Hơn 4h ngày 27/9, chuyến xe chở gia đình chị Xồng Y Rê, 19 tuổi, quê xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã về đến khu cách ly. “May quá, cháu bé vẫn khỏe mạnh và đang ngủ ngon”, chị Rê nói.
Do mưu sinh, gia đình chị Xồng Y Rê phải rời quê vào tỉnh Bình Phước làm nghề cạo mủ cao su. Thế nhưng do dịch Covid-19 nên nhiều tháng nay mọi người không có việc làm.
Sau khi sử dụng những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng, cả nhà tính đến việc đi xe máy trở về quê để tránh dịch.
Điều đáng nói, cách đây 10 ngày, chị Rê vừa sinh người con đầu lòng, thậm chí còn chưa kịp đặt tên. “Hết tiền rồi, phải về thôi, chứ ở trong đó không còn gì để sống nữa”, chị Rê cho hay.
Nhưng do không có phương tiện nên người chồng đành gửi mẹ con chị Rê cho anh Lầu Bá Giờ, 33 tuổi, quê xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn để trở về trước.
Đoàn có 4 xe máy, 8 người và một cháu bé 10 ngày tuổi, xuất phát từ ngày 24/9. Cháu bé được bọc trong chăn bắt đầu hành trình trở về quê.
Ngày đi, đêm nghỉ. Đến ngày 26/9, đoàn về đến Tp.Đà Nẵng, muốn về đến quê nhà còn chặng đường hơn 800km nữa.
Chiếc xe cà tàng chở mẹ con chị Xồng Y Rê về quê. Ảnh Thành Lộc.
Khi mọi người đã mệt rã rời, một nhóm phóng viên phát hiện thấy họ ở địa phận giáp ranh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thương hoàn cảnh của cháu bé, nhà báo Hoàng Quân, công tác tại báo Công an Tp.HCM, thường trú Tp.Đà Nẵng đã đề nghị lên ô tô để chở về tỉnh Nghệ An.
Anh Lầu Bá Giờ cho biết: “Nghe nhà báo nói lên ô tô để chở về, chúng tôi rất bất ngờ. Nhưng thấy mẹ con chị Xồng Y Rê mệt quá rồi, nếu giờ mà đi xe máy nữa chắc không chịu được. Vì vậy tôi đành gửi tạm xe máy ở Đà Nẵng để ngồi trên xe ô tô của nhà báo”.
Nhà báo Quân dùng xe ô tô cá nhân chở gia đình chị Rê về đến tỉnh Nghệ An. Ảnh NVCC.
Anh Quân chạy một mạch 480km từ khu vực giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng ra tới tỉnh Nghệ An, dừng 2 lần bên đường ăn uống tạm, 5 lần khai báo y tế. Đến 0h50 ngày 27/9, xe đã về đến chốt kiểm soát dịch tại cầu Bến Thủy.
Tại đây, đúng lúc xe của UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã có mặt để đón gia đình chị Xồng Y Rê vượt thêm 300km để về đến nhà.
Sau khi về đến Tp.Vinh, gia đình được xe của UBND huyện Kỳ Sơn đón về khu cách ly.
Cũng trong tối 26/9, ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã có mặt tại Tp.Vinh để đón công dân từ tỉnh Bình Phước về quê tránh dịch.
“Tất cả những lao động này đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có 118 công dân quê ở huyện Kỳ Sơn, số còn lại đến từ Tương Dương, Quế Phong. Những người này phần lớn làm công nhân ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có nhu cầu về quê. Tỉnh Bình Phước đã bố trí 3 xe khách, một xe tải để chở những người này về nhà”, ông Minh nói.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (bên trái) xuống Tp.Vinh đón công dân.
Nhận được thông tin, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã trực tiếp đi xuống cầu Bến Thủy 2, Tp.Vinh để đón công dân. Điều đáng nói, quãng đường từ huyện Kỳ Sơn xuống Tp.Vinh gần 300km. Thời điểm này trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đang bị ảnh hưởng của cơn bão số 6 nên có mưa to.
Sau đó, phía chính quyền đã bố trí phương tiện, đón công dân từ đây để đi cách ly tập trung tại các khu cách ly ở huyện Nghĩa Đàn, một số người về cách ly tại khu tập trung của huyện.
“Gia đình không biết nói gì hơn, cảm ơn nhà báo Quân và UBND huyện Kỳ Sơn rất nhiều. Không ngờ chúng tôi được trở về quê hương nhanh như vậy”, anh Lầu Bá Giờ nói.
Sau khi cung cấp thức ăn, nước uống, các công dân được đưa về khu cách ly tập trung.
“Huyện cũng bố trí đồ ăn, thức uống nhanh ngay tại chốt cầu Bến Thủy 2 để phát cho các công dân ngay sau khi họ đặt chân tới Nghệ An. Họ đã có một chặng đường dài nhưng may mắn đều bình an. Xin được gửi lời cảm ơn đến nhân dân, lãnh đạo tỉnh Bình Phước nói chung và huyện Bù Đăng nói riêng”, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết.
A.N