Thẩm định qua loa, chiếu lệ, khiến cho những cuộc trưng bày, triển lãm lâm vào tình huống “dở khóc dở cười”.
LTS: Thời gian qua, có nhiều cuộc triển lãm, trưng bày lịch sử, với mục đích giới thiệu tới đông đảo công chúng những tư liệu quý báu. Tuy nhiên, có không ít trong số các sự kiện đã xảy ra những lỗi từ ban tổ chức. Mới đây, Người Đưa Tin Pháp luật nhận được bài viết của bạn đọc tâm huyết về vấn đề này. Chúng tôi xin trân trọng đăng tải bài viết:
Ngày 13/6, cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (bộ Nội vụ) cùng nhiều cơ quan kết hợp tổ chức triển lãm “95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam từ tư liệu, tài liệu lưu trữ Nhà nước”. Nội dung triển lãm gồm trên 100 hình ảnh, tư liệu, tài liệu tái hiện chặng đường phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khôi phục và xây dựng đất nước, hội nhập và đổi mới.
Đáng tiếc là ngay từ những tư liệu đầu tiên được giới thiệu: Báo Búa Liềm do đồng chí Ngô Gia Tự cùng nhóm Cộng sản Bắc Kỳ lập ra cùng với Chi bộ Đảng đầu tiên ở số 5D Hàm Long - Hà Nội; nhưng trong ảnh không phải đồng chí Ngô Gia Tự. Đó là ảnh chân dung Dương Hạc Đính (tức Hoàng Hạc), một người có tham gia hoạt động cách mạng, sau đó bị bắt cùng đồng chí Ngô Gia Tự ở Nam Kỳ. Trong tù, Dương Hạc Đính đã mất khí tiết và khai báo cho mật thám Pháp bắt nhiều cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng. Trong hồi ký cuả đồng chí Hoàng Quốc Việt cho biết: Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, tên phản bội Dương Hạc Đính đã bị chính quyền cách mạng xử tử.Chuyện nhầm ảnh đồng chí Ngô Gia Tự - cán bộ ưu tú của Đảng thành Dương Hạc Đính - kẻ phản Đảng, đã có tiền lệ từ những năm 196x - 197x khi đem in sách và in mẫu tem bưu chính phát hành. Chỉ đến khi cụ Nguyễn Văn Hoan, một cán bộ lão thành cách mạng hoạt động từ năm 1926, nguyên Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại này vào năm 1987. Cụ Hoan đã viết bài công bố rộng rãi trên báo chí. Đáng tiếc, những người làm công tác lưu trữ tại bộ Nội vụ đã không nắm được thông tin này, để một lần nữa, chân dung kẻ phản bội, mất khí tiết, khai báo với mật thám bắt nhiều cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng lại được đem ra… vinh danh.
Trước đó không lâu, Kỷ niệm 1.980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 2020), triển lãm Hoa đất Việt do Ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) tổ chức, với sự tư vấn về chuyên môn của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mắc nhiều thông tin sai sót.
Những người làm triển lãm đã “bê” huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang về tỉnh Thái Nguyên. Trong khi đó, dòng chú thích bức ảnh cắt băng khánh thành công trình tôn tạo di tích Đoàn Phụ nữ cứu quốc, hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì ghi “Tuyên Quang, 2017”, nhưng trên phông trong ảnh ghi “Định Hóa”. Như vậy, những người làm triển lãm đã không phân biệt được địa danh huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Về bà Hoàng Ngân - Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc đầu tiên, triển lãm viết: “Chị cũng là người sáng lập tờ báo Tiếng gọi phụ nữ (tiền thân của báo Phụ nữ Việt Nam ngày nay)”. Chúng tôi được biết, bà Hoàng Ngân không có liên quan đến tờ báo Tiếng gọi phụ nữ. Trong hồi ký của nhà báo Thanh Thủy (NXB Phụ nữ - 1998) cho biết tòa soạn báo Tiếng gọi phụ nữ ban đầu gồm có: “chị Như Quỳnh, chị Việt Lê, chị Huỳnh Bội Hoàn (tức chị Tâm Kính), chị Hồng Trang và tôi (tức Thanh Thủy - NV)”. Phía Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không hề có thông tin chính xác về tờ báo “Tiếng gọi Phụ nữ” mà chỉ… đoán mò, rồi đưa tên bà Hoàng Ngân vào.
Cuối năm 2018, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện Triển lãm “Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến” cũng nhiều sai sót khi giới thiệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Bộ trưởng bộ Quốc phòng 2/1946 - 8/1947 và 8/1948 - 1980”. Đây là nội dung không chính xác. Tháng 2/1946, người giữ chức vụ Bộ trưởng bộ Quốc phòng trong Chính phủ là ông Chu Văn Tấn (sau này được phong quân hàm Thượng tướng, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội trong nhiều năm). Còn từ tháng 3/1946 đến tháng 11/1946, người giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ là ông Phan Anh (sau này làm Bộ trưởng bộ Công thương và Phó Chủ tịch Quốc hội trong nhiều năm). Ngoài ra, một số chức vụ khác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không chính xác khi giới thiệu. Thêm nữa, các vị tướng lĩnh đều có ghi một dòng được Đảng trao tặng Huy hiệu về tuổi Đảng. Nhưng Đại tướng là Võ Nguyên Giáp vì triển lãm lại… quên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2010).
Trong bảng giới thiệu “Tướng lĩnh qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp” trong ngày khai mạc có câu: “Ghi nhận tài năng, phẩm chất cách mạng và công lao đống góp của cán bộ chỉ huy Quân đội, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có 3 lần phong quân hàm Tướng cho 14 cán bộ lãnh đạo chỉ huy.
Về ông Phùng Chí Kiên, Bảo tàng Lịch sử Quân sự giới thiệu: “Năm 1947 truy phong Thiếu tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên…”. Đây là thông tin sai. Bởi vì theo các tài liệu thứ cấp ghi lại, ông Phùng Chí Kiên được truy phong cấp tướng nhưng không có quân hàm. Vì vậy, không thể tùy tiện gắn cho ông quân hàm Thiếu tướng.
Với những sai sót trên đây cho thấy trước khi trưng bày, triển lãm, các đơn vị đã không thực hiện nghiêm túc khâu thẩm định tư liệu một cách thận trọng, nghiêm ngặt. Nhất là đối với cơ quan lưu trữ, khi tư liệu đem trưng bày tới công chúng, lại càng phải thẩm định kỹ càng.
Chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia” có thể khiến người xem tức cười một lát rồi cũng qua đi, nhưng việc đưa ảnh chân dung kẻ phản bội, mất khí tiết, khai báo với mật thám bắt nhiều cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng là Dương Hạc Đính ra vinh danh dưới tên người cán bộ Đảng ưu tú là đồng chí Ngô Gia Tự thì khó mà cười được, phải nói là “đau như cắt”, nếu những người làm triển lãm biết suy nghĩ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!