Hành hung ông bố tát con lia lịa ở Tiền Giang: Cộng đồng mạng – anh là ai?

img

Một người đàn ông 30 tuổi ở Tiền Giang trong một ngày “đẹp trời” (sáng 17/10/2019) bỗng dưng phải tiếp đoàn khách không mời chừng 20 người toàn là những gã trai mới lớn hung hăng, xăm trổ, cầm vũ khí thô sơ kéo đến nhà mình để hỏi tội vì sao 2 năm trước tát con trai tới tấp (?!)

Nhóm người này đánh anh ta chảy máu mồm, khiến nạn nhân phải khóc lóc van xin, rồi sau đó hả hê chụp ảnh, quay clip khoe thành tích “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của mình lên mạng xã hội.

Câu chuyện sau khi được đăng tải trên báo chí đã khiến những người yếu bóng vía phải thót tim sợ hãi vì dường như cuộc sống đang quá bất an.

Điều đáng nói, nạn nhân của vụ việc – anh Đoàn Văn Tí (SN 1989, ngụ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) – sau khi bị hành hung đã không chọn cách tố cáo hành vi xâm nhập trái phép, gây thương tích cho người khác của nhóm người nói trên ra công an mà lại đăng tải liền 3 đoạn trạng thái (status) trên FB để thú tội và khẩn cầu cộng đồng mạng tha thứ.

Theo anh Tí, chuyện anh tát đứa con trai 4 tuổi đã xảy ra 2 năm trước, trong một lần say xỉn, và bị vợ quay clip. Cuối năm 2018 anh Tí và vợ ly hôn. Hiện tại anh này đã có vợ mới và nghi ngờ vợ cũ tung clip tát con (đoạn clip bị phát tán trên mạng FB vào tối 16/10) để phá hoại.

Hành vi hung hãn tự phát, ngang nhiên coi thường pháp luật của nhóm đối tượng cộng với thái độ cầu thị đến mức sợ sệt, hoảng loạn của nạn nhân đã khiến cho cụm từ “cộng đồng mạng” trở nên quyền năng hơn bao giờ hết.

Và không phải bây giờ vai trò của “cộng đồng mạng” mới được “tôn vinh” như vậy. Hồi tháng 4/2019, ai đó đã nhân danh cộng đồng mạng để vẽ bẩn lên cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh – kẻ dâm ô bé gái 7 tuổi trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 (quận 4, TP.HCM) - ở Đà Nẵng dòng chữ “ấu dâm”, dùng photoshop chế tấm ảnh ông Linh kèm dòng chữ: "Cảnh báo. Nhà này có biến thái dâm ô trẻ em". Sau đó, nhiều người khác đã kéo đến nhà ông Linh để chụp ảnh check in rồi chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.

Sự việc gây ầm ĩ dư luận đến mức nhiều người phải thốt lên: "Sức mạnh của mạng xã hội thật ghê gớm. Dù có thể ông Nguyễn Hữu Linh không bị truy tố, đây vẫn là một vết nhơ khó tẩy". Và hậu quả là toàn bộ gia đình ông Linh đã không dám ở nhà, phải đi lánh nạn cộng đồng mạng một thời gian.

Hay như vụ việc đại uý công an Lê Hiền mới đây hành xử thiếu văn minh ở sân bay, sau đó cũng đã bị nhiều cư dân mạng truy tìm và tung lên mạng toàn bộ thông tin cá nhân: tên tuổi, số điện thoại, nơi làm việc, mối quan hệ riêng tư… Bột phát hơn, hàng trăm người đã gọi điện, nhắn tin cho bà Hiền để chửi bới, thoá mạ.

Từ những câu chuyện trên, nhiều người nói bây giờ không phải sợ nhất pháp luật mà chính là sợ cộng đồng mạng.

Vậy cộng đồng mạng là ai?

Đến nay, khái niệm “cộng đồng mạng” (hay "cư dân mạng", nhiều người còn đọc lái thành “giang cư mận”) được hiểu một cách nôm na là những cá nhân tham gia vào cộng đồng trực tuyến (online) và là người dùng (user), thành viên của những mạng xã hội, thông qua các hình thức của mạng xã hội như giao lưu trực tuyến, trao đổi trực tuyến, trò chuyện trực tuyến, liên lạc trực tuyến…

Mức độ "phủ sóng" của cư dân mạng hiện nay lớn đến mức hầu như trang tin điện tử nào dành cho giới trẻ cũng có chuyên mục "Cư dân mạng", "Cộng đồng mạng", “Đang dậy sóng trên cộng đồng mạng”.... Khi truy cập vào các trang này chúng ta thấy nhan nhản những tít bài kiểu như: “Cư dân mạng dậy sóng vì… ; “Cư dân mạng xúc động…"; "Cư dân mạng chỉ trích hành động sai trái"... Để rồi đọc xong ta thấy rằng mình đúng là thuộc về cộng đồng mạng nhưng lại chẳng hề bức xúc hay dậy sóng vì những vấn đề vớ vẩn đó.

Thế giới ảo của Internet vốn dĩ đa diện hơn cuộc sống thực rất nhiều. Mỗi cá nhân, mỗi người sử dụng là mỗi tính cách, mỗi gương mặt tinh thần khác nhau. Cũng rất khó phân biệt những gì được đăng tải trên mạng xã hội là thực hay ảo. Bởi thế, không phải người nào tham gia mạng xã hội cũng là cư dân mạng chân chính, đại diện cho cả cộng đồng mạng.

Và, giống như khái niệm bất thành văn về công dân (có công dân tốt - công dân xấu, thậm chí người vi phạm pháp luật còn bị tước một số quyền công dân cơ bản), đã đến lúc chúng ta phải thay đổi nhận thức, rằng “cộng đồng mạng” chỉ nên giới hạn trong phạm vi những người dùng mạng tích cực, để làm việc, giao lưu, chia sẻ thông tin trên tinh thần xây dựng, vì sự tiến bộ xã hội.

Trở lại câu chuyện nhóm người tự xưng là cộng đồng mạng để hành hung ông bố ở Tiền Giang nói trên, chúng ta thấy rằng ông bố tát tới tấp đứa con nhỏ 4 tuổi tới 11 cái kèm chửi bới doạ nạt là hành vi bạo hành trẻ em rất đáng lên án và nếu nghiêm trọng thì cần phải xử lý trên cơ sở pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, hành vi của nhóm người tự phát xâm nhập nhà riêng, bắt giữ người trái phép, cố ý gây thương tích là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý hình sự.

Trong câu chuyện này, chúng ta chú ý đến vai trò của nhóm người cũng đại diện cho cộng đồng mạng, tuy không ra tay hành hung nhưng lại đóng vai trò kích động rất lớn. Cụ thể là những người chia sẻ clip nhóm người hành hung ông bố rồi bình luận ác ý rằng: “Cho mày chết”, “thật đáng đời”, “cứ để cộng đồng mạng dạy cho anh ta một bài học”, “Cho anh ta sáng nhất toàn cõi mạng đi”…

Đáng chú ý, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng – người được phong là “ông hoàng nhạc Việt” cũng cảm tính và thị phi đến mức đăng tải dòng trạng thái trên FB hứa “treo thưởng” 20 triệu đồng cho người "dạy dỗ" ông bố trẻ bạo hành con trai.

Trên trang FB cá nhân, nam ca sĩ họ Đàm bức xúc cho rằng, ông bố trẻ trong clip là kẻ vô lương tâm, độc ác, máu lạnh, cần phải cách ly, loại trừ khỏi xã hội trước khi hắn bị pháp luật trừng trị.

Là một người hoạt động nghệ thuật, có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội thông qua số lượng fan hâm mộ đông đảo, đáng tiếc là Đàm Vĩnh Hưng lại sử dụng ảnh hưởng cá nhân của mình để kêu gọi, kích động bạo lực, cổ suý cho “luật rừng” diễn ra trước khi pháp luật can thiệp.

Phải thừa nhận rằng, cộng đồng mạng là một sản phẩm tất yếu của internet nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung. Ai cũng có quyền gia nhập, nhưng không có nghĩa ai đó được quyền nhân danh cộng đồng mạng để hành xử cảm tính cá nhân, thậm chí hoang dã, đứng trên pháp luật, anh Hưng nhé!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img