Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nhiều lao động nhập cư tại Hà Nội cho hay, cuốn sổ hộ khẩu thực sự là nỗi ám ảnh, rào cản ngăn cách họ với những dịch vụ xã hội.
Chị Hải (quê Nam Định) lên Hà Nội sinh sống cũng đã gần chục năm nay. Chị luôn thấy mệt mỏi với những thủ tục nhiêu khê mang tên sổ hộ khẩu. Đặc biệt, khi con gái chị đến tuổi đi học, chị muốn xin cho con vào một trường gần nơi ở để tiện việc đưa đón nhưng ngặt một nỗi không có hộ khẩu thường trú.
Mỗi công dân sẽ có một mã số định danh trọn đời (Ảnh minh họa)
Không chỉ riêng chị Hải mà rất nhiều người đều rơi vào tình cảnh tương tự vì các trường thường ưu tiên cho học sinh có sổ hộ khẩu thường trú, sau đó mới đến các trường hợp khác.
“Quyền năng”, "đặc quyền" của cuốn sổ hộ khẩu luôn đè nặng lên vai người dân, từ cư trú tới công việc, tiêu chuẩn điện nước, học hành đến mua bán giao dịch… Chỉ riêng việc như mua bán điện, theo hướng dẫn của tập đoàn Điện lực Việt Nam, hồ sơ khách hàng cần cung cấp để mua điện cho mục đích sinh hoạt gồm có bản sao của một trong các giấy tờ có tên của tổ chức, cá nhân tại điểm mua điện, trong đó có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú. Nếu không, người dân "lên trời" mà mua điện.
Trên thực tế, theo phân tích của một số chuyên gia luật, các giao dịch ở ngân hàng, bảo hiểm xã hội, các giao dịch công chứng, mua bán nhà đất... rất nhiều thủ tục không hề cần đến sổ hộ khẩu. Nhưng sổ hộ khẩu đang bị sử dụng sai mục đích, "lạm dụng" thành công cụ quản lý của các cơ quan, đơn vị một cách máy móc. Theo tìm hiểu của PV, 27 thủ tục hành chính đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Nếu không có cuốn sổ này, mọi thủ tục hành chính đều khó thực hiện trôi chảy.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, một cán bộ vụ Hành chính tư pháp (bộ Tư pháp) cho hay, theo luật, tự do đi lại, cư trú của người dân là quyền và lợi ích hợp pháp nhưng hiện nay lại đang bị quản lý bởi công an. Nhà nước cho người dân cư trú ở đâu thì họ mới được ở đấy. Thế nên mới xảy ra tình trạng người dân phải chạy vạy để có hộ khẩu, rồi chuyện cho con đi học, xin việc... nảy sinh nhiều tiêu cực do người dân không có hộ khẩu. Việc này rõ ràng không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế.
Chính vì vậy, việc xóa bỏ sổ hộ khẩu quản lý công dân bằng mã số định danh để giảm bớt những thủ tục phiền hà cho người dân là việc làm tất yếu.
Theo nhận định của các chuyên gia, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân đã được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, đến nay sau 4 năm mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và vẫn còn những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Lâu nay, người dân vẫn than khổ về "rào cản" hộ khẩu (Ảnh minh họa)
Chia sẻ với PV, chị D.K.Ng (tạm trú ở quận Thanh Xuân) cho biết, tuần qua, tổ trưởng tổ dân phố nơi chị sinh sống đến từng nhà phát phiếu khai báo thông tin cá nhân theo mẫu nhưng theo hướng dẫn chị không được kê khai ở nơi tạm trú (địa chỉ nhà chồng) mà phải khai báo thông tin tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, đại diện cơ quan chức năng nơi chị đăng ký thường trú lại nói rằng do chị không sinh sống ở đó nữa nên phải khai báo thông tin cá nhân ở nơi tạm trú. “Một thủ tục kê khai thông tin mà “đá qua đá lại”, tôi cũng không biết phải khai báo như thế nào cho đúng quy định”, chị Ng. băn khoăn.
Cũng từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân sẽ tác động tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành. Việc chứng minh hộ gia đình, quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Do vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu, các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân cũng bị tác động.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cho rằng, việc thay đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân là một bước tiến lớn trong công tác quản lý dân cư, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Bỏ sổ hộ khẩu nhưng quản lý hộ khẩu vẫn được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên những gì liên quan đến hộ khẩu cũng không thay đổi.
"Chúng ta cần hiểu đúng về chính sách. Bỏ sổ hộ khẩu giấy thay thế bằng phương thức quản lý mã số định danh cá nhân chỉ là thay đổi cách thức quản lý hiện đại hơn. Nhiều người nghĩ rằng bỏ hộ khẩu, nhưng không phải, vì nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề quản lý xã hội", ông Hà nói.
H.L