img

Hàng loạt xe biển xanh vượt đèn đỏ ở Bình Phước: “Căn bệnh” dựa quyền hay sự ngông cuồng của các tài xế?

MAI HẰNG - TÔN VỸ

Những ngày qua dư luận xã hội bức xúc trước thông tin hàng loạt xe biển xanh vượt đèn đỏ bị điểm mặt, chỉ tên. Được biết những chiếc xe biển xanh vượt đèn đỏ này thuộc Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước, Văn phòng Thành ủy Đồng Xoài, Văn phòng Thị ủy Bình Long. Có xe không chỉ vi phạm 1 lần mà vi phạm nhiều lần. Thậm chí xe của văn phòng Huyện ủy Chơn Thành, Hớn Quản, Bù Đốp còn... chạy quá tốc độ. Sự việc đang gây bức xúc trong dư luận, PV ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu và ghi nhận những ý kiến liên quan…

“Điểm mặt chỉ tên…”

Được biết, Công an tỉnh Bình Phước đang củng cố hồ sơ để phạt nguội hàng loạt xe vi phạm giao thông, trong đó có hàng chục xe biển xanh thuộc các cơ quan Nhà nước liên tục vượt đèn đỏ tại các giao lộ.

Ngày 9/5, thông tin từ ban An toàn giao thông tỉnh Bình Phước cho hay đang củng cố hồ sơ để xử phạt nguội đối với hàng chục xe biển xanh thuộc các cơ quan Nhà nước vi phạm luật giao thông, vượt đèn đỏ tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ban An toàn giao thông tỉnh Bình Phước vừa có báo cáo kết quả sau nửa tháng trung tâm Giám sát an ninh, giao thông đặt tại Công an tỉnh Bình Phước đi vào hoạt động, cho thấy chỉ trong vòng một tuần Bình Phước phát hiện 28 xe biển xanh vi phạm, trong đó chủ yếu là lỗi vượt đèn đỏ. Công an tỉnh này đã ký văn bản gửi đến các đơn vị chủ xe, đồng thời củng cố hồ sơ để phạt nguội.

Cũng theo báo cáo, thông qua camera giám sát, đa số người dân chấp hành tốt các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo thống kê trong 1 ngày có khoảng 800 xe các loại vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông.

img

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, có nhiều xe công vụ mang biển số xanh thuộc quản lý của các đơn vị cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước vi phạm các lỗi như: Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, chạy quá tốc độ, dừng đỗ không đúng nơi quy định.

Thống kê đã có 28 xe biển số xanh vi phạm luật giao thông. Trong đó đa số là lỗi vượt đèn đỏ. Tư liệu hình ảnh của các phương tiện vi phạm sẽ được chuyển về phòng cảnh sát giao thông để phạt nguội theo quy định.

Theo Tuổi trẻ, hàng loạt cơ quan, địa phương, đơn vị có xe vi phạm được nêu tên gồm: Văn phòng Huyện ủy Chơn Thành chạy quá tốc độ, Trung tâm Văn hóa huyện Hớn Quản vượt đèn đỏ, Chi cục Bảo vệ môi trường dừng xe không đúng quy định, Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước vượt đèn đỏ, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vượt đèn đỏ, Văn phòng Thành ủy Đồng Xoài 2 lần vượt đèn đỏ, trung tâm Y tế dự phòng vượt đèn đỏ, Văn phòng Thị ủy Bình Long vượt đèn đỏ.

Trại giam Tống Lê Chân 3 lần chạy quá tốc độ, xí nghiệp Công trình công cộng Đồng Xoài dừng xe không đúng quy định, trung tâm Kiểm soát bệnh tật vượt đèn đỏ, Văn phòng Huyện ủy Hớn Quản chạy quá tốc độ, Bảo hiểm xã hội tỉnh chạy quá tốc độ, UBND huyện Hớn Quản vượt đèn đỏ, Văn phòng Thị ủy Phước Long vượt đèn đỏ, Văn phòng Huyện ủy Bù Đốp chạy quá tốc độ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh vượt đèn đỏ, Văn phòng Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lộc Ninh và trung tâm Y tế Bù Đăng vượt đèn đỏ.

"Việc các phương tiện biển số xanh vi phạm trật tự an toàn giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các cơ quan chức năng" - Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Phước cho biết.

Được biết, Trung tâm giám sát an ninh, giao thông bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 15-4 và được đặt tại Công an tỉnh Bình Phước. Tại đây có 6 màn hình lớn để theo dõi, giám sát tình hình an ninh trật tự. Các camera được lắp đặt trên 3 tuyến đường chính trong tỉnh gồm: Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 và đường ĐT741.

“Căn bệnh” dựa quyền của lái xe biển xanh

img

Nguyên Thứ trưởng bộ GTVT Phạm Thế Minh

Liên quan đến việc hàng loạt xe biển xanh vượt đèn đỏ bị “điểm mặt” tại Bình Phước, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng bộ GTVT Phạm Thế Minh, ông Minh bình luận, việc cơ quan chức năng “điểm mặt” và xử lý những xe biển xanh đi quá tốc độ hay vượt đèn đỏ là chuyện hết sức bình thường. Việc làm này để mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật chứ không phải “tôi lái xe biển xanh thì tôi khác”. “Căn bệnh” dựa quyền lâu nay vẫn chưa thể loại bỏ được và đây là tư tưởng không đúng.

Trước ý kiến hình ảnh một số xe biển xanh vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ , ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các cơ quan công quyền, nguyên Thứ trưởng Phạm Thế Minh cho rằng: “Hành động này trước tiên liên quan trực tiếp đến lái xe khi không không chấp hành đúng luật. Xe biển xanh cũng chỉ là công vụ cho công việc, người lái chiếc xe đó trên đường mới là quan trọng”.

Theo ông Thế Minh, việc một số xe biển xanh vi phạm giao thông nhưng ít khi bị xử lý có thể do có sự e ngại, sợ xe của “ông to” nên đã “né”. Nhưng họ không hiểu, việc xe vi phạm giao thông không phải do “ông to bà lớn” không chấp hành mà do người lái xe gây ra. Vì thế, cứ đúng theo quy định pháp luật mà làm. Bởi, khi đã ngồi trên xe biển xanh thì là xe của Nhà nước, nên cũng phải có trách nhiệm, nghiêm túc và làm gương cho những người khác.

Về vấn đề xe biển xanh đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho hay: “Tôi cũng hay đi công tác đường dài nhưng trên đường thường xuyên trao đổi công việc không để ý đường đi, tốc độ cần đi là bao nhiêu. Vì thế, mọi việc trên đường đi đều phụ thuộc vào lái xe.

img

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy

Bản thân tôi khi được phân lái xe tôi đã đặt ra ba yêu cầu. Đầu tiên là an toàn, phải an toàn cho chính bản thân và cả lái xe. An toàn là lái xe chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không bao giờ được vi phạm luật giao thông. Tiếp theo đó lái xe phải đúng giờ và sau cùng là không được bép xép công việc của lãnh đạo với người ngoài.

Vì thế, khi xe đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ trách nhiệm phải thuộc về người lái xe. Nếu trong trường hợp sếp cần gấp công tác do tính chất đặc biệt của công việc nên yêu cầu lái xe đi nhanh thì phải có giải trình cụ thể, xác minh rõ ràng”.

Tình trạng này tiếp diễn theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy là do hiện nay chúng ta có cơ chế “alo”. Mặt khác, có thể cảnh sát giao thông đôi khi thấy biển xanh họ ngại, một số lái xe biển xanh thường hay ỷ lại. Đặc biệt ở một số địa phương, lái xe cho các sếp to họ thường nghĩ xe này là của ông chủ tịch, bí thư nên không ai dám sờ tới.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi phương tiện khi tham gia giao thông mà trái quy định bị phạt nguội thì tất cả phải lập hồ sơ nhưng sẽ có những trường hợp họ nói trình một cách đầy đủ, có lý do chính đáng, đi xác minh đúng thì có thể loại trừ trách nhiệm.

“Quan điểm của tôi không quá cứng nhắc nhưng rất rạch ròi, trước hết lái xe dù là biển xanh cũng cần đi đúng đường. Cảnh sát giao thông không nể nang, xe nào vi phạm cần chiếu theo quy định của pháp luật, nếu nể nang sẽ tạo thành tiền lệ xấu. Chúng ta không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trừ một số trường hợp như tôi đã nói trước đó”, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy nêu quan điểm.

Cùng trao đổi với PV, Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, cơ quan đã phổ biến rất rõ ràng các quy chế xử lý đối với các phương tiện vi phạm an toàn giao thông.

Ông Hùng đánh giá cao việc báo chí phản ánh chân thực và đầy đủ các sai phạm liên quan đến xe biển xanh, việc này vừa thể hiện sự minh bạch trong hoạt động kiểm soát vừa mang tính răn đe với các đoàn thể, các cơ quan thẩm quyền khi sử dụng phương tiện công vụ.

“Đừng tự ngầm hiểu và cho mình đặc quyền”

Ông Phạm Thế Minh bình luận: “Trước hết chúng ta cần hiểu xe biển xanh là xe công vụ, được cấp cho một số cơ quan, tổ chức theo quy định nhưng trong quá trình tham gia giao thông không hề phân biệt biển xanh, biển trắng… bất kỳ ai cũng phải nêu cao ý thức tham gia giao thông đúng luật, an toàn. Gặp đèn đỏ thì phải dừng lại, muốn rẽ trái, rẽ phải phải xi nhan xin đường. Muốn đỗ cũng cần đỗ đúng nới quy định chứ không thể vin vào việc tôi đang lái xe biển xanh nên tôi được ưu tiên. Đừng tự ngầm hiểu và cho mình đặc quyền đó”.

M.H-T.V

img