img

Hé lộ về nhà cổ hơn 120 năm tuổi qua bom đạn chiến tranh vẫn vẹn nguyên

Ngọc Lài

Ngôi nhà cổ hơn 120 năm tuổi của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Tâm tọa lạc ở tỉnh Tây Ninh được nhiều thế hệ con cháu gìn giữ như báu vật. Có lần, một người từ tỉnh xa đến đề nghị tặng gia đình một ngôi biệt thự khang trang hiện đại để đổi lấy nhà cổ nhưng không cần suy nghĩ, chủ nhà đã nhẹ nhàng từ chối. Bởi, nhà cổ không chỉ ghi dấu tích văn hóa – lịch sử mà còn lưu lại những khoảnh khắc ấm áp của nhiều thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà.

Nhà cổ “độc nhất vô nhị”

Video: Nhà cổ hơn 120 tuổi "độc nhất vô nhị" của quan Đốc phủ sứ ở Tây Ninh.

Tọa lạc tại số 39 đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, phường 1, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, nhà cổ do Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên (thường gọi Nguyễn Tâm Kiên xây dựng năm 1894 vẫn “thi gan cùng tuế nguyệt”, tạo nên nét chấm phá độc đáo cho khung cảnh êm đềm bên dòng kênh Tây Ninh. Để gìn giữ ngôi nhà quý của cha ông, cụ Trần Ngọc Sương (SN 1937, ngụ TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) đã dốc nhiều tâm huyết, trong đó có sự giáo dục, truyền dạy con cháu đời sau yêu quý nếp nhà truyền thống.

Dưới bóng tối lờ mờ trong gian nhà cổ, cụ Trần Ngọc Sương vẫn tinh anh vừa cười hồn hậu vừa chia sẻ: “Ngôi nhà đã được 125 năm tuổi và giữ được khá nhiều kiến trúc nguyên bản. Tôi là cháu cố đời thứ tư của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên. Từ nhỏ, tôi đã lớn lên dưới nếp nhà cổ kính, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử. Nhiều thế hệ con cháu đã sống quầy quần dưới nếp nhà của cha ông. Hiện tại, tôi sống ở đây cùng con trai út. Việc quản lý, gìn giữ ngôi nhà cũng không có gì khó khăn. Hễ thấy hư hỏng, mục nát chỗ nào, tôi sửa đến đó, có bao nhiêu tiền thì sửa bấy nhiêu. UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã công nhận ngôi nhà là di tích cấp tỉnh và có hướng sửa chữa, bảo tồn. Cho nên, tôi rất yên tâm”.

img

Trong bóng tối lờ mờ của gian nhà cổ, cụ Sương chia sẻ với phóng viên về quá trình hình thành ngôi nhà.

Cụ Sương dẫn chúng tôi tham quan một lượt ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo, có một không hai ở tỉnh Tây Ninh. Tuy nhà có một số chỗ mục nát, xuống cấp hư hỏng nhưng về tổng thể, nhà cổ Đốc phủ sứ được con cháu gìn giữ khá hoàn hảo và đảm bảo nguyên bản xây dựng ban đầu.

Cụ Sương cho biết: “Theo tài liệu lưu giữ và kể lại của người thân, ngôi nhà cổ 2 tầng làm bằng gỗ quý, được Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên xây dựng trong khoảng 1-2 năm. Ông cố quê ở miền Trung, được Pháp cho đi du học, sau đó phân về làm quan ở tỉnh Tây Ninh. Để tiện việc sinh sống và cai quản vùng đất mới, cụ đã xây dựng ngôi nhà để gia đình trú ngụ”.

img
Cũng theo cụ Sương, thời điểm xây dựng chính xác của căn nhà là vào ngày 17/1/1984, được khắc rõ trên tấm biển gỗ phía sau căn nhà. Tổng thể ngôi nhà được xây dựng theo kiểu chữ Đinh xưa hướng mặt ra bờ rạch Tây Ninh, nhìn thẳng về núi Bà Đen. Căn nhà rộng khoảng 240m2 (ngang 12m, dài 20m) gồm 1 trệt và gác. Căn nhà “độc nhất vô nhị” ở đặc điểm nhà chữ Đinh thường không có gác nhưng ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên lại được xây dựng thêm một gác gỗ theo phong cách Tây Âu.

Cách bày trí bên trong ngôi nhà cũng cho thấy sự giao thoa văn hóa Đông – Tây, kiến trúc có nét Tây Âu nhưng nội thất, cách bày biện lại thuần Việt. Trong đó, gian giữa được bố trí làm nơi thờ tự với các bàn hương án, khám thờ, liễng đối, đều làm bằng gỗ khảm xà cừ. Một bộ trường kỷ quý hiếm được bày trí giữa nhà, hai bên được bố trí bộ ván ngựa dày 10cm và các bàn nhỏ dùng để tiếp khách. Gian sau được sử dụng để phục vụ sinh hoạt, nấu nướng, nghỉ ngơi. Ngoài ra, ngôi nhà còn có sân nắng phía sau để lấy ánh sáng và gió tự nhiên.

img

Nhà cổ hơn 120 năm tuổi được chạm trổ thủ công công phu.

Tất cả cột, kèo, vách cửa cho đến lan can đều được chạm trổ thủ công công phu với những hình ảnh gần gũi như: long, lân, quy, phụng, sen, cúc, trúc, dơi, thỏ, chim công, sóc…. Tường nhà được xây rất kiên cố và dày bằng loại gạch nung vẫn còn tồn tại nguyên bản. Nền nhà được lót bằng gạch tàu hình lục giác, mái được lát bằng ngói âm dương. Bên trong ngôi nhà có nhiều cổ vật quý giá, những bức tranh có tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Giữa nhà, bàn thờ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên được bố trí uy nghiêm. Tấm ảnh chân dung của chủ nhà vẫn rõ nét, nước hình hơn 100 năm vẫn đẹp lạ thường, thể hiện rõ nét nho nhã, thanh lịch, lẫn uy nghiêm của một vị quan.

Cụ Sương chia sẻ: “Con trai út của tôi khoái đồ cổ, tôi cũng thích sống không gian hoài cổ, không thích sống hiện đại. Mấy năm trước, nhà cổ hư hỏng, mưa dột, tôi sửa lại mái ngói. Ngôi nhà được sửa chữa mái ngói 3 lần, lần đầu ngói âm dương bị mục, tôi cho lợp lại bằng ngói móc, sau đó tiếp tục hư, tôi lợp kỹ lại bằng ngói ở phía trước và phía sau lợp tôn. Mỗi ngày, tôi đều quét dọn lau chùi. Chỉ tiếc, căn gác rộng 3 gian đã mục, tôi không dám lên nữa, chứ trước đó, gia đình vẫn sinh hoạt, sử dụng căn gác bình thường. Tôi hy vọng bảo tồn được căn gác, bởi nó là điểm đặc biệt của ngôi nhà này so với các nhà cổ khác”.

Những báu vật vô giá

Dù không tiếc tiền tu sửa “báu vật” của gia tộc nhưng cụ Sương vẫn luôn trăn trở, chất lượng vật liệu hiện đại khó lòng sánh ngang với thời trước. Gỗ quý khó mua mà chất lượng cũng không tốt như trước, mau hư hỏng. Bởi vậy, cụ Sương và cậu con trai út luôn cố gắng giữ gìn, bảo quản từng cái kèo, cái cột, từng món cổ vật quý giá còn lưu truyền. Cụ Sương hãnh diện chia sẻ: “Gia đình sở hữu nhiều món cổ vật mà tuổi đời còn lớn hơn tuổi của nhà cổ. Tôi sinh ra đã thấy những món đồ quý hiếm này, từ bức tranh cho đến bộ bát bửu binh khí, bình cổ…”.

img

Cụ Sương cảm thấy yên tâm khi con trai út của bà cũng yêu thích nhà cổ.

Sở hữu được những bảo vật quý, cụ Sương và gia đình mừng cũng nhiều mà lo cũng không ít. “Bây giờ, người ta tham lam, trộm cắp hoành hành, chùa chiềng còn không tha, huống chi ngôi gia của tôi. Mỗi lần giỗ chạp, tôi mới dám mở cửa trước của ngôi nhà đến đón khách. Bình thường, tôi chỉ mở cửa cổng, ai muốn tìm thì đi ra phía sau nhà, chứ nhất định phải đóng của chính. Con cái cũng căn dặn tôi rất kỹ, mất cổ vật thì tiếc nhưng sợ mất cả mạng”, cụ Sương bày tỏ nỗi lo lắng.

Cụ Sương nói, đời sống của gia đình rất bình dân, kinh tế cũng ổn định nên chuyện bán nhà cổ chưa bao giờ nghĩ đến. Vậy mà, người có tiền cũng ngấp nghé ngỏ lời đổi nhà để sở hữu nhà cổ Đốc phủ sứ. Cụ Sương kể: “Bên kia có một cái nhà cổ nhỏ, đã bị dột ngay nóc, có ghe ở miền Tây lên mua, tháo hết xác nhà mang đi. Mua nhà đó xong, họ nghe ai nói bên Phan Chu Trinh có nhà cổ của Đốc phủ sứ còn đẹp lắm nên đi tìm. Họ đi lòng vòng khắp khu phố thì đến được nhà tôi. Họ xin vào xem rồi dò hỏi. Họ hỏi tôi có muốn đổi nhà cổ để về ở một căn nhà hiện đại, đắt tiền hay không. Nếu gia đình đồng ý, họ sẽ cất cho một căn nhà mới”.

img

Nghe khách lạ đề nghị đổi nhà, cụ Sương liền thẳng thừng từ chối. Thấy chủ nhà cương quyết, họ không dám nhắc tới ý định đó dù rất khao khát sở hữu ngôi nhà cổ có hơn 120 năm tuổi. Cụ Sương nói, cụ may mắn khi con trai út cũng mê nhà cổ nên giúp cụ trông coi nhà cửa cẩn thận. Tuổi cao, cụ cũng yên tâm ngôi nhà truyền thống, lưu giữ nhiều kỷ niệm của gia đình sẽ được trường tồn. Tiền tỷ cũng không thể đổi được những kỷ niệm, giá trị văn hóa – lịch sử của ngôi nhà được tiền nhân để lại.

Cụ nhớ: “Thời chiến tranh, khu vực này cũng có pháo kích ầm ầm, người chết nhiều nhưng ngôi nhà lại không bị ảnh hưởng bao nhiêu. Tường nhà dày nên không sợ pháo kích rớt hai bên, mà chỉ lo nhất khi pháo kích rơi trên nóc nhà. Pháo kích rớt giữa nhà thì tiêu tan, sụp đổ hết. Để tránh nguy hiểm, phía ngoài, gia đình tôi đào hầm đất để trú ẩn, trong nhà thì chất bao cát lên mấy tấm gỗ, rồi chui vào ẩn nấp. Chiến tranh còn không thể tàn phá được ngôi nhà, tôi làm con cháu phải cố gắng gìn giữ”.

img

Ngôi nhà được nhiều cặp đôi đến xin làm bối cảnh chụp ảnh cưới.

Bối cảnh của những bộ ảnh cưới

Bên ngoài ngôi nhà có nhiều dây leo chằng chịt, tạo nên nét rêu phong đẹp mắt, hoài cổ. Chính vẻ đẹp độc đáo này đã thu hút nhiều người đến tham quan và mượn nhà cổ chụp ảnh cưới. Nghe lời đề nghị dễ thương, cụ Sương vui vẻ đồng ý mà không lấy một đồng tiền phí. Nhiều cặp đôi nói, họ vào quán cà phê chụp đã phải đưa 200.000 đồng. Vậy mà vô nhà cổ, gia đình cụ Sương không lấy tiền. Họ rất biết ơn gia đình và yêu quý ngôi nhà hơn.

N.L

img