img

Hiểm họa khôn lường khi kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trên giấy

Thanh Lam - Hải Yến

Sau vụ phát hiện pate Minh Chay của công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới chứa độc tố có thể gây tử vong, một vấn đề được người tiêu dùng băn khoăn là phải chăng khâu kiểm tra, kiểm duyệt các sản phẩm nói chung và những thực phẩm đóng hộp nói riêng khi ra thị trường còn qua loa, hoặc chỉ thẩm duyệt trên giấy tờ?

Chất lượng sản phẩm vẫn phụ thuộc ý thức doanh nghiệp

Sản phẩm đóng hộp pate Minh Chay chứa độc tố của vi khuẩn gây ngộ độc, thậm chí có thể dẫn đến tử vong khiến dư luận vô cùng lo lắng, bức xúc. Để xảy ra tình trạng này, quy trình kiểm duyệt chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra ra thị trường là vấn đề đáng bàn. Việc kiểm nghiệm thực phẩm an toàn ngay từ đầu ra khó đến mức, nhiều vụ việc phải chạy theo xử lý kiểu “thả gà ra đuổi”?

Về vấn đề này, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - nguyên Trưởng phòng Quản lý sản phẩm (cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế) - cho biết: “Khâu kiểm duyệt chỉ dựa trên hồ sơ, giấy tờ. Còn mỗi một lô hàng thì nhà sản xuất sẽ là người chịu trách nhiệm chính. Chuyện thanh tra, kiểm tra khó có thể thực hiện thường xuyên, mà chỉ là kiểm tra định kỳ từng thời điểm. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tự ý thức được thương hiệu của họ, phải chịu trách nhiệm kiểm soát từng lô hàng xuất ra”.

Đánh giá thêm, bác sĩ Dũng nhìn nhận: Để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn thì doanh nghiệp vẫn là đơn vị phải chịu trách nhiệm chính. Giấy công bố sản phẩm chỉ là một cam kết của doanh nghiệp, còn khi xảy ra rủi ro thì doanh nghiệp phải chịu.

Trong khi đó, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, để xảy ra sự việc liên quan đến chất lượng sản phẩm có hai vấn đề. “Đầu tiên là trách nhiệm của người cấp phép, hai là trách nhiệm của người quản lý, hậu kiểm. Tức là đã cấp phép thì phải theo dõi xem đơn vị đó kinh doanh như thế nào, hoạt động ra sao, chứ không phải cấp phép rồi để đấy. Đối với vụ việc pate Minh Chay, tôi cho rằng, để xảy ra tình trạng nhiều người bị nhiễm độc rất nặng thì cần phải xem xét lại khâu kiểm duyệt sản phẩm trước khi đưa ra thị trường”, bà An nhấn mạnh.

img

Pate Minh Chay chứa độc tố của vi khuẩn.

Từ những nhận định nêu trên, bà An đặt ra vấn đề về trách nhiệm quản lý Nhà nước: “Sau khi đã kiểm duyệt, nếu phát hiện ra cơ quan quản lý Nhà nước đã kiểm nghiệm đúng nhưng doanh nghiệp làm sai thì khi đó sẽ có chế tài xử lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng tôi cho rằng, khâu quản lý hiện nay vẫn còn lỏng lẻo”.

Trong khi đó, chia sẻ với PV về quy trình công bố chất lượng sản phẩm, ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (cục ATTP, bộ Y tế) cho biết: “Căn cứ theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, phân cấp quản lý loại thực phẩm pate Minh Chay do ngành nông nghiệp thực hiện. Mọi việc được thực hiện theo quy định rất chi tiết”.

Khâu kiểm duyệt còn lỏng lẻo

ĐBQH khóa XII, XIII Trần Ngọc Vinh đã nhận định với PV tạp chí ĐS&PL về băn khoăn nêu trên. Nói về khâu kiểm định, kiểm duyệt sản phẩm đóng hộp trước khi được chào hàng trên thị trường, ông Vinh cho hay: “Tất cả những thực phẩm mang các chất độc hại đều rất nguy hiểm. Tôi cũng đã từng nói nhiều lần trên nghị trường “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”. Những chất độc hại đó sẽ gây bệnh tật, di chứng cho con người không chỉ bây giờ mà còn cả về sau. Có thể nói, các khâu kiểm định, kiểm duyệt từ trước đến nay đang quá lỏng lẻo, như vậy thì các sản phẩm kém chất lượng mới dễ dàng tuồn ra thị trường”.

Để các sản phẩm kém chất lượng có mặt trên thị trường, theo ông Vinh, người tiêu dùng đã sử dụng mà không hề hay biết, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân: “Những người sử dụng đã có bệnh thì đi chữa bệnh, chưa phát bệnh thì phải đi đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Rõ ràng, người tiêu dùng là người phải gánh chịu hậu quả”.

img

Các bệnh nhân từng sử dụng pate Minh Chay đang được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Ông Vinh cho rằng: “Để khắc phục tình trạng này, cần phải có chế tài xử lý các bộ phận được giao nhiệm vụ kiểm định, những người có trách nhiệm. Đồng thời, phải ngăn chặn kịp thời, khi sự việc đã xảy ra cần có các biện pháp thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách rộng rãi hơn nữa để người dân không sử dụng các sản phẩm độc hại. Thông báo cho các cơ sở sản xuất không được tung ra thị trường, đồng thời nếu không cho người sử dụng thì cũng cần tính toán kỹ có nên cho các con vật nuôi ăn hay không. Thêm nữa, cần phải tìm ra nguyên nhân gây độc và sau đó đưa ra chế tài xử lý đơn vị sản xuất. Cuối cùng, cần phải xem xét lại các bộ phận cho phép các sản phẩm được ra ngoài thị trường. Cần phải làm đồng bộ, xử lý nghiêm minh vấn đề thực phẩm bẩn, gây hại đến sức khỏe của con người”.

Đồng thời, theo ông Vinh, các cơ quan chức năng có liên quan cần phải kiểm tra kỹ tại các siêu thị, không chỉ là sản phẩm đóng hộp trong nước mà các sản phẩm nhập khẩu cũng vậy. Kiểm tra về chất lượng, hạn sử dụng, các phụ gia sản xuất. Đồng thời, cần phải kiểm tra ngay từ khi các cơ sở tiến hành sản xuất, khi xuất xưởng các lô hàng. Hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng phải ghi trên bao bì để người dùng nắm được.

“Cần tuyệt đối tránh tình trạng sản phẩm ra thị trường mới bị người tiêu dùng phát hiện chất lượng kém, rồi thu hồi. Như thế, vừa khiến người tiêu dùng hoang mang, bức xúc và đồng thời cũng càng khiến cho những người làm công tác quản lý, xử lý thu hồi thêm phần mệt mỏi, quá tải”, ông Vinh nhấn mạnh.

Trách nhiệm thuộc về ai?

“Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định các sản phẩm đồ hộp hiện nay do bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam quản lý chất lượng. Tuy nhiên, có sự chồng chéo và chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm. Một sản phẩm kém chất lượng mà lại được kiểm duyệt đưa ra thị trường, thật khó hiểu. Theo tôi, có ba việc cần phải làm ngay. Thứ nhất, nghiên cứu lại phân công quản lý, kiểm định an toàn thực phẩm cho phù hợp. Thứ hai, xem lại quy trình đưa sản phẩm ra thị trường. Thứ ba, sau khi sản phẩm ra thị trường phải có đánh giá sau công bố, giám sát”, PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế).

T.L-H.Y

img