Chuyện có tới 15/17 quán quân Đường lên đỉnh Olympia chọn định cư ở Australia thay vì trở về cống hiến cho Tổ quốc không phải mới nhưng đến hẹn lại lên, trên hành trang du học của người đeo vòng nguyệt quế vẫn văng vẳng lời trách cứ của dư luận.
“Em chắc chắn sẽ trở về, mọi người có thể tin vào điều đó” – là lời khẳng định của nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2019 Trần Thế Trung cách đây vài ngày khi được hỏi về dự định sau thời gian du học.
Đó là câu nói hy vọng mà Trung gieo vào lòng hàng triệu con người theo dõi chương trình Đường lên đỉnh Olympia gần hai thập kỷ qua, những con người đau đáu về nỗi niềm phát triển nhân tài đất nước.
Họ vừa chúc mừng em vô địch năm 2019 trong một sự chung vui không trọn vẹn, lại hơi nghẹn ngào.
Tự hào quá chàng trai đến từ đất học Nghệ An với màn thi tài xuất sắc, nhưng nghĩ đến viễn cảnh Trung đeo balo vượt 8.000km sang Úc châu xa xôi, em lại thấy cuộc sống nơi đó biết bao tiện nghi, kỳ lạ - rồi em lại chẳng muốn về như bao người đi trước.
Khởi đầu là một cuộc thi trên truyền hình, Đường lên đỉnh Olympia đến nay đã trở thành đấu trường kiến thức của các bạn trẻ, nơi tạo động lực cho các bạn học sinh phấn đấu học tập, nuôi dưỡng ước mơ một ngày sẽ được phát triển bản thân và rèn luyện ở nước ngoài.
Nhưng cũng từ đó, chương trình bỗng chốc phải mang theo gánh nặng không hề mong muốn như thể một bệ phóng nhân tài, là nơi tìm kiếm “hiền tài quốc gia”.
Theo quan niệm đó, việc chỉ có 2/17 quán quân đi du học ở Australia trở về Việt Nam cống hiến đã phản ánh một thực trạng nhức nhối, không đến mức coi đó là “phản bội”, nhưng họ gọi đó là “chảy máu chất xám”.
Niềm tự hào về những gương mặt triển vọng cho đất nước được tìm thấy ở Đường lên đỉnh Olympia cứ thế vơi đi sau 19 năm phát sóng, khi nhà vô địch đầu tiên giờ đây đầu quân cho một doanh nghiệp ở Australia, những gương mặt tiếp theo cũng có sự lựa chọn tương tự.
Chua cay hơn, có nhiều người coi chương trình Đường lên đỉnh Olympia là “Đường lên đỉnh Australia” hay “Cuộc thi tìm kiếm tài năng nước Úc”.
Nhưng theo tôi, sự thất vọng của bao người về cái gọi là “chảy máu chất xám” hay lãng phí người tài cho nước ngoài là một suy nghĩ hạn chế về tầm nhìn.
Trước hết, cần phải nhìn nhận rõ Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một chương trình truyền hình, không phải là một cuộc tuyển chọn gắt gao các cá nhân xuất sắc về một lĩnh vực nào đó để đưa đi đào tạo nước ngoài, càng không phải là chương trình tuyển chọn nhân lực chất lượng cao ở một cơ quan, tổ chức hay cấp Nhà nước.
Do đó, cá nhân các nhà vô địch Olympia có thể giỏi về kiến thức chung nhưng có tố chất xuất sắc thì cần đòi hỏi xác định ở những tiêu chuẩn khác, không phải qua các vòng thi theo format có sẵn: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích.
Như vậy, không nên vội đánh đồng họ là “hiền tài” mang tầm vóc quốc gia, cũng như đừng nghiêm trọng hóa chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Thứ hai, hãy trả lại cho Đường lên đỉnh Olympia về đúng bản chất là một cuộc thi truyền hình. Các thí sinh tham dự với tâm thế giao lưu, học hỏi và tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân với mục tiêu cao nhất là giành được chiếc vòng nguyệt quế, với phần thưởng 35.000 USD cùng điều kiện du học ở Australia. Khoan nói đến nhiệm vụ xa xôi như “cống hiến, làm rạng danh đất nước”.
Việc các quán quân trở về nước hay không sẽ còn phụ thuộc vào khả năng, nguyện vọng của họ sau một quãng thời gian dài học hỏi. Du học không phải là một phép màu. Với 4 năm du học – chưa tính đến các yếu tố khách quan khác, liệu họ có thể giỏi hơn hàng trăm giáo sư, kỹ sư đã có kinh nghiệm hàng chục năm trong nước?
Nếu như họ cảm thấy bản thân chỉ phát triển được ở mức giới hạn, điều kiện ở Việt Nam không có đất dụng võ, cũng như cảm thấy phù hợp hơn với lối sống ở nước ngoài, hãy tôn trọng quyết định đó. Biết đâu, đó lại là quyết định đúng đắn, hơn là “cố đấm ăn xôi”, hành trang trở về cũng vẫn chỉ là cái mác quán quân Olympia nhưng không có điều kiện thuận lợi để phát triển, tương lai họ sẽ ra sao?
Thứ ba, đó là vấn đề muôn thuở: Đất lành thì chim đậu. Doanh nghiệp Việt có đủ điều kiện phát triển khả năng của các quán quân Olympia sau khi được đào tạo ở nước ngoài?
Tại Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 600.000 học sinh rời đại lục để theo đuổi nền giáo dục đại học ở nước ngoài, và cũng có tới 480.000 người lựa chọn trở về đất nước. Tất cả đều đến từ chính sách ưu tiên nhân lực được đào tạo từ nước ngoài, đặc biệt trong khối lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Con số 15/17 quán quân của một cuộc thi kiến thức truyền hình ra đi là quá ít để coi là hiện tượng đại diện cho vấn đề “chảy máu chất xám”. Không thiếu những hiền tài thực sự, họ không đội vòng nguyệt quế, vẫn đang âm thầm cống hiến cho đất nước ngoài kia.
Thứ tư, toàn cầu hóa như hiện nay, làm việc xuyên quốc gia là một xu thế bình thường. Đó là một sự chuyển dịch, lưu thông chất xám từ nơi này sang nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác. “Hàng hóa của Việt Nam ở đâu, biên giới của Việt Nam ở đó”. Cũng như vậy, người Việt Nam đi tới đâu, sự phát triển của Việt Nam sẽ lan rộng tới đó.
Vậy hà cớ gì mà cứ khăng khăng đòi người Việt phải về làm việc tại Việt Nam?
Quyết định có trở về Việt Nam “cống hiến” hay không hãy để thời gian trả lời. Có thể một vài người dám hứa chắc nịch như Trần Thế Trung, còn một vài quán quân khác, một ngày nào đó khi dư luận ngừng réo tên, họ sẽ quay trở về và cống hiến trong âm thầm?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả