img

Hành trình mang thư viện miễn phí đến 40 tỉnh thành của 9X Việt

Thủy Tiên - Thảo Ly

Tốt nghiệp trường đại học Kinh tế quốc dân và trở thành CEO của công ty một công ty sách, cô gái trẻ tự mình trải nghiệm trên chuyến hành trình xây dựng các thư viện sách miễn phí khắp mọi miền của dải đất hình chữ S. Cô gọi đó là dự án Điểm đọc Việt Nam.

Khó nhất là tiếp cận với người chưa thích đọc sách

Cách đây hơn 2 năm, một cô gái 20 tuổi đã “khai sinh” dự án mang tên Điểm đọc Việt Nam với kỳ vọng nâng tầm văn hóa đọc trên mọi miền đất nước. Đó là Cao Thị Sao Mai (SN 1998, ở Nghệ An).

Vốn sinh ra nơi vùng quê nghèo, ít có cơ hội và điều kiện để tiếp xúc với sách nên ngay từ nhỏ ước mơ của Sao Mai là khi lớn lên sẽ làm một điều gì đó liên quan đến sách.

img

Cô luôn trăn trở vì sao ở Việt Nam đã có rất nhiều người đứng ra tiên phong cho văn hóa đọc, nhưng việc đọc vẫn trở nên xa lạ với nhiều bạn trẻ. “Giá như đọc sách sẽ chắc chắn “giàu” theo cái nghĩa nhiều tiền nhiều của, hẳn bây giờ văn hóa đọc của Việt Nam cao lắm. Thế mới thấy là để khai trí, 10 - 20 năm thậm chí 50 năm vẫn có thể là con đường mãi chưa đến đích” - Sao Mai tâm sự.

Người con của mảnh đất Nghệ An hiếu học luôn nhìn thấy trong đôi mắt của những đứa trẻ ở mỗi nơi mà cô đặt chân đến, một niềm chất chứa hy vọng sẽ được đọc sách, được hiểu biết nhiều hơn về sách, về con chữ.

Chính vì vậy, Điểm đọc Việt Nam chính thức được hoàn thành ngày 5/7/2018. Sau hơn 2 năm, mô hình này đã có mặt tại gần 40 tỉnh thành, có địa phương có từ 2 - 5 cơ sở. Tính riêng tại Hà Nội, đã có tới 7 cơ sở được khai trương.

“Đối với tôi, cứ thêm một người thích đọc sách là niềm vui lại lớn hơn một phần. Tôi muốn cộng đồng cùng chung tay giải quyết bài toán này. Muốn kiến tạo văn hóa đọc thì không còn con đường nào khác ngoài con đường khuyến đọc” - đó là lời khẳng định của cô gái 22 tuổi.

img

Sau 2 năm, Sao Mai đã có những bước chân đầu tiên chạm đến giấc mơ của mình. Cô tự hào khi vẫn luôn tìm cách xoay xở, “tự thân vận động” để thực hiện các dự án hoàn toàn miễn phí.

Nhắc đến trở ngại lớn nhất đối với hành trình phủ sóng Điểm đọc, giọng cô trầm hẳn: “Khó nhất là tiếp cận với những người chưa thích đọc sách. Những người tìm đến dự án thường là người đã yêu thích, nhưng điều mà Điểm đọc cần nhất chính là tiếp cận được với những người chưa có thói quen đọc sách, gieo niềm đam mê cho họ. Đó cũng chính là điều khiến tôi trăn trở nhất”.

Tìm được những người cộng sự đầy nhiệt thành và tâm huyết, Sao Mai như được san sẻ một phần những gánh nặng. Mỗi chuyến đi cũng có những khó khăn khác nhau, đôi khi phải vận chuyển sách giữa những ngày mưa gió bão bùng, nhưng sau tất cả, trên những gương mặt nhễ nhại mồ hôi ấy lại là nụ cười hạnh phúc.

Nhớ lại những ngày đầu khai trương điểm đọc hay tổ chức trao đổi sách, Sao Mai chợt mỉm cười: “Có lần, mấy bác lớn tuổi ghé tham quan và hỏi han thân mật. Có bác quan tâm hỏi: “Miễn phí hết thì lấy tiền ở đâu ra mà làm?”. Sau đó, bác dúi vào tay tôi 20.000 đồng, bảo: “Cầm đi, bác ủng hộ”. Chúng tôi nhìn nhau cười, muốn ôm ghì lấy bác, bởi tự nhiên cảm thấy ấm lòng…”.

10.000 thành viên giúp lan tỏa văn hóa đọc và học

Không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa văn hóa đọc, các dự án nhỏ của Điểm đọc Việt Nam cũng được Sao Mai thực hiện với gần 10.000 thành viên và cộng tác viên đồng hành và hỗ trợ. Mỗi dự án nhỏ góp phần lan tỏa cảm hứng và tư duy rộng mở của các bạn trẻ về việc đọc sách hiện nay.

Điểm đọc radio hoạt động theo hình thức phát thanh là một sáng tạo mới mẻ khi độc giả vừa có thể nghe đọc sách vừa có những chương trình về cuộc sống được phát đan xen.

img

Điểm đọc tự học mở ra những lớp học miễn phí cho tất cả mọi người, với những lĩnh vực chủ yếu như tiếng Anh, Tin học và các kỹ năng mềm khác.

Đại sứ đọc, Điểm đọc vùng cao… là một lối đi mới khi đem được thư viện sách miễn phí đến với những vùng có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Đại sứ đọc mang trong mình một sứ mệnh cao cả về phát triển văn hóa đọc không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Từ kiến tạo văn hóa đọc đến “Dũng sĩ tái chế”

img

Sao Mai còn được rất nhiều người biết đến qua dự án thiết thực với môi trường mang tên Dũng sĩ tái chế, khi “hô biến” quần áo cũ thành những chiếc túi thời trang hay chiếc vỏ gối “bắt mắt”.

Dũng sĩ tái chế được thành lập từ tháng 11/2018 với mục tiêu thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho dự án Điểm đọc Việt Nam. Thời gian đầu, nhóm chỉ triển khai các hoạt động trồng cây xanh, thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường và đào tạo đại sứ môi trường, lan tỏa lối sống xanh đến với mọi người.

Đến tháng 3/2020, Dũng sĩ tái chế mới bắt tay vào những hoạt động tái chế rác thải, định hướng cho mình một con đường riêng.

Nhận thấy nhiều đơn vị tổ chức các chương trình thu gom rác, nhưng Sao Mai và các cộng sự vẫn không khỏi băn khoăn: “Rồi rác thải sẽ về đâu, hay lại quay trở về vẫn là rác thải?”. Từ đó, những ý tưởng đầu tiên về hoạt động tái chế được nhen nhóm. “Chúng tôi không muốn tạo nên những sản phẩm đơn thuần với mục đích trang trí hay sử dụng một lần. Điều quan trọng là những sản phẩm từ rác phải thật sự hữu ích, được dùng trong đời sống hàng ngày và không trở lại thành rác” - Sao Mai lý giải.

img

Cô gái trẻ tổ chức một cuộc thi ý tưởng tái chế và nhận được rất nhiều gợi ý sáng tạo hay, độc đáo và sản phẩm có tính ứng dụng cao. Đây là thời điểm hoạt động biến rác thành đồ dùng hữu ích chính thức được Dũng sĩ tái chế triển khai.

Giai đoạn từ tháng 3 - 4/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng mì tôm, nước đóng chai tăng cao, lượng rác thải cũng tăng nhiều. Qua bàn tay khéo léo của những “dũng sĩ”, rác thải đã được “hô biến” thành những chiếc đĩa hay túi xách đi chợ. Quần áo cũ được các bạn trẻ tái sinh thành những chiếc túi thời trang và những chiếc vỏ gối bắt mắt.

img

Dũng sĩ tái chế góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về môi trường xung quanh, nhiều người còn xung phong chụp ảnh, truyền thông cho nhóm trên trang cá nhân của mình.

Ngoài nhiệm vụ của những đại sứ môi trường, Dũng sĩ tái chế còn tiếp nối và phát huy sứ mệnh của Điểm đọc Việt Nam, cùng góp sức cho dự án mở các thư viện miễn phí.

Thúc đẩy văn hóa đọc từ nhỏ

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo - quản lý cơ sở mầm non Hoa Hướng Dương (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) - chia sẻ: “Điểm đọc Sunflower tại trường mầm non Hoa Hướng Dương được đội ngũ Điểm đọc Việt Nam xây dựng từ ngày 11/7 năm nay với khoảng 5.000 đầu sách. Xây dựng thư viện miễn phí này, chúng tôi chào đón tất cả học sinh tiểu học, trung học và các bậc phụ huynh đến trải nghiệm. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc cho các em từ khi còn nhỏ”.

img

Trưởng nhóm Điểm đọc Bắc Giang cũng chia sẻ: “Những thành viên như chúng tôi thường phải trực vào những khung giờ khác nhau, người này đến thì người kia lại về, đôi khi chỉ kịp mỉm cười và chào nhau. Bởi mỗi người đều có lịch học và công việc khác nhau, nên thật hiếm khi có thể cùng gặp nhau đông đủ.Thỉnh thoảng lắm, mọi người mới hẹn ở lại Điểm đọc, cùng nhau đọc sách, cùng nhau trò chuyện và chia sẻ về những kỷ niệm từ ngày đầu tiên. Những buổi offline như vậy thật vui và ý nghĩa!”.

T.T-T.L

img