồng bọn đã bị Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện, triệt phá.

Lưu hành tiền giả ở vùng quê

Những ngày đầu tháng 2/2020, người dân sống ở vùng quê TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục trình báo cơ quan chức năng về việc xuất hiện một số đối tượng chuyên lợi dụng thời điểm đêm tối và nơi tập trung đông người để dùng tiền giả mua hàng hóa đổi tiền thật.

Người dân cho biết, bọn chúng sử dụng thủ đoạn đến các cửa hàng, quán tạp hóa mua hàng có giá trị thấp để dùng mệnh giá tiền 500.000 đồng giả đổi lấy tiền thật rồi nhanh chóng biến mất. Vài ngày hôm sau, chúng “thay hình đổi dạng” để tiếp tục lừa đảo bằng hành vi tương tự.

Từ nguồn tin của người dân trên địa bàn, vào tối 24/2 lực lượng công an xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ đã phục kích và bắt quả tang Trần Anh Khoa, 28 tuổi, cùng vợ là Huỳnh Thị Kim Ngọc, 25 tuổi, cùng trú tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khi cả hai đang có hành vi lưu hành tiền giả.

Đối tượng Khoa cùng vợ là Huỳnh Thị Kim Ngọc.

Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện, thu giữ 200 tờ tiền giả có mệnh giá 500.000 đồng. Nhận thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc trong người dân, công an TX.Phú Mỹ đã báo cáo và chuyển hồ sơ lên phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để điều tra làm rõ.

Tại cơ quan công an, đối tượng Khoa và vợ thừa nhận toàn bộ số tang vật 200 tờ tiền loại mệnh giá 500.000 đồng công an thu giữ là tiền giả, được Khoa mua của một đối tượng không quen biết trên mạng xã hội Facebook.

Qua đấu tranh khai thác, Khoa còn khai nhận trước khi bị bắt giữ, hắn đã nhiều lần tiêu thụ trót lọt tiền giả ở các vùng quê tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lộ diện “ông trùm” sản xuất tiền giả

Từ lời khai của vợ chồng Khoa và các manh mối thu thập được, Thượng tá Lê Bá Trung, Trưởng phòng An ninh điều tra - Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định đây là đường dây làm giả, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn nên chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc truy xét, điều tra, sớm đưa các đối tượng liên quan ra trước pháp luật.

Sau thời gian tập trung lực lượng tiến hành xác minh, cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ và bắt giữ Lê Ngọc Hải, 25 tuổi, trú tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cùng nhiều đối tượng liên quan đến vụ án. Trong đó, Hải được xác định là kẻ cầm đầu, trực tiếp sản xuất tiền giả rồi giao lại cho các đối tượng khác mang đi tiêu thụ.

Lê Ngọc Hải - "Ông trùm" đường dây làm tiền giả.

Khám xét nhà riêng của Hải, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tang vật, phương tiện phục vụ để làm tiền giả gồm máy vi tính, máy in màu, máy scan và nhiều phẩm màu, bình xịt sơn... Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập, Hải đã thừa nhận toàn bộ hành vi làm tiền giả để thu lợi bất chính.

Hải khai, gia đình vốn làm nghề in ấn và quảng cáo từ nhiều năm qua, cùng với bản thân sử dụng thành thạo máy tính và phần mềm chỉnh sửa ảnh nên hắn nảy sinh ý định sản xuất tiền giả với mong muốn làm giàu một cách nhanh chóng.

Công an thu giữ nhiều tang vật, phương tiện phục vụ làm tiền giả.

Sau khi lên kế hoạch và tìm hiểu cách làm trên mạng xã hội, vào giữa tháng Hai, Hải bắt tay thực hiện và thành công với hơn 1.000 tờ tiền giả loại mệnh giá 500 ngàn đồng rồi rao bán trên tài khoản facebook, thu lợi bất chính khoảng 130 triệu đồng.

Với thành công bước đầu, Hải nhận thấy việc kiếm tiền dễ dàng và bắt đầu mở rộng quy mô, kết hợp với một số đối tượng khác qua mạng xã hội mua tiền giả của hắn mang về bán lại với tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật đổi lấy 2,5 đến 5 triệu đồng tiền giả.

Đến thời điểm Hải bị bắt, cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố 13 đối tượng liên quan trong đường dây, bắt giữ 12 đối tượng. Cơ quan công an cũng ra quyết định truy nã đối tượng Trần Tuấn Cảnh, SN 1997, trú tại tỉnh An Giang. Hiện cơ quan điều tra đã thu giữ toàn bộ phương tiện gây án và gần 400 tờ tiền giả tương đương 200 triệu đồng mà các đối tượng chưa kịp lưu hành ra thị trường.

Một đối tượng trong đường dây.

Theo công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là một trong những đường dây sản xuất, vận chuyển, lưu hành tiền giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phía Nam đã được triệt phá, do Lê Ngọc Hải cầm đầu.

Ngày 5/7, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang hoàn tất kết luận điều tra vụ án làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả trên để chuyển VKSND cùng cấp ra cáo trạng truy tố.

Theo Thượng tá Lê Bá Trung, trong vụ án này vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tố giác tội phạm đã góp phần giúp cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án. “Khi phát hiện những đối tượng có hành vi sản xuất, rao bán và sử dụng tiền giả, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất. Mọi hành vi liên quan tiền giả như mua bán, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…”, Thượng tá Trung khuyến cáo.

Theo Điều 207 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Tùy theo trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến chung thân....

H.H